Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Quảng Ninh: Khó khăn càng tăng thêm nghị lực để thầy cô “gieo chữ” ở vùng cao

Mỹ Dung – Thiên An - 13:16, 06/11/2022

Không khó để cảm nhận được hành trình đến với con chữ của trẻ em vùng cao tỉnh Quảng Ninh còn đầy gian nan, thử thách. Đến đây, chúng tôi lại càng thêm thấu hiểu nỗi vất vả của thầy và trò nơi vùng cao này...

Các em học sinh Trường Tiểu học Vô Ngại trong giờ thể dục
Các em học sinh Trường Tiểu học Vô Ngại trong giờ thể dục

Từ trung tâm xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu), chạy xe máy khoảng 20 phút qua các đồi núi quanh co, chúng tôi đến được điểm trường Bản Ngày (trường Tiểu học Vô Ngại). Điều  ám ảnh nhất là, khi chúng tôi phải qua một cây cầu treo khá chông chênh - cây cầu mà các thầy cô giáo ngày ngày dù nắng mưa, hay bão  lụt vẫn phải đi qua để tới điểm trường dạy chữ. 

Đón và đi cùng chúng tôi đến điểm trường là cô giáo Vi Thị Thơm. Cô Thơm chuyển về trường từ năm 2002 và gắn bó với trường từ đó đến nay. Cô kể, từng dạy ở những điểm xa trường chính tới hơn chục cây số như: Khe Lánh, Nà Nhái, Cầu Sắt…nên cô rất hiểu và thấm thía với nỗi khó khăn trên con đường "gieo chữ" nơi đây.

Cô Thơm chia sẻ: Lớp cô dạy ở Bản Ngày chỉ có 20 học sinh dân tộc Tày, Dao. Ở đây, nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn bắt con nghỉ học, đi làm. Vì thế, chúng tôi phải thường xuyên đến từng nhà vận động, để phụ huynh cho con em quay lại lớp.

 "Dù khó khăn, nhưng trách nhiệm của thầy cô và thương các em nếu không được học, sau này cuộc sống lại vất vả lao động như cha mẹ chúng mà không đủ sống, thì rất khổ cho các em", cô Thơm bộc bạch.

Chạy ngược về phía huyện Hải Hà, chúng tôi rẽ vào điểm trường Lý Van (trường tiểu học Quảng Sơn 1 (xã Quảng Sơn), cách trung tâm huyện khoảng 3 cây số. Điều đáng nói là, điểm trường không quá xa so với trung tâm, nhưng đến nay ở đây vẫn chưa có nguồn nước sạch, chưa có nhà vệ sinh khép kín…Do vậy, hàng ngày, cô giáo Nguyễn Thị Dung vẫn lặn lội mang từng bình nước lọc đến trường để thầy cô giáo và học trò uống. 

“Ở đây còn nhiều khó khăn lắm, tôi và giáo viên của trường cố gắng hỗ trợ được việc nào thì tốt việc ấy. Thấy các em được đi học là vui lắm rồi”, cô Dung bộc bạch.

Sự nhiệt huyết, tình yêu thương với học sinh đã tạo nghị lực để các thầy giáo, cô giáo bám lớp, bám trường
Sự nhiệt huyết, tình yêu thương với học sinh đã tạo nghị lực để các thầy giáo, cô giáo bám lớp, bám trường

Tương tự, cô giáo Nịnh Thị Hiên, điểm trường Bắc Tập, Trường Tiểu học Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) cho biết: Ở đây, các em chịu nhiều thiệt thòi lắm. Bố mẹ đi làm triền miên nên ít quan tâm con. Điểm trường thì thiếu thốn về cơ sở vật chất, không có trang thiết bị hiện đại, ti vi thông minh, máy tính như dưới vùng xuôi. Dù vậy, cả cô và trò đều cố gắng vượt lên khó khăn”.

Chia sẻ của các cô giáo ở các điểm trường cũng là nỗi niềm chung của nhiều thầy, cô giáo đang giảng dạy tại các trường học, điểm trường vùng cao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngoài khó khăn về điều kiện đi lại, đường sá, môi trường, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc dạy học, nhiều thầy cô còn phải hy sinh hạnh phúc của bản thân, xa gia đình để gieo từng con chữ cho học trò. Ở nhiều điểm trường xa trung tâm, các nhóm lớp không phân chia học sinh được, còn phải học ghép 2-3 độ tuổi. 

 Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ chia sẻ, những năm qua, nhờ các chương trình, dự án chính sách dân tộc hỗ trợ đầu tư cho giáo dục vùng DTTS và miền núi, nhiều huyện cũng đã được đầu tư về cơ sở vật chất, tuy nhiên kinh phí hạn hẹp, nên hỗ trợ đầu tư được cơ sở vật chất, thì lại không có kinh phí để bổ sung thay thế các thiết bị hỏng… 

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vục II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo Quyết định này, nhiều xã được công nhận NTM, đồng nghĩa với việc nhiều đối tượng không còn thụ hưởng chính sách hỗ trợ. 

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, điều kiện sống ở những địa phương này vẫn chưa hết khó khăn, nhiều tiêu chí NTM thực hiện còn đạt ở mức trung bình; Ngay cả với đội ngũ giáo viên, học sinh khi không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý. Bởi sự học của học sinh vùng DTTS chưa thực sự bền vững; giáo viên thì ngoài giờ học trên lớp, còn đến tận nhà những học sinh có học lực yếu kém, hoàn cảnh khó khăn để bồi dưỡng, hỗ trợ, giúp các em có động lực vươn lên trong học tập.

Khó khăn là vậy, nhưng bao năm qua lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết, tình yêu thương với học sinh, đã tạo nghị lực để các thầy giáo, cô giáo dốc sức, dốc lòng bám trụ với nghề, với mong mỏi giúp con em đồng bào có được con chữ, để mai này các em có thể vững vàng bước vào đời...

" Hy vọng tới đây, địa phương đẩy mạnh việc triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có dự án đầu tư các trường chưa có cơ sở vật chất, hoặc có phải đi thuê, mượn, hoặc xuống cấp, cùng nhiều chính sách, chế độ đối với thầy cô, học sinh vùng khó khăn...sẽ giải quyết được những tồn tại, hạn  chế này", bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.