Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Đồng Xuân (Phú Yên): Người dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất "dài cổ" chờ tái định cư

Tiếng Dân - 08:57, 26/04/2022

Nhiều năm qua, 28 hộ dân ở xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) phải sống trong nỗi nơm nớp lo sợ về nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất do sống trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, mưa lũ. Trong khi đó, chính quyền địa phương đang gặp vướng mắc vì một số thủ tục hành chính và thiếu kinh phí đầu tư nên vẫn chưa thể bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân.

 Người dân phải sống trong cảnh tạm bợ, đối mặt với hiểm nguy vì chưa được tái định cư
Người dân phải sống trong cảnh tạm bợ, đối mặt với hiểm nguy vì chưa được tái định cư

Đối mặt với hiểm nguy

Những ngày này, về thôn Tân Long, Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam, chúng tôi ghi nhận có nhiều điểm nguy cơ sạt lở núi, hiểm nguy luôn rình rập, khiến người dân lo lắng, bất an.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Ngạn (SN 1958, ở thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam) trầm ngâm: Gia đình tôi xây nhà tại xóm Giữa, ngay dưới chân núi Dòng Bằng, từ năm 2004. Trong trận mưa lũ lịch sử năm 2009, đất đá trên núi sạt lở, đổ ập xuống, đè chết 2 người trong xóm. Sau trận lũ dữ, cả xóm Giữa luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về.

“Mùa mưa 2020, nhiều tảng đá lớn lăn từ trên núi xuống, đập vào tường nhà tôi, tạo một vết lún và nhiều rạn nứt phía trong nhà. Rất may, hôm đó vợ chồng tôi đi vắng nên không ai bị gì. Sau đợt đó, nhiều lần tôi cũng muốn sửa lại nhà, nhưng lại lo còn sạt lở nên không dám làm. Gia đình tôi và một số hộ lân cận đã đề xuất được di dời đến các khu tái định cư an toàn; nhưng đến nay chỉ có một số hộ được giải quyết”, ông Ngạn phản ánh.

Một tảng đá lớn lăn xuống sát vách nhà dân
Một tảng đá lớn lăn xuống sát vách nhà dân

Còn bà Đỗ Thị Hà (SN 1965, ở đội 2, thôn Tân Hòa) cho biết: Nhà bà nằm dưới chân núi nên trong trận lũ năm 2009, 2 tảng đá lớn đã lăn từ trên núi xuống ngay sát nhài. Sau đó, gia đình bà đã xin chính quyền địa phương cho di dời đến nơi khác, nhưng không được giải quyết.

“Cơn bão tháng 12/2017, một lượng lớn đất đá từ trên núi đổ ập xuống, vùi lấp cả căn bếp sau nhà. Địa phương đã cử lực lượng đến giúp gia đình tôi dọn dẹp. Phải mất 2 ngày mới dọn được hết khối đất đá trên. Tháng 8/2019, chính quyền địa phương đã xét cho gia đình tôi thuộc diện được di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm; nhưng không hiểu sao cho đến nay vẫn chưa thực hiện”, bà Hà kể.

Được biết, hiện 2 thôn Tân Long và Tân Hòa có khoảng 28 hộ dân sống trong khu vực thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở núi. Riêng xóm Giữa, thôn Tân Hòa có khoảng 20 hộ dân; đến nay có 14 hộ được di dời đến khu TĐC mới. Những hộ còn lại vẫn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, người dân mong ngóng từng ngày để được di dời đến khu TĐC mới, nhưng vẫn chưa được đáp ứng.

Nhiều tảng đá lớn trên núi có thể lăn xuống nhà dân bất cứ lúc nào
Nhiều tảng đá lớn trên núi có thể lăn xuống nhà dân bất cứ lúc nào

Cần đẩy nhanh tiến độ tái định cư cho người dân

Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vùng sạt lở, UBND huyện Đồng Xuân đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện, làm chủ đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam, với tổng diện tích 18.524m2; triển khai từ năm 2014.

Đây là dự án được bố trí theo Quyết định 1776 về Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc đụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, do diện tích khu TĐC hạn chế, trong khi nhu cầu người dân nhiều nên chưa thể bố trí hết được.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Sau ảnh hưởng nặng nề từ cơn lũ lịch sử năm 2009, huyện Đồng Xuân đã xây dựng một số khu TĐC, để di dời khẩn cấp một số khu dân cư ở xã Xuân Quang 2 và một số xã lân cận. Riêng khu dân cư thôn Tân Vinh có 70 lô đất; diện tích hơn 200m2/lô. 

Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã bố trí, cấp 66 lô đất cho các hộ bị ảnh hưởng; còn 4 lô chưa cấp. Trong khi đó, đến nay, địa phương tiếp nhận đơn xin cấp đất của 28 hộ dân, đều thuộc các khu vực bị ngập trũng, hoặc nguy cơ bị sạt lở đất.

Ngoài ra, hiện Quyết định 1776 và các thông tư hướng dẫn liên quan đã hết hiệu lực. Bộ NNPTNT đang trình Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Do vậy, việc bố trí cho các hộ dân vào khu TĐC Tân Vinh phải tạm dừng.

Trước mắt, địa phương cũng đã yêu cầu, xã Xuân Sơn Nam tiếp tục rà soát lại các hộ đăng ký; ưu tiên cho các gia đình có nhà ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, bị đe dọa đến nơi ở, tính mạng; tránh các trường hợp không công bằng, không minh bạch, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại. Ngay sau khi các cơ chế mới hoàn chỉnh, địa phương sẽ hoàn tất việc di dời; cố gắng hoàn thành trước mùa mưa bão 2022.

“Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, rất nhiều khu, cụm dân cư của huyện Đồng Xuân có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất khi có thiên tai, mưa lũ. Do vậy, về lâu dài, huyện Đồng Xuân sẽ tính toán, vận dụng, đề xuất thêm các nguồn lực từ trung ương, địa phương, cũng như vốn đầu tư công để đầu tư, di dời khẩn cấp một số hộ dân sống trong các khu vực mất an toàn”, ông Chánh thông tin thêm.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.