Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu theo Quyết định 2085/QĐ-TTg

Mạnh Cường - 11:44, 17/02/2021

Với việc tự cân đối nguồn lực thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg ̣(gọi tắt là QĐ 2085) ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân gần 60 tỉ đồng hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vốn sản xuất cho 4.210 hộ dân. Sau ba năm triển khai thực hiện, Quảng Ninh đã hoàn thiện các mục tiêu của QĐ 2085.

Huyện Đầm Hà hỗ trợ người dân vốn để chăn nuôi, phát triển sản xuất.
Huyện Đầm Hà hỗ trợ người dân vốn để chăn nuôi, phát triển sản xuất.


Tại thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, với nguồn kinh phí từ QĐ 2085, thôn đã được đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Bà con cũng không còn phải ra các khe suối để gùi nước về như trước đây.

Bà Triệu Thị Ba, thôn Nà Bắp cho biết: Với công trình nước sinh hoạt tập trung, nguồn nước cấp cho thôn được ổn định, đảm bảo vệ sinh. Hiện, chúng tôi chỉ lo việc bảo quản, giữ gìn công trình này để đảm bảo nguồn nước cấp luôn được sạch sẽ.

Tại huyện Đầm Hà, năm 2018, gia đình anh Triệu Văn Tình, xã Dực Yên được vay 31 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Anh đầu tư xây dựng chuồng trại và chăn nuôi gà đồi thương phẩm. Hiện, đàn gà của gia đình anh Tình có trên 2.000 con. Sau hai năm, anh Tình đã có thu nhập ban đầu, trả được một nửa số vốn vay ngân hàng.

Ba năm qua, từ nguồn vốn theo QĐ 2085, toàn huyện Đầm Hà đã có 28 hộ được vay vốn, với số tiền gần 1,5 tỷ đồng; trên 300 hộ được vay vốn xây dựng nhà ở, với số tiền trên 6 tỷ đồng và nhiều hộ đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Từ đó, trong vùng đồng bào DTTS huyện xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân...

Thực hiện QĐ 2085, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ cho 4.295 lượt hộ đồng bào DTTS, với số vốn thực hiện được gần 60 tỷ đồng. Đã có 107 hộ được hỗ trợ về đất ở, 31 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 614 hộ dân, hỗ trợ về nước sinh hoạt cho 2.630 hộ tại 62 xã, 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn hỗ trợ, nhiều hộ đã ổn định nhà cửa, có tư liệu, có đất sản xuất và nguồn vốn để trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn trên 800 hộ nghèo.

Người dân huyện Bình Liêu vui mừng khi được hỗ trợ téc nước, đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh, nâng cao sức khỏe.
Người dân huyện Bình Liêu vui mừng khi được hỗ trợ téc nước, đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh, nâng cao sức khỏe.

Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh: Việc triển khai thực hiện QĐ 2085 đã tác động tích cực, tiếp tục cải thiện đời sống người dân vùng DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh. Góp phần giải quyết vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và một phần nhu cầu về vốn vay phát triển sản xuất ở vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh; tạo sinh kế bền vững cho hộ đồng bào DTTS nghèo, người dân ở địa bàn ĐBKK. Nhiều hộ được hỗ trợ đất ở đã xây dựng nhà ở kiên cố, ổn định; các hộ dân được hỗ trợ đất sản xuất đã có sinh kế bền vững, từng bước xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất.

Việc hoàn thành các mục tiêu của QĐ 2085, đã góp phần vào việc thực hiện, hoàn thành các tiêu chí, điều kiện để đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 trước 1 năm so với lộ trình mà tỉnh Quảng Ninh đã đề ra. 

“Những kết quả mà QĐ 2085 mang lại cũng là tiền đề vững chắc để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”, ông Vũ Kiên Cường khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Đổi thay ở Lân Quan

Đổi thay ở Lân Quan

Từng là một xóm vùng sâu đầy gian khó của người Mông, hôm nay Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã có nhiều đổi thay. Phấn khởi hơn, là sự thay đổi tư duy nhận thức của đồng bào Mông trong việc nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống gia đình, thôn xóm ngày càng phát triển