Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Quảng Ngãi: Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm 6 - 7 % theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025

T.Nhân - 07:22, 23/03/2024

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024 (giai đoạn 2022 - 2025). Trong đó đề ra mục tiêu quan trọng là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,58 - 1,60%, riêng tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm 6 - 7% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.

Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm 6 - 7 %
Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm 6 - 7%

Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, trong 2 năm 2022 - 2023, nguồn vốn đầu tư công thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hơn 327 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 1/2024, đã giải ngân hơn 283 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 86,5%. Nguồn vốn sự nghiệp trong 2 năm 2022 - 2023 là hơn 272 tỷ đồng, đã giải ngân gần 157 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 57,6%.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong năm 2024 là hơn 401 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công hơn 156 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 245 tỷ đồng. Hiện nay các sở, ngành, địa phương đang tập trung triển khai thực hiện.

UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các dự án, nhất là giải ngân nguồn vốn bảo đảm kế hoạch, bảo đảm mục tiêu của Chương trình. Khẩn trương rà soát, tính toán lại nguồn vốn điều chuyển giữa các dự án, tiểu dự án để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, chủ động phối hợp thực hiện chương trình bảo đảm mục tiêu đề ra.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là các huyện miền núi; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả
Tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả

Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 20 mô hình giảm nghèo, xây dựng và phê duyệt trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội, nhất là đồng bào DTTS, ở vùng sâu, vùng xa; theo phương châm đến từng hộ gia đình. Tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng…

Các sở, ban, ngành nâng cao trách nhiệm trongcông tác xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát các nội dung thuộc nhiệm vụ, chức năng thuộc lĩnh vực ngành và các nhiệm vụ được giao trong công tác giảm nghèo. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các đơn vị liên quan và Cơ quan thường trực Chương trình trong việc thực hiện công tác giảm nghèo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Chương trình đối với các cơ quan chủ trì Dự án, Tiểu dự án, các địa phương, cơ sở, cộng đồng và người dân.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.