Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Quảng Ngãi: Nhiều di tích đang bị lãng quên

Minh Ngọc - 22:12, 15/06/2023

Nhiều di tích lịch sử, văn hóa của Quảng Ngãi hiện đang chịu chung thực trạng đáng buồn là bị xâm hại và xuống cấp nghiêm trọng do thời gian tàn phá. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để trùng tu, bảo vệ.

Tháng 2/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cùng đoàn kiểm tra di tích trên địa bàn huyện Nghĩa Hành. (Ảnh Nhị Phương)
Tháng 2/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cùng đoàn kiểm tra di tích trên địa bàn huyện Nghĩa Hành. (Ảnh Nhị Phương)

Di tích bị xâm hại, xuống cấp

Thắng cảnh núi Phú Thọ (còn gọi là núi Đá, núi Thạch Sơn ở xã Nghĩa Phú, Tp. Quảng Ngãi) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1993 là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nằm ở phía Đông của tỉnh. Nơi đây có ngọn núi đá cao hơn 60 m so với mực nước biển, có nhiều khối đá Granit to xếp chồng lên nhau như thạch trận, xen lẫn với cây cổ thụ. Trên núi vẫn còn phế tích thành Bàn Cờ (văn hóa Chăm Pa) được xây dựng vào khoảng thế kỷ IX - X. Trên mặt thành có tháp Chăm. Tuy nhiên, đến nay Di tích này đã bị xâm lấn nghiêm trọng. Ngọn núi trở thành nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ, xung quanh cây dại mọc um tùm. Các bia tự, vết tích thời xưa trên núi đã hư hỏng và có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Ông Trịnh Thế Dũng (66 tuổi) ở xã Nghĩa Phú từng mở quán bán nước cho du khách đến tham quan Di tích Núi Đá Phú Thọ cho biết, trước kia, ai cũng muốn đến thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây. Từ trên ngọn núi, du khách có thể ngắm nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn nơi sông hòa vào với biển. Nhưng 10 năm nay, Di tích bị bỏ hoang. Mồ mả chôn cất khắp nơi, không ai dám đến đây thưởng ngoạn nữa. Khu vực này đã trở thành khu nghĩa địa. Đất đai trong khu vực bảo vệ Di tích cũng đã bị chia năm, xẻ bảy để phân lô phục vụ việc mai táng người chết tại địa phương. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, nhưng không được giải quyết triệt để.

Cùng với đó, quần thể di tích Chiến thắng Vạn Tường (xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn) được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1982 nhưng nay cũng xuống cấp nghiêm trọng. Khung cảnh bên trong Di tích nhếch nhác, các hạng mục xuống cấp và chi chít những chữ viết bậy trên xác xe tăng tại điểm Di tích Chiến hào thép Lộc Tự.

Tương tự, tại Đình Lâm Sơn (thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nơi đây có cây đa hơn 300 năm tuổi được công nhận cây Di sản Việt Nam năm 2014. Trải qua mưa nắng thời gian, ngôi đình hàng trăm năm tuổi đang xuống cấp trầm trọng.

Nhiều người thiếu ý thức viết, vẽ bậy trên Di tích Chiến hào thép Lộc Tự.
Nhiều người thiếu ý thức viết, vẽ bậy trên Di tích Chiến hào thép Lộc Tự

Ngoài huyện Nghĩa Hành, các di tích nằm trên địa bàn các huyện khác cũng xảy ra tình trạng xâm hại, lấn chiếm, như: Điểm khởi nghĩa Ba Tơ, hay địa danh Trường Lũy tại thị trấn Trà Xuân và các xã Trà Phú, Trà Sơn, Trà Bình, Trà Tân, Trà Bùi (huyện Trà Bồng) bị người dân lấn chiếm trồng keo; Di tích vụ thảm sát Tân An (huyện Mộ Đức) bị lấn chiếm đào hồ nuôi tôm; Di tích thắng cảnh suối Huy Măng do phần lớn chưa có ranh giới rõ ràng nên bị người dân lấn đất… Thắng cảnh Ba Làng An (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bị lấn chiếm để xây hàng quán nhiều năm vẫn chưa được xử lý.

Cần có giải pháp khẩn cấp bảo vệ di tích

Theo thống kê của Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 255 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 32 di tích cấp quốc gia, 153 di tích cấp tỉnh, 69 di tích có quyết định bảo vệ và đăng ký bảo vệ. Tuy nhiên, hiện có khoảng 50/255 di tích bị lấn chiếm, xâm hại. Nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi gặp khó khăn trong việc huy động kinh phí đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích. Mặc dù số lượng di tích được xếp hạng lên tới hàng trăm nhưng kinh phí để hỗ trợ phục hồi, tu bổ thì… nhỏ giọt. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm, ngân sách cấp tỉnh chỉ bố trí được từ 1,5 - 3 tỷ đồng để thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, bảo quản định kỳ các di tích có nguy cơ xuống cấp và bị hủy hoại. Nguồn kinh phí này rất khiêm tốn so với nhu cầu triển khai công tác trùng tu, tôn tạo.

 Chùa Thiên Ấn nằm trong thắng cảnh Thiên Ấn Niêm Hà của TP. Quảng Ngãi, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia
Di tích trên núi đá ở Cổ Lũy Cô Thôn thuộc xã Nghĩa Phú, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi

Trước thực trạng này, nhiều địa phương đã có báo cáo lên cấp trên để có phương án bảo vệ di tích. Ngày 14/1/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định số 51/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích  lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

“Vừa qua, Sở VHTT&DL đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức đoàn đi khảo sát trực tiếp tại các di tích quan trọng như: Văn hóa Sa Huỳnh, Lý Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ… để có kế hoạch tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn, qua đó lưu giữ nét văn hóa truyền thống quê hương Quảng Ngãi. Đồng thời có phương án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo đối với di tích quốc gia Núi đá Phú Thọ và Cổ Lũy Cô Thôn”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi gặp khó khăn trong việc huy động kinh phí đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích. Mặc dù số lượng di tích được xếp hạng lên tới hàng trăm nhưng kinh phí để hỗ trợ phục hồi, tu bổ thì… nhỏ giọt.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.