Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Ninh: Tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để ngư dân phục hồi sản xuất

Mỹ Dung - 07:27, 29/11/2024

Thời gian gần đây, tại các vùng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, hoạt động gia cố, đóng mới nhà bè, ô lồng bè, đóng lọc, thả giống... để tái phục hồi sau bão số 3 diễn ra rất sôi động. Đặc biệt, chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng đang "chạy đua" với thời gian để cấp phép mặt nước, các chính sách hỗ trợ cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp khi ủng hộ phao, giống thủy sản...

Ngư dân đang dần bước vào vụ nuôi trồng mới với kỳ vọng nhanh chóng gây dựng lại những gì đã mất trong thiên tai
Ngư dân đang dần bước vào vụ nuôi trồng mới với kỳ vọng nhanh chóng gây dựng lại những gì đã mất trong thiên tai

Gần 3.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh đã bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3 vừa qua. Có hộ bị thiệt hại từ 30-70%, thậm chí nhiều hộ mất trắng do bão. Để khắc phục khó khăn, cùng với sự đồng hành hỗ trợ của tỉnh, địa phương, các cơ sở nuôi trồng trong tỉnh đang bắt tay vào khôi phục sản xuất.

Theo kịch bản tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh năm 2024, sản lượng thuỷ sản phấn đấu đạt và vượt 187.000 tấn. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh đầu tháng 9/2024 đã làm thiệt hại trên 43.000 tấn hải sản nuôi, trong đó có trên 21.000 tấn thuỷ sản tính trong kỳ thu hoạch.

Hơn 2 tháng sau cơn bão số 3, huyện Vân Đồn đã cấp phép trên 8.100ha diện tích mặt nước cho hơn 1 nghìn cơ sở nuôi trồng thủy sản (tăng gấp đôi diện tích so với trước). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân có động lực phục hồi nuôi biển sau khi bị cơn bão nhấn chìm hầu hết tài sản. Ngay sau khi được giao diện tích mặt nước, các hợp tác xã (HTX) nuôi biển bắt đầu làm giàn, phao để kịp xuống giống vụ nuôi trồng mới.

Ông Nguyễn Sỹ Bính, Giám đốc HTX Phất Cờ (huyện Vân Đồn) cho biết, nhiều năm qua HTX đã tổ chức các mô hình nuôi biển, đạt doanh thu 28-32 tỷ/năm. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua đã cướp đi tất cả, ước tính mỗi thành viên hợp tác xã thiệt hại 5-6 tỷ đồng.

"Sau khi được giao thì chúng tôi đã khôi phục được 50% đến 60% mặt biển. Cốt lõi là thả giống mới đạt được 40%, chủ đạo là nhuyễn thể, hàu, ngao, thưng sần và cá. Đây là giai đoạn sinh trưởng tốt và dự kiến mẻ hàu đầu tiên sẽ được thu hoạch trước mùa bão năm sau”, ông Bính chia sẻ.

Tỉnh Quảng Ninh có chủ trương giao mặt biển cho các tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản từ năm 2018. Việc đẩy nhanh giao diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, giúp người dân yên tâm với nghề nuôi biển bền vững, tránh tình trạng nuôi trồng tự phát, không theo quy hoạch dẫn đến ngư dân không được hưởng các chính sách hỗ trợ khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai.

Trao đổi về nội dung này, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn - Vũ Văn Hưởng cho biết:  tính đến nay, ngư dân huyện Vân Đồn đã rải phao khoảng 4.000 ha và trên 2.000ha thủy sản, hàu được xuống giống.

“Tổng diện tích quy hoạch của huyện Vân Đồn là 23.800ha nuôi trồng thủy sản. Trừ diện tích để dành cho thu hút đầu tư khoảng 7.000ha còn lại vẫn đủ diện tích để giao cho các hộ dân nếu có nhu cầu, đặc biệt là với những hộ dân chuyển đổi nghề từ đánh bắt, khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi trồng thủy sản. Chúng tôi ưu tiên các đối tượng này để họ chuyển đổi nghề”, ông Hưởng nói thêm.

Tính đến nay, ngư dân huyện Vân Đồn đã rải phao khoảng 4.000 ha và trên 2.000ha thủy sản, hàu được xuống giống
Tính đến nay, ngư dân huyện Vân Đồn đã rải phao khoảng 4.000 ha và trên 2.000ha thủy sản, hàu được xuống giống

Không chỉ ở Vân Đồn, các địa phương khác như Quảng Yên, Cẩm Phả, Hạ Long... ngư dân cũng đang hối hả thả giống mới. Để cùng sẻ chia, đồng hành cùng người nuôi biển, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến và hỗ trợ ngư dân nhanh chóng tiếp cận với các chính sách như giãn, hoãn, khoanh nợ và vay vốn mới.

 Tỉnh Quảng Ninh cũng bố trí 1.180 tỷ đồng để hỗ trợ, khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng các lĩnh vực lâm nghiệp, ngư nghiệp vẫn đang trong quá trình công khai hồ sơ hỗ trợ theo quy định.

Ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẳng định:  tỉnh sẽ luôn đồng hành, tạo dựng cơ chế chính sách, dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển bền vững khu vực nông nghiệp, ngư nghiệp của tỉnh.

"Tại sao lại phải quyết tâm giao biển? Chúng ta phải sản xuất đàng hoàng, có truy xuất nguồn gốc, có hóa đơn, chứng chỉ để tiến vào thị trường chính quy trong nước, tiến vào siêu thị và vào thị trường quốc tế. Những thứ đó các nông hộ dưới 1 ha thì không thể làm được vì không có hóa đơn. Nông dân phải nghĩ tới việc đó và chủ động nâng cao chất lượng quy mô sản xuất cùng với vai trò dẫn dắt, kiến tạo hỗ trợ của các cơ quan nhà nước”, ông Cường cho hay

Những nỗ lực của chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong chạy đua với thời gian để cấp phép mặt nước, các chính sách hỗ trợ cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp khi ủng hộ phao, giống thủy sản...đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để ngư dân Quảng Ninh phục hồi nuôi biển.

Tin cùng chuyên mục
Các địa phương vùng cao chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng và xuất khẩu gỗ

Các địa phương vùng cao chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng và xuất khẩu gỗ

Trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng về lâm nghiệp vừa được tổ chức tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo ba huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn và Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng bền vững, tăng giá trị, hướng xuất khẩu đi Nhật Bản.