Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Quảng Trị: Bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của người Bru-Vân Kiều thực chất và hiệu quả

Khánh Ngân - 08:12, 15/11/2023

Khoảng 10 năm trở lại đây, tại Quảng Trị, công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các DTTS điển hình là tiếng nói, chữ viết của đồng bào Bru- Vân Kiều được các cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục địa phương chú trọng thực hiện một cách thực chất, bài bản. Qua đó, không chỉ góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào mà còn giúp công tác dân vận, truyên truyền ở khu vực vùng DTTS và miền núi, biên giới hiệu quả hơn.

Tiếng Bru-Vân Kiều được đưa vào dạy ở các trường học tại Quảng Trị
Tiếng Bru-Vân Kiều được đưa vào dạy ở các trường học tại Quảng Trị

Triển khai dạy tiếng Bru-Vân Kiều cho học sinh

Vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Quảng Trị có hơn 192.000 người, trong đó chủ yếu là dân tộc Pa Cô và Bru-Vân Kiều, với gần 95.000 người, phần lớn tập trung ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. Số còn lại sinh sống ở một số xã vùng miền núi các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh.

Để bảo tồn tiếng nói và chữ viết của đồng bào DTTS ở địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Trị đã thành lập Ban chỉ đạo dạy tiếng đồng bào DTTS. Theo đó, Sở đã triển khai tập huấn dạy tiếng DTTS cho đội ngũ giáo viên chuyên đề dạy tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục. Điển hình là việc dạy tiếng Bru- Vân Kiều được đưa vào các lớp học vùng cao và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào DTTS và miền núi theo lộ trình.

Cùng với đó, Sở Nội vụ cũng tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt bộ tài liệu dạy tiếng Bru -Vân Kiều với 10 chủ đề, 55 bài học theo chương trình khung. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT thành lập Hội đồng biên soạn tài liệu dạy học tiếng Bru -Vân Kiều cho học sinh các khối 6, 7 với 64 tiết học.

Ngoài ra, hai đơn vị còn phối hợp biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên dạy tiếng Bru- Vân Kiều nhằm nâng cao chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Bru-Vân Kiều. Sau khi bộ tài liệu được ban hành, từ năm học 2013-2014, Sở GD&ĐT đã tổ chức dạy thí điểm tại các trường học của huyện vùng cao Hướng Hóa như: Trường Tiểu học Hướng Tân (lớp 3), Trường THCS Húc (lớp 6).

 Năm đầu tiên triển khai dạy thí điểm tiếng nói chữ viết Bru- Vân Kiều ở đơn vị trường học thành công ngoài mong đợi. Số học sinh tham gia tích cực, mức độ tiếp thu cao. Đến năm học 2014-2015, mô hình được nhân rộng dạy thêm ở 3 trường ở huyện Hướng Hóa.

Thầy Nguyễn Bảo- Giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị hướng dẫn học sinh học tiếng Bru- Vân Kiều qua các Video
Thầy Nguyễn Bảo- Giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị hướng dẫn học sinh học tiếng Bru- Vân Kiều qua các Video

Từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, mô hình học tiếng nói, chữ viết Bru- Vân Kiều được nhân rộng ra trên đia bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đa Krông. Các trường được tổ chức học tiếng Bru-Vân Kiều gồm Trường PTDT Nội trú Hướng Hóa, Trường PTDT Bán trú- THCS Hướng Phùng, Trường PTDT Bán trú THCS Húc, Trường PTDT Bán trú TH&THCS Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa) và Trường PTDT Nội Trú Đakrông (huyện Đa Krông). Với quy mô triển khai 20 lớp học, 676 học sinh tham gia.

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong thời gian đưa tiếng nói và chữ viết của đồng bào Bru-Vân Kiều vào dạy học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh hiệu quả đạt được là rất rõ. Đa số học sinh đọc thông viết thạo tiếng Bru-Vân Kiều ngay sau kỳ học.

"Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn cụ thể về các quy trình thủ tục để đưa tiếng DTTS vào danh mục được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, nhằm làm căn cứ ban hành tài liệu dạy học tiếng Bru-Vân Kiều chính quy", ông Phương đề xuất.

