Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Quảng Ngãi: Người dân không an cư ở những khu tái định cư

Tiếng Dân - 16:16, 20/07/2022

Có thể nói, việc đầu tư các dự án thủy lợi, thủy điện trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua, đã phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân ở các khu tái định cư của những dự án này còn nhiều khó khăn, do thiếu đất sản xuất...

Khu TĐC Nước Vương, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, thuộc Dự án thủy điện Đăkđrinh vắng bóng người dân
Do thiếu đất sản xuất nên khu TĐC Nước Vương, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, thuộc Dự án thủy điện Đăkđrinh luôn vắng bóng người dân

Khu tái định cư vắng bóng người dân

Được biết, Dự án thủy điện Đăkđrinh, huyện Sơn Tây; Dự án Hồ chứa nước Nước Trong ở huyện Sơn Hà và Trà Bồng (Quảng Ngãi), là 02 dự án phải thực hiện di dân, tái định cư (TĐC) với quy mô lớn. Tổng số hộ đã di chuyển, TĐC 757hộ/3.138 khẩu, trong đó, TĐC tập trung 469 hộ/1.942 khẩu, còn lại là TĐC xen ghép và tự nguyện. Tổng diện tích đất đã thu hồi hơn 2.581 ha.

Theo quy hoạch chi tiết khu, điểm TĐC được duyệt, tổng diện tích đất phải giao hơn 971 ha, giao cho 1.331 hộ; hiện tại, tổng diện tích đất đã giao 204,8 ha, giao cho 508 hộ, trong đó, đất nông nghiệp 159 ha.

Tại 3 khu TĐC tập trung ở xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long (Sơn Tây), do Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án thủy điện Đăkđrinh cho thấy, sau nhiều năm người dân về nơi ở mới, dù được ở trong những ngôi nhà xây bằng gạch kiên cố, đường bê tông phẳng lỳ nhưng cuộc sống bộn bề  khó khăn, thiếu thốn. Không ít hộ dân phải rời khu TĐC để về nơi ở cũ tìm kế sinh nhai.

Ông Đinh Văn Trung ở khu TĐC Nước Vương, xã Sơn Liên hay: Ngày trước ở làng cũ, có ruộng, có rẫy trồng lúa, mì,.. khi về khu TĐC này, mình thích bởi có nhà đẹp, đường to, gần trung tâm xã cuộc sống thuận tiện, nhưng lại nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, thiếu đất để canh tác, trồng trọt nên người dân chúng tôi phải quay về vùng lòng hồ, nơi từng sinh sống trước khi TĐC để tìm đất sản xuất.

Phần lớn các hộ dân ở trong những khu TĐC rời nhà đi vài tháng để trồng lúa, hết vụ mùa lại quay về nhà TĐC. Một số ít về hẳn vùng lòng hồ dựng nhà sàn tạm bợ sinh sống. Với họ, những căn nhà bề thế, khang trang nằm ở vùng sạt lở, xa đất canh tác... không thể giúp họ an cư, lạc nghiệp.

Nghèo lại hoàn nghèo

Mục tiêu trước khi xây dựng các khu TĐC, là giúp những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án có nơi ở mới ổn định, có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, thực tế  đời sống của người dân ở nhiều khu TĐC đang gặp không ít khó khăn, do phải đổi thay lớn về tập quán canh tác, nguồn sinh kế và lối sống, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng.

Điều đáng nói là 100% người dân TĐC sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng khi thực hiện di dân, các cấp ngành không tính đến vấn đề cấp đất sản xuất cho người dân. Vì vậy, sau nhiều năm chuyển về nơi ở mới, người dân không có đất sản xuất, không việc làm nên số tiền hỗ trợ, đền bù từ dự án cứ thế vơi dần, và người dân ở đây nghèo lại hoàn nghèo.

Ông Đinh Văn Đây, người dân khu TĐC Nước Vương tâm sự: Cái được lớn nhất khi chuyển về nơi ở mới, là nhà gần trung tâm xã, con cái đi học, sinh hoạt, khám chữa bệnh của bà con thuận lợi hơn. Nhưng cái khó là, thiếu đất sản xuất, bà con quanh năm phải đi làm thuê, thu nhập rất bấp bênh.

Do thiếu đất sản xuất nên đời sống người dân ở các khu TĐC thủy điện, thủy lợi ở Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn
Do thiếu đất sản xuất nên đời sống người dân ở các khu TĐC thủy điện, thủy lợi ở Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn

Đâu là nguyên nhân

Theo báo cáo tổng kết 7 năm thực hiện các chính sách về di dân, TĐC các dự án thủy lợi, thủy điện của UBND tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, đời sống của người dân vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân là do địa hình miền núi cao, chia cắt bởi nhiều sông suối dễ gây sạt lở nên gặp khó khăn trong việc lựa chọn mặt bằng để xây dựng khu TĐC. Do vậy, nhiều  công trình sau khi được nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhất là công trình nước sinh hoạt chưa phát huy hiệu quả, dễ xuống cấp, hư hỏng. Nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất, công tác khuyến nông ít được chú trọng dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao…

Đặc biệt, cả 2 dự án thủy điện Đăkđrinh và Hồ chứa nước Nước Trong đều không có chương trình đào tạo việc làm cho người dân TĐC, mà chỉ cấp đất cho người dân TĐC sản xuất. Riêng dự án thủy điện Hà Nang do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư, UBND huyện Trà Bồng đảm nhiệm công tác đền bù, tái định canh, TĐC nhưng chưa bố trí đủ đất tái định canh cho các hộ dân. Vì vậy, đời sống người dân thuộc diện TĐC ở các dự án này vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn.

Trước thực tế đời sống và sản xuất của người dân vùng TĐC tại các dự án thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tiếp tục chỉ đạo để khắc phục, đồng thời đã có báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, trình Thủ tướng Chính phủ bố trí hỗ trợ kinh phí để Quảng Ngãi thực hiện đầu tư các dự án hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau TĐC thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh trong, giai đoạn 2021 – 2025.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.