Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi): Quy định chặt để không còn tình trạng trục lợi chính sách

Vân Khánh- CĐ - 18:29, 13/07/2021

Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (Pháp lệnh) được ban hành lần đầu tiên năm 1994 và nhiều lần được sửa đổi. Qua mỗi lần sửa đổi, các quy định trong Pháp lệnh được hoàn thiện chặt chẽ hơn, góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng lợi dụng “kẽ hở” của chính sách để trục lợi.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng hậu quả vẫn còn mãi ở những nạn nhân chất độc da cam.
Chiến tranh đã đi qua, nhưng hậu quả vẫn còn để lại cho những nạn nhân chất độc da cam.

“Chạy” bệnh án để hưởng chính sách

Thời gian qua, tình trạng làm giả hồ sơ, chạy bệnh án để thụ hưởng chính sách, gây bức xúc trong dư luận tại một số địa phương. Tình trạng trục lợi chính sách dành cho Người có công, chủ yếu xảy ra đối với đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Từ năm 2016 đến năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tổ chức thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học tại 9 địa phương, gồm: Quảng Trị, Thái Nguyên, Sơn La, Bắc Giang, Nam Định, Quảng Nam, Gia Lai, Khánh Hòa và Bình Dương. Việc thanh tra nhằm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật: Người đủ tiêu chuẩn thì được hưởng chế độ; người không đủ tiêu chuẩn thì không được hưởng chế độ; kiên quyết xử lý, thu hồi đối với những trường hợp hưởng sai chế độ.

Qua công tác thanh tra, các đoàn Thanh tra của Bộ LĐTB&XH đã phát hiện và đề nghị cơ quan chức năng của các địa phương, phải đình chỉ chế độ hàng nghìn trường hợp sai phạm; kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Thanh tra Bộ cũng đã chỉ ra hàng nghìn trường hợp Hội đồng Giám định y khoa của các tỉnh kết luận sai tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học, cần điều chỉnh mức trợ cấp.

Đơn cử như tại Nam Định, qua kiểm tra trực tiếp 16.197 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ, Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã phát hiện, ban hành quyết định đình chỉ chế độ, thu hồi quyền lợi đã hưởng sai đối với 212 trường hợp là con đẻ người hoạt động kháng chiến và 82 trường hợp là người hoạt động kháng chiến do không đủ điều kiện; tổng số tiền phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 32,289 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 3 trường hợp (1 ở xã Giao Hà, 1 ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy và 1 ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu) không tham gia hoạt động tại vùng Quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, nhưng khai man để hưởng chế độ…

“Siết” quy định

Nguyên nhân khiến tình trạng “chạy” hồ sơ để trục lợi chính sách trước hết thuộc về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định, xét duyệt hồ sơ từ cấp xã, cấp huyện đến tỉnh. Nhưng cũng không thể không nói đến “phần lỗi” của các văn bản pháp quy khi chưa bao quát hết được các đối tượng được thụ hưởng.

Đơn cử như, việc quy định danh mục loại bệnh tật để hưởng chính sách nhiễm chất độc da cam do Bộ Y tế ban hành. Trong đó, bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính, bán cấp tính và tiểu đường tuýp 2 là hai trong danh mục 17 bệnh, tật được đưa vào diện do phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nhưng thực tế, nhiều người không bị nhiễm chất độc hóa học cũng vẫn bị mắc bệnh này.

Từ đó, nhiều người lợi dụng loại bệnh này để kê khai thành bệnh tật liên quan. Qua kiểm tra hồ sơ ở các tỉnh đều có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đối tượng kê khai bệnh “thần kinh ngoại biên” để hưởng chính sách hỗ trợ.

Từ năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 142/BC-UBTVQH13, ngày 17/5/2012 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Người có công với cách mạng. Trong báo cáo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ: Một trong những nguyên nhân khiến việc xác nhận Người có công gặp nhiều khó khăn là do thiếu hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế về chẩn đoán đối với bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin theo danh mục đã được quy định và các hướng dẫn về thủ tục xác nhận chưa phù hợp.

Chính vì thế, Pháp lệnh Ưu đãi Người có công (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 9/12/2020, đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng trục lợi chính sách. Pháp lệnh đã siết chặt hơn các điều kiện, tiêu chuẩn để công nhận là Người có công với cách mạng.

Đáng chú ý là, về điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh, Pháp lệnh không tiếp tục quy định xem xét công nhận bệnh binh mới. Chỉ công nhận bệnh binh với trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm và thôi phục vụ trong lực lượng vũ trang tại khoản 1, Điều 26. Đồng thời, Pháp lệnh cũng bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục địa danh, Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học tại khoản 2 Điều 29.

Tri ân liệt sỹ là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Tri ân các Anh hùng liệt sĩ là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Theo ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng được ban hành lần đầu tiên năm 1994 và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện qua 7 lần sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012. Gần đây nhất, Pháp lệnh sửa đổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 9/12/2020 tại Phiên họp lần thứ 51, có hiệu lực kể từ 1/7/2021.

“Mỗi lần sửa đổi Pháp lệnh là một lần chính sách Người có công với cách mạng lại được hoàn thiện hơn, giải quyết tốt hơn những vấn đề còn tồn tại từ thực tiễn triển khai chính sách tại địa phương. Và quan trọng hơn là bổ sung các chế độ, chính sách mới đối với từng diện đối tượng trong điều kiện ngân sách nhà nước cho phép để tiếp tục nâng cao đời sống Người có công với cách mạng. Do vậy, việc thường xuyên nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi Người có công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Bộ”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định.

“Trục lợi chính sách Người có công không chỉ gây thất thoát ngân sách cho Nhà nước mà còn là hành vi làm tổn thương với những Người có công với cách mạng, với đất nước. Chúng ta không thể để tình trạng này tái diễn” (Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam)

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.