Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhiều nguồn lực xóa nhà tạm, giúp hộ nghèo ở Văn Bàn “an cư lạc nghiệp”

Trọng Bảo - 06:30, 03/12/2023

Văn Bàn là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Lào Cai, thời gian qua, cùng với việc triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, từ nhiều nguồn lực, huyện đã và đang tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp các hộ nghèo, hộ DTTS yên tâm an cư, phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chỉ còn ít ngày nữa ngôi nhà mới của gia đình anh Xuân (thứ hai từ phải qua) sẽ hoàn thành
Chỉ còn ít ngày nữa ngôi nhà mới của gia đình anh Xuân (thứ hai từ phải qua) sẽ hoàn thành

Gia đình anh Phạm Văn Xuân, dân tộc Tày ở thôn Én 3 thuộc diện hộ nghèo của xã Võ Lao. Thời gian qua, dù cần cù chịu khó lao động sản xuất, tuy nhiên, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ làm nông, trong khi diện tích đất sản xuất ít nên dù cố gắng thì cũng chỉ đủ ăn. Chính vì vậy, dù căn nhà của gia đình đã quá dột nát, nhưng gia đình anh Xuân cũng không có khả năng để xây dựng lại.

Anh Xuân cho biết: Căn nhà cũ là nhà tạm đã làm được gần 20 năm nên đã xuống cấp, xiêu vẹo. Những khi trời mưa gió, cả nhà lại di chuyển sang nhà anh em họ hàng để trú nhờ, không dám ở trong nhà vì lo nhà đổ sập bất cứ lúc nào.

“Vừa qua, gia đình được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), gia đình vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách. Công xây dựng thì nhờ anh em, tổ đội trong thôn theo cách đổi công nên cũng giảm thiểu chi phí. Chỉ mấy ngày nữa thôi gia đình có nhà mới khang trang để ở, cả nhà ai cũng vui mừng phấn khởi”, anh Xuân tâm sự.

Chuyển về ngôi nhà xây kiên cố ở đã được vài tháng nay, nhưng gia đình chị Lý Lai Kinh, dân tộc Dao ở thôn Én 3 vẫn còn “lâng lâng” trong niềm vui khôn tả. Chị Kinh cho biết: Vợ chồng chị lấy nhau ra ở riêng rồi dựng tạm ngôi nhà bằng tre nứa để ở, do thời gian dài nắng mưa nên nhà xuống cấp trầm trọng. Những ngày mưa to gia đình phải dùng tất cả xô chậu để hứng nước mưa dột xuống. Mong muốn sửa chữa, xây dựng lại nhà mà “lực bất tòng tâm” do gia đình chị quá nghèo. Vừa qua, gia đình chị được hỗ trợ 40 triệu đồng theo Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, cộng với tiền vay mượn họ hàng đã làm được ngôi nhà xây khang trang.

“Bây giờ có nhà xây để ở rồi, chồng em cũng yên tâm đi làm xa để có tiền trang trải cuộc sống và trả nợ dần anh em họ hàng. Những ngày mưa gió cũng không còn phải lo lắng như trước nữa”, chị Kinh chia sẻ.

Năm 2017, xã Võ Lao về đích nông thôn mới; một trong những tiêu chí quan trọng mà xã đặc biệt quan tâm đó là tiêu chí về nhà ở. Bà Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi tiến hành khảo sát để hoàn thành nông thôn mới, thì tiêu chí nhà ở của xã đạt; tuy vậy, qua thời gian sử dụng thì hàng năm cũng có một số nhà của bà con dần xuống cấp; những hộ khá thì bà con tự sửa chữa, xây dựng lại.

“Tuy nhiên, với những hộ nghèo thì bà con không có điều kiện để làm nhà mới. Bằng các nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo DTTS, chúng tôi đã tiến hành rà soát những hộ đủ tiêu chuẩn thì đưa vào danh sách để hỗ trợ cho bà con. Qua đó, vừa bảo đảm tiêu chí về nhà ở cũng như giúp bà con ổn định đời sống. Riêng trong năm 2023, chúng tôi đã hỗ trợ xóa được 14 nhà tạm, nhà dột nát cho bà con Nhân dân trong xã”, Chủ tịch xã Trần Anh Tân thông tin thêm.

Gia đình chị Kinh (thứ ba từ phải qua) đã chuyển về ở trong ngôi nhà xây khang trang
Gia đình chị Kinh (thứ ba từ phải qua) đã chuyển về ở trong ngôi nhà xây khang trang

Văn Bàn là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là địa bàn vùng cao, vùng DTTS. Qua rà soát hàng năm thì các hộ có nhà tạm, nhà dột nát chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, từ năm 2020 huyện đã thành lập Ban chỉ đạo “xóa nhà tạm, nhà dột nát” với tinh thần “Nhân dân thực hiện là chính, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ”.

Theo đóm hàng năm, huyện Văn Bàn đều tổ chức huy động sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người dân… cùng với nguồn lực từ các chương trình, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ bà con xóa nhà tạm. Ông Phí Công Hoan, Bí thư huyện ủy Văn Bàn cho biết: Qua 4 năm triển khai, huyện đã vận động ủng hộ được gần 4 tỷ đồng; cùng với các nguồn lực khác đã hỗ trợ được 439 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách làm nhà mới và sửa chữa nhà ở.

“Riêng trong năm 2023, với nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, huyện Văn Bàn đã hỗ trợ cho 84 hộ đủ điều kiện để làm nhà mới, với tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng”, ông Hoan nhấn mạnh.

Tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát giúp các hộ khó khăn ổn định cuộc sống
Tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát giúp các hộ còn khó khăn, hộ vừa thoát nghèo ổn định cuộc sống

“An cư lạc nghiệp”, việc triển khai có hiệu quả các nguồn lực huy động để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Văn Bàn trong thời gia qua, đã góp phần giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, việc tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng đã duy trì và nâng cao tiêu chí về nhà ở, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao đối với các xã trong huyện.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.