Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Trị khắc phục hậu quả sau dịch Covid-19: Khó gấp đôi, cố gắng gấp ba

Hồng Minh - 10:33, 05/06/2020

Vừa tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đang là “mục tiêu kép” được thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để khắc phục những hậu quả do dịch Covid-19 gây ra. Với tinh thần khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba, trong thời gian tới bức tranh về kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị sẽ dần khởi sắc.

Du khách thăm quan tại khu di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc.
Du khách thăm quan tại khu di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc.

Là một trong những cơ sở sản xuất có 100% thành viên là đồng bào Pa Kô (thuộc dân tộc Tà Ôi), gần 5 tháng qua, cơ sở sản xuất đặc sản núi rừng Họa My ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông gần như dừng sản xuất do không tiêu thụ được sản phẩm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện đặc sản núi rừng Họa My đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm như: Muối ớt, cheo cá suối, nếp than, rượu cần.

“Kênh phân phối chủ yếu của đặc sản núi rừng Họa My là bán online, thế nhưng lượng hàng tiêu thụ đã giảm đến 70%. Việc dừng sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ tới chính đời sống của bà con tại địa phương, mất đi nguồn thu nhập từ 150 nghìn đồng/ngày”, chị Hồ Họa My chủ cơ sở đặc sản núi rừng Họa My chia sẻ.

Cũng theo chị Hồ Họa My, hiện dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát nên cơ sở đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục những thiệt hại trong thời gian qua, như: Tiếp tục phát triển các kênh bán hàng Online, tiếp thị tại các cửa hàng và kết hợp bán sỉ, tham gia các hội chợ hàng tiêu dùng để quảng bá sản phẩm…

Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi lĩnh vực. Với ngành Du lịch ở Quảng Trị được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn cũng chịu sự “tổn thương” rất lớn. Từ đầu năm đến nay tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2019.

Những ngày này, tại bãi biển Cửa Tùng, Cửa Việt đã bắt đầu đón những đoàn khách trở lại. Đây chính là tín hiệu khả quan cho sự hồi sinh sau dịch Covid-19. Theo thông tin từ Ban Quản lý bãi tắm Cửa Việt, từ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 đến nay, bình quân mỗi ngày có khoảng từ 4.000 - 5.000 lượt khách đến thăm quan, du lịch. So với cùng kỳ năm ngoái thì lượng khách có sụt giảm, tuy nhiên trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì đây là điểm sáng và chứng tỏ bãi tắm Cửa Việt là một điểm đến thú vị, an toàn, được nhiều du khách lựa chọn.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho biết: “Nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép”, đó là vừa tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19, vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các doanh nghiệp, ban quản lý các khu, điểm du lịch xây dựng bộ tiêu chí để bảo đảm tính an toàn trong kinh doanh, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch sau khi hết dịch Covid-19, trong đó ưu tiên tập trung thị trường du lịch nội địa với các sản phẩm du lịch lịch sử cách mạng (Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc…), du lịch văn hóa tâm linh và du lịch biển, đảo”.

Để phục hồi lại hoạt động kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính, chống các hiện tượng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và thu hút các dự án FDI, bởi với sự ổn định cơ bản, Quảng Trị là điểm đến tốt của các nhà đầu tư nước ngoài và phải biết tranh thủ nguồn lực, biến thách thức thành lợi thế... 

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng: Những giải pháp mà tỉnh đã khiển khai trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, dự báo tình hình kinh tế - xã hội những tháng tiếp theo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi một số chỉ tiêu quan trọng trong 4 tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch. Nếu không có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của các doanh nghiệp sẽ khó đạt mục tiêu đề ra. Tinh thần, quyết tâm của tỉnh là hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Tin cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Tại tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã khẳng định, cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.