Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Quảng Ngãi: Phát hiện sai phạm trong việc hỗ trợ hộ thoát nghèo vùng miền núi

Tiếng Dân - 07:53, 18/04/2022

Theo Kết luận thanh tra số 77/KL-UBND về việc việc thực hiện chính sách hỗ trợ, biểu dương khen thưởng đối với hộ gia đình, thôn xã, huyện thoát nghèo vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký ban hành, đã chỉ ra nhiều sai sót, vi phạm. Trong đó, việc hỗ trợ không đúng đối tượng, mức hỗ trợ không đúng quy định đã ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách và quyền lợi của người dân.

Nhiều hộ dân miền núi Quảng Ngãi đã thay đổi tập quán sản xuất vươn lên thoát nghèo (trong ảnh người dân chăm sóc cây sắn)
Nhiều hộ dân miền núi Quảng Ngãi đã thay đổi tập quán sản xuất vươn lên thoát nghèo (trong ảnh người dân chăm sóc cây sắn)

Nhiều sai phạm

Nhằm khuyến khích, động viên người dân các địa phương miền núi vươn lên thoát nghèo, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành chính sách hỗ trợ, biểu dương khen thưởng đối với hộ gia đình, thôn xã, huyện thoát nghèo vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi (gồm các huyện miền núi và các xã miền núi thuộc huyện đồng bằng), giai đoạn 2016-2020 được thực hiện theo Nghị quyết 1/2017/NQ-HĐND ngày 30/3/2017 của HĐND tỉnh và Quyết định 37/2017/QĐ-UBND ngày 2/6/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Thực hiện chính sách này, năm 2018, trên cơ sở đề nghị của các địa phương và sở, ngành chức năng, UBND tỉnh Quảng Ngãi phân bổ hơn 27,9 tỷ đồng để hỗ trợ cho 1.584 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo; 2.786 lượt học sinh là con của các hộ này và 2.178 hộ thoát cận nghèo 2 năm liên tục 2016-2017. 

 Kết quả, các địa phương đã chi hơn 26,9 tỷ đồng, còn lại hơn 1 tỷ đồng không chi thì nộp ngân sách tỉnh. Sau đó, do phát sinh nhiều vướng mắc nên việc hỗ trợ tạm dừng triển khai.

Theo Kết luận thanh tra, tất cả các trường hợp là hộ gia đình thoát nghèo, thoát cận nghèo và con của hộ thoát nghèo, đã được chi trả tiền hỗ trợ trong đợt đầu tiên vào năm 2018 đều chưa đủ thời gian thoát nghèo, thoát cận nghèo 2 năm liên tục theo chính sách đã quy định. Bên cạnh đó, còn có nhiều sai sót, vi phạm về thủ tục và hỗ trợ sai đối tượng.

Cụ thể, hỗ trợ không đúng đối tượng cho 52 hộ ở các huyện: Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020, nhưng UBND các xã vẫn đưa vào danh sách đề nghị và đã được nhận hỗ trợ, với tổng số tiền 335 triệu đồng.

Hỗ trợ không đúng đối tượng cho 264 hộ ở các huyện: Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà và thị xã Đức Phổ, mới chỉ thoát nghèo hoặc thoát cận nghèo 1 năm, với tổng số tiền đã nhận hơn 1,8 tỷ đồng, trong khi quy định của chính sách phải 2 năm liên tục mới được hỗ trợ.

Không chỉ có vậy, thanh tra còn phát hiện nhiều trường hợp chi mức hỗ trợ không đúng với quy định của chính sách, được hỗ trợ nhưng sau đó lại tái nghèo, tái cận nghèo nhưng không có tài liệu chứng minh lý do bất khả kháng.

Ngoài ra, có 130 học sinh tại thị xã Đức Phổ và các huyện: Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Sơn Hà được hỗ trợ chi phí học tập không đúng đối tượng, với tổng số tiền 117 triệu đồng, vì có cha mẹ không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách. Trong khi đó, nhiều học sinh đủ điều kiện nhưng lại không được hưởng chính sách…

Đời sống của đồng bào DTTS ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khó khăn
Đời sống của đồng bào DTTS ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khó khăn

Xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể liên quan

Theo kết luận thanh tra, chính sách hỗ trợ, biểu dương khen thưởng đối với hộ gia đình, thôn xã, huyện thoát nghèo vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020, là chính sách đặc thù, lần đầu thực hiện nên đã có những lúng túng nhất định trong cả quá trình tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện dẫn đến những sai sót, vi phạm làm ảnh hưởng đến tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách và quyền lợi của người dân.

Với những thiếu sót, sai phạm mà Kết luận thanh tra đã chỉ ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu, thu hồi nộp lại ngân sách tỉnh toàn bộ số kinh phí hơn 26,9 tỷ đồng thực tế đã chi hỗ trợ vào năm 2018 là sai, vì tại thời điểm hỗ trợ năm 2018 các trường hợp này chưa thoát nghèo, thoát cận nghèo đủ 2 năm liên tục nên chưa đủ điều kiện hỗ trợ.

Đối với việc xử lý về trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan, ông Minh yêu cầu, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ và các huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Mộ Đức căn cứ vào Kết luận thanh tra, tổ chức họp tập thể lãnh đạo để kiểm điểm trách nhiệm đối với các sai sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thuộc trách nhiệm của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch.

Qua kiểm điểm trách nhiệm, phải có đề xuất hình thức xử lý kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc chi sai. Đồng thời, chỉ đạo việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và phải có hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan trực tiếp đến việc chi sai.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, tổ chức họp tập thể lãnh đạo Ban để kiểm điểm trách nhiệm đối với các sai sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thuộc trách nhiệm của Trưởng ban và các Phó Trưởng ban về các nội dung được thanh tra.

Qua kiểm điểm trách nhiệm, phải có đề xuất hình thức xử lý kỷ luật đối với các cá nhân trực tiếp chịu trách nhiệm về việc tham mưu xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách này. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và phải có hình thức xử lý kỷ luật đối với các cá nhân trực tiếp tham mưu xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách.

Đối với lãnh đạo các Sở Tư pháp, Tài chính… tổ chức họp tập thể lãnh đạo, kiểm điểm trách nhiệm đối với các sai sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thuộc trách nhiệm về các nội dung được thanh tra; đề xuất hình thức xử lý kỷ luật đối với các cá nhân trực tiếp chịu trách nhiệm về việc tham mưu xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách này.

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.