Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Trị: Các xã biên giới bao giờ hết khó?

Hồng Minh - 10:15, 08/06/2020

Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh Quảng Trị có 40 - 50% số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM giai đoạn 2018 - 2020. Để hoàn thành mục tiêu đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp.

Một điểm trường nầm non của xã A Dơi, huyện Hướng Hóa.
Một điểm trường nầm non của xã A Dơi, huyện Hướng Hóa.

Là một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 45%, thôn Prin Thành, xã biên giới A Dơi, huyện Hướng Hóa đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng NTM từ cấp thôn bản. Anh Hồ Văn Chìn, Trưởng thôn Prin Thành cho biết: “Hiện thôn có hàng chục hộ sinh sống trong những ngôi nhà dột nát, chật hẹp. Sở dĩ đời sống của người dân nghèo là do chưa tìm được sinh kế. Để thôn Prin Thành cũng như xã A Dơi hoàn thành các tiêu chí NTM tôi nghĩ rằng, trước hết hãy giúp cho bà con hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp hoặc kỹ thuật chăn nuôi”.

Theo báo cáo Hiện trạng tiêu chí NTM của các thôn, bản ĐBKK, xã biên giới theo Quyết định 1385 của xã A Dơi, hiện xã mới chỉ đạt 8/17 tiêu chí. Các tiêu chí hộ nghèo, nhà ở và sản xuất là khó thực hiện nhất. Vì vậy chính quyền địa phương luôn nâng cao công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng NTM. Năm 2020 xã A Dơi đăng ký 2 thôn, bản đạt chuẩn NTM nhằm mục tiêu từng bước xây dựng NTM cấp xã. Bên cạnh đó, khoảng 5 năm trở lại đây, người dân xã A Dơi đang dần chuyển đổi mô hình phát triển từ trồng sắn sang trồng cao su.

Cũng gặp nhiều khó khăn như xã A Dơi, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa có tỷ lệ hộ nghèo cao, dẫn tới việc khó hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM. Theo Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Hồ Đức Vân, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng NTM, xã Hướng Lập đã triển khai, phổ biến đến tận các thôn. Tuy nhiên, do điều kiện của xã còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế, cơ sở hạ tầng nông thôn còn thiếu thốn, cần nguồn lực đầu tư lớn, vì vậy, mức độ đạt chuẩn còn thấp. Năm 2019, xã đăng ký 1 thôn đạt chuẩn NTM. Để đạt mục tiêu đề ra, xã đang tập trung chỉ đạo các thôn xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể, tăng cường tuyên truyền vận động Nhân dân hưởng ứng tham gia.

Thực hiện Quyết định số 1385, tỉnh Quảng Trị có 93 thôn, bản thuộc 10 xã biên giới gồm A Dơi, Ba Tầng, Thanh, Hướng Lập, Hướng Phùng, A Bung, A Ngo, A Vao, Tà Long, Ba Nang của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông được chọn để tập trung xây dựng thôn, bản NTM.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Đối với các xã vùng miền núi, khó khăn, trong những năm tới tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân với mức tối đa; chú trọng công tác tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn các trưởng thôn, Người có uy tín để triển khai các nội dung xây dựng NTM; hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; chú trọng công tác đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, phát huy các nghề truyền thống.

Xây dựng NTM mới đã khó, xây dựng NTM ở các xã vùng biên còn khó hơn. Hỗ trợ cho thôn, bản của các xã khó khăn xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững là chính sách quan trọng, giúp nâng cao điều kiện sống của người dân khu vực khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, giúp kết quả xây dựng NTM đồng đều hơn ở các địa phương… Nhưng để làm được điều này, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở và quan trọng là sự tự giác, đồng lòng, nhiệt tình, tích cực hưởng ứng tham gia của mỗi người dân.

Tin cùng chuyên mục
Bình Định: Những công trình thuỷ lợi ở miền núi góp phần cho những vùng quê nghèo no ấm

Bình Định: Những công trình thuỷ lợi ở miền núi góp phần cho những vùng quê nghèo no ấm

Những năm qua, tỉnh Bình Định tập trung đầu tư nhiều công trình đập dâng, đê kè, hồ thuỷ lợi… tại các huyện miền núi. Những công trình này hoàn thành đã tích nước, cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các huyện miền núi và các vùng lân cận, góp phần làm cho những vùng quê trước đây nghèo khó trở nên no ấm hơn.