Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Để diêm dân Bạc Liêu “sống” được với hạt muối: Cần chính sách đủ mạnh (Bài cuối)

Tào Đạt - 19:44, 01/04/2025

Mặc dù đã có những thay đổi tích cực từ các dự án đầu tư và cách làm của bà con diêm dân trong việc duy trì nghề truyền thống ở Bạc Liêu, tuy nhiên, để nghề làm muối Bạc Liêu có thể hòa nhập theo xu hướng "kỷ nguyên vươn mình" của đất nước, với những bước phát triển vượt bậc, xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách đủ mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng đi tham quan đồng muối huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng đi tham quan đồng muối huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu

Gỡ rào cản về tín dụng ưu đãi

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị định số 40/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh muối, diễn ra tại Bạc Liêu vào ngày 7/3 vừa qua, các chuyên gia nhận định rằng, từ thực tế các nước và hoạt động nghề muối của Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng trong những năm qua, để phát triển bền vững lĩnh vực này vẫn cần chính sách đủ mạnh. Thêm vào đó, để diêm dân có thể thích nghi với xu thế mới và phát triển bền vững, cần một hệ thống chính sách đồng bộ, tập trung vào tín dụng, khuyến diêm và bảo vệ môi trường.

Trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Hưng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhận định: “Về chính sách tín dụng ưu đãi cho diêm dân và doanh nghiệp muối. Chúng ta không khó để nhận ra, một trong những rào cản lớn nhất của diêm dân, là thiếu vốn đầu tư vào công nghệ sản xuất muối sạch, muối công nghiệp”.

Theo Thứ trưởng Võ Văn Hưng, hơn bao giờ hết, diêm dân rất cần các gói vay lãi suất thấp để cải tạo đồng muối, nâng cấp hệ thống sản xuất. Đồng thời, cần hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp chế biến muối, giúp phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng.

"Cũng cần thiết nghiên cứu xây dựng quỹ bảo hiểm rủi ro cho ngành muối, giúp diêm dân ổn định sản xuất khi gặp thiên tai hoặc biến động giá cả. Nếu các chính sách này được triển khai hiệu quả, sẽ giúp diêm dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm", ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh. 

Cánh đồng muối huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu
Cánh đồng muối huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu


Bốn yếu tố then chốt giúp nâng tầm nghề muối, gồm: Phát triển đa giá trị cho muối, từ muối ăn đến muối công nghiệp, muối dược liệu, muối du lịch; có chính sách tín dụng ưu đãi giúp diêm dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành muối; xây dựng hệ thống khuyến diêm bài bản, đảm bảo diêm dân có kiến thức, kỹ thuật và thị trường ổn định; bảo vệ môi trường sản xuất muối, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững.

Võ Văn HưngThứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng nhấn mạnh, bên cạnh hỗ trợ về tín dụng, thì chính sách khuyến diêm - hỗ trợ kỹ thuật và thị trường là điều không thể thiếu. Khuyến diêm không chỉ đơn thuần là hỗ trợ tài chính, mà còn phải giúp diêm dân tiếp cận công nghệ mới, nâng cao tay nghề và ổn định thị trường. Cụ thể như, chuyển giao công nghệ sản xuất muối sạch, muối hữu cơ, giúp tăng giá trị sản phẩm; đào tạo diêm dân về sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng khả năng xuất khẩu; xây dựng hệ thống thu mua ổn định giữa doanh nghiệp và diêm dân, giảm tình trạng ép giá.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung nâng cao sản lượng, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; đồng thời, đầu tư phát triển sản xuất muối ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi theo hướng tập trung, quy mô lớn, hình thành vùng sản xuất muối công nghiệp với công nghệ hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, thu hồi các sản phẩm sau muối và các ngành kinh tế khác như du lịch nông thôn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…

Ông Võ Văn Hưng nêu quan điểm, lúc này, cái diêm dân đang cần, đó là chính sách bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện nay, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến ngành muối, khiến nhiều vùng sản xuất bị ảnh hưởng do nước biển dâng, xâm nhập mặn, thay đổi thủy văn. 

"Để giảm thiểu tác động này, cần thực hiện tốt một số vấn đề như xây dựng hệ thống kênh dẫn nước biển thông minh, tránh ô nhiễm nguồn nước làm muối; hỗ trợ mô hình sản xuất muối thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; bảo vệ và mở rộng rừng ngập mặn ven biển, tạo lá chắn tự nhiên chống lại tác động của nước biển dâng", ông Hưng nói

Tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư cho nghề muối

Nhìn nhận thực tế những năm qua, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đã thẳng thắn thừa nhận, do quá trình phát triển kinh tế nên chưa chú trọng quan tâm nhiều đến vấn đề muối, mà chỉ quan tâm đến lúa, gạo, tôm và các lĩnh vực khác. Từ đó, đời sống của diêm dân còn khó khăn.

Do đó, khi nghề muối Bạc Liêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và có đề án để xây dựng nghề phát triển mạnh, tạo động lực để phát huy tiềm năng, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) xây dựng Đề án phát triển nghề muối Bạc Liêu.

"Muối Bạc Liêu hiện đã được xuất khẩu sang một số nước và được đánh giá là loại muối ngon. Cho nên, hôm nay các doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực muối, thì địa phương rất hoan nghênh. Bạc Liêu cam kết nếu các nhà đầu tư triển khai được nhà máy thì tất cả các thủ tục về đầu tư, về xây dựng, tỉnh Bạc Liêu sẽ tạo điều kiện tốt nhất”, ông Phạm Văn Thiều khẳng định.

Cần thêm cơ chế, chính sách để hạt muối Bạc Liêu nâng tầm giá trị, giúp bà con diêm dân làm giàu
Cần thêm cơ chế, chính sách để hạt muối Bạc Liêu nâng tầm giá trị, giúp bà con diêm dân làm giàu

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nêu rõ, việc nào khó nhất thì dành cho Nhà nước, việc nào dễ nhất sẽ dành cho doanh nghiệp. Làm sao để duy trì và phát huy thế mạnh của nghề muối, đừng để nghề muối mai một, phải nhập muối từ nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, giá cả càng mắc thì chúng ta càng khó khăn. 

“Dù cho công nghệ tiên tiến cỡ nào, năng lượng phát triển cỡ nào mà không có lương thực thì không thể sống được. Nói như thế để chúng ta quan tâm đến vấn đề muối”, ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh. 

Tựu trung, hạt muối sẽ chỉ thật sự tỏa sáng và có thể giúp người dân nâng cao thu nhập khi được bảo vệ, phát triển bền vững và gắn liền với giá trị kinh tế hiện đại. Việc nâng tầm giá trị hạt muối không chỉ là vấn đề nâng cao năng suất mà còn là sự kết hợp giữa khoa học, văn hóa và chính sách hỗ trợ bền vững. Với những giải pháp đồng bộ, nghề làm muối sẽ không chỉ đảm bảo được sinh kế cho diêm dân, mà còn có thể vươn xa ra thị trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
MB Dream Home – Giải pháp tài chính đột phá cho khách hàng trẻ

MB Dream Home – Giải pháp tài chính đột phá cho khách hàng trẻ

“MB Dream Home” là minh chứng rõ nét cho sự nhạy bén của đội ngũ lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (MB) trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường. Gói vay này không chỉ xuất phát từ chiến lược kinh doanh mà còn dựa trên phân tích chính xác về tâm lý, nhu cầu và hành vi tiêu dùng của giới trẻ hiện nay.