Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau bão số 3, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 42/2024/NQ-HĐND về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi) trên địa bàn tỉnh năm 2024; Nghị quyết số 43/2024/NQ-HĐND về nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ ngày 01/10/2024.
Các nghị quyết này bao gồm các chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho các hộ dân bị thiệt hại; miễn học phí 100% cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên năm học 2024-2025, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ chi phí trục vớt tàu thuyền bị chìm đắm...
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh dành 1.180 tỉ đồng thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả của bão Yagi, thực hiện an sinh xã hội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉ lệ giải ngân gói hỗ trợ mới đạt khoảng 13%.
Đặc biệt, đối với 2 nhóm đối tượng bị thiệt hại nặng nề là ngành lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản cũng đang khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp nhận hỗ trợ cơn bão số 3. Cụ thể: Một số hộ trồng rừng nhưng chưa được giao rừng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ nuôi trồng thủy sản chưa được giao khu vực biển...nên không được hỗ trợ theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ ngành lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản hiện đang áp dụng theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Trên thực tế, nhiều chủ rừng và hộ nuôi trồng thủy sản phản ánh các mức hỗ trợ theo Nghị định này là quá thấp.
Đứng trước cánh rừng keo gần 30ha gãy nát, ông Trịnh Hồng Quyết, xã Tân Dân (Hạ Long) xót xa. Hơn 70% diện tích rừng keo của gia đình ông Quyết sắp đến kỳ khai thác chỉ còn lại những thân cây gãy gập đang dần khô héo. Cố gắng dựng lại những cây bạch đàn mới trồng ven suối, người đàn ông hơn 60 tuổi trải lòng: "Mất hết rồi, chỉ có nợ ngân hàng là ở lại. Không những vậy, chi phí thuê nhân công cao, trong khi giá keo chưa bóc vỏ chỉ còn 750.000 đồng/tấn, tiền bán keo không đủ trả tiền công”.
Ông Quyết cũng cho hay, theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ, đối với rừng keo bị thiệt hại, mức hỗ trợ chỉ từ 2-4 triệu đồng/ha, trong khi giá keo tận thu sau bão giảm khiến việc thuê nhân công trở nên khó khăn.
Cùng với ngành lâm nghiệp, bão số 3 vừa qua cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh, đặc biệt là các hộ nuôi lồng bè trên biển. Ước tính tổng thiệt hại lên tới 3.692 tỷ đồng, với hàng nghìn cơ sở nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, tổn thất hàng chục nghìn tấn cá và nhuyễn thể các loại.
Song hiện nay nhiều hộ do không đáp ứng được các điều kiện kê khai ban đầu hoặc các biện pháp phòng ngừa thiên tai nên không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ.
Tại buổi họp báo thường kỳ 26/11 vừa qua, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã giải ngân 141,3 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ học phí 72 tỉ đồng, thực hiện chính sách nâng mức trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội 38,5 tỉ đồng, hỗ trợ các hộ khó khăn về nhà ở 30,7 tỉ đồng và sửa chữa các công trình khẩn cấp 17,4 tỉ đồng.
"Tỉ lệ giải ngân thấp như vậy do trong quá trình triển khai từ UBND các địa phương (cấp huyện, cấp xã) chưa rà soát kỹ lưỡng, nhiều trường hợp không nằm trong nhóm đối tượng được hưởng chính sách hoặc không đủ điều kiện để hưởng chính sách. Đối với 2 nhóm đối tượng bị thiệt hại nặng nề là ngành lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản hiện đang áp dụng theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, người dân đã có đề nghị nâng mức hỗ trợ, hiện tỉnh đã báo cáo Chính phủ về việc này. Đây cũng là cái khó và cũng là trăn trở của lãnh đạo tỉnh mong muốn tháo gỡ để hỗ trợ người dân”.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương niêm yết danh sách hỗ trợ và rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo chi trả đúng đối tượng, đúng thời gian. Tuy nhiên, với tổng thiệt hại ngành nông - lâm nghiệp lên đến 13.888 tỉ đồng, việc khắc phục hậu quả đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực từ chính quyền, cơ quan chức năng và ngay chính người dân địa phương trong việc đảm bảo các thủ tục điều kiện được hỗ trợ.
Quảng Ninh - nơi tâm bão Yagi đi qua, gây thiệt hại khoảng 24.876 tỉ đồng; 102.859 nhà bị tốc mái; 254 nhà bị đổ sập; 5.008 nhà bị ngập, sạt lở; hơn 133.000ha rừng bị hư hại, 3.067 cơ sở nuôi trồng và 194 tàu cá bị hư hỏng.