Khi cán bộ biết tiếng của đồng bào

Ghi nhận hơn nữa, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) công tác ở vùng DTTS và miền núi cũng được triển khai trên diện rộng. Từ năm 2007 đến năm 2019, toàn tỉnh Quảng Trị đã mở 24 lớp, với hơn 900 lượt CBCCVC công tác ở vùng DTTS và miền núi tham gia. Nhờ đó, tiếng nói và chữ viết của các DTTS được bảo tồn và phát huy. Mặt khác, cán bộ công tác tại vùng DTTS cũng biết tiếng đồng bào nên gần dân, hiểu dân hơn.

Để mở rộng quy mô học tiếng nói chữ viết Bru-Vân Kiều, Sở GD&ĐT đã ban hành các quyết định cho phép Trung tâm Giáo dục Dạy nghề - Giáo dục Thường xuyên các huyện Vĩnh Linh, Đakrông, Hướng Hóa tổ chức dạy tiếng Bru -Vân Kiều cho CBCCVC công tác tại vùng DTTS hoặc tham gia học tập theo nguyện vọng. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã mở được 11 lớp, với 787 học viên tham gia học tập tiếng Bru - Vân Kiều và được cấp chứng chỉ.

Các bộ chiến sĩ Bộ đội Biên Phòng; Cán bộ công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS được học tiếng DTTS để hiểu dân, gần dân hơn
Các bộ chiến sĩ Bộ đội Biên Phòng; Cán bộ công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS được học tiếng DTTS để hiểu dân, gần dân hơn

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Hồ Văn Bình cho biết: “Theo chỉ đạo của Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị, tôi được giao nhiệm vụ dạy tiếng Bru-Vân Kiều từ năm 2022. Đến nay cơ bản cán bộ, chiến sĩ đã phát âm được, đã nghe, hiểu được, trao đổi được với bà con Bru - Vân Kiều. Đặc biệt, khi hiểu được ngôn ngữ của bà con, sẽ làm tốt hơn công tác vận động quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và phát triển kinh tế- xã hội ở khu vực biên giới”

Bên cạnh những tín hiệu vui ban đầu, thì việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của đồng bào Bru - Vân Kiều cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể hơn là, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Bru-Vân Kiều chưa được đào tạo một cách bài bản. Chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm hoặc tự học, tự nghiên cứu, hoặc những nghệ nhân, cán bộ biết tiếng tự nguyện tham gia giảng dạy mà chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ rõ ràng.

Bên cạnh đó, trong chương trình học tập của các em học sinh vốn đã nặng, nay học thêm tiếng Bru-Vân Kiều, nếu không có cơ chế khuyến khích sẽ khó duy trì được tỷ lệ các em tham gia và hứng thú với việc học thêm tiếng nói và chữ viết Bru-Vân Kiều.

Từ thực tế cho thấy, việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, cụ thể là tiếng nói và chữ viết DTTS mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, với những hạn chế, khó khăn trên, thiết nghĩ tỉnh Quảng Trị cần sớm có kế hoạch vận dụng linh hoạt việc triển khai những chính sách hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó Dự án 5 có nội dung hỗ trợ người tham gia học tiếng nói và chữ viết dân tộc; Dự án 6, có nội dung hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy bản sắc các di sản văn hóa phi vật thể các DTTS bao gồm tiếng nói và chữ viết DTTS... đang được triển khai đến các đối tượng học và dạy tiếng nói và chữ viết DTTS.

Mặt khác, cần có những đợt kiểm tra khảo sát về chất lượng của người học để đảm bảo hiệu quả, tránh việc học hình thức, học xong không áp dụng vào thực tiễn. Về lâu dài cần quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên học và viết tiếng DTTS ngay từ các trường sư phạm.

Đặc biệt, cần có chính sách ưu tiên tuyển dụng, thu hút, bồi dưỡng, tuyển dụng giáo viên tiểu học, THCS là con em đồng bào DTTS để bố trí giảng dạy môn tiếng DTTS phù hợp tại các trường.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.