Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Quảng Trị: Đakrông quan tâm thực hiện chính sách đối với Người có uy tín

L.Minh (t/h) - 15:33, 07/09/2021

Thời gian qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) rất quan tâm thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Đặc biệt, huyện đã tạo điều kiện để Người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng, khuyến khích họ tham gia các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương.

Ông Hồ Lô (ở giữa), Người có uy tín - luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Ông Hồ Lô (ở giữa), Người có uy tín - luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Giai đoạn 2012 - 2021, toàn huyện Đakrông có 839 lượt người được bầu chọn là Người có uy tín trong đồng bào DTTS của dân tộc Bru Vân Kiều và Pa Kô. Riêng năm 2021, có 70 người được bầu chọn là Người có uy tín.

Xác định Người có uy tín trong đồng bào DTTS thực sự là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng, huyện đã tích cực triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Đặc biệt, thực hiện chính sách theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS và các văn bản liên quan khác của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan, UBND các xã, thị trấn có Người uy tín để quản lý, tổ chức thực hiện chính sách.

Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, ban hành các văn bản hướng dẫn đến UBND các xã, thị trấn, cán bộ làm công tác dân tộc cấp xã, Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Cấp kinh phí thực hiện chính sách cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS như thăm, tặng quà cho Người có uy tín trong dịp tết Nguyên đán, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho Người có uy tín, đưa Người có uy tín đi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, thăm Người có uy tín khi ốm đau, có khó khăn đột xuất…

Chế độ chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS được thực hiện nghiêm túc. Trong giai đoạn 2012 - 2021, các cấp trên địa bàn huyện đã tổ chức thăm hỏi, động viên nhân dịp Tết Nguyên đán cho 824 lượt Người có uy tín; thăm hỏi, tặng quà dịp tết truyền thống của DTTS cho 228 lượt Người có uy tín; thăm hỏi, hỗ trợ 75 lượt Người có uy tín ốm đau, 5 lượt gia đình Người có uy tín gặp khó khăn; thăm viếng 7 lượt Người có uy tín và thân nhân qua đời; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện thăm, tặng quà 667 lượt Người có uy tín dịp ngày đại đoàn kết dân tộc 18/11, ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9…

Việc cung cấp thông tin, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho Người có uy tín luôn được huyện quan tâm thực hiện. Trong giai đoạn này, huyện đã lồng ghép tổ chức 3 lượt hội nghị về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các chính sách dân tộc đang thực hiện và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cho 180 lượt người; tổ chức 18 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 94 lượt người; 7 lượt tham quan, học tập ngoại tỉnh cho 89 người, 7 đợt tham quan học tập trong tỉnh cho 269 lượt người; có 100% Người có uy tín trong đồng bào DTTS được cấp miễn phí báo Dân tộc và Phát triển, Báo Quảng Trị.

Công tác khen thưởng, biểu dương đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS được huyện chú trọng. Đã có 35 lượt Người có uy tín được UBND huyện tặng Giấy khen; 10 cá nhân được UBND tỉnh tặng Giấy khen và 2 cá nhân được Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen tại Hội nghị Biểu dương người tiêu biểu trong đồng bào các DTTS tỉnh năm 2017.

Được quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách, nên Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở Đakrông tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao cảnh giác, đấu tranh trước mọi âm mưu kích động, chia rẽ khối Đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch; đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, động viên con cháu, người dân cùng đổi mới cách thức làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh… mang lại thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Đặc biệt, họ tham gia vào các phong trào xây dựng đời sống mới, vận động người dân xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tham gia hiến đất, hiến công, hiến công trình kiến trúc để giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng công trình phúc lợi… góp phần xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Ông Hồ Văn Thành, Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở thôn A La, xã A Ngo cho biết: “Thời gian qua, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở huyện, xã thực hiện các chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS rất kịp thời. Do đó, chúng tôi càng có thêm động lực để phát huy vai trò của mình trong việc đi đầu làm gương, giúp đỡ mọi người, nhất là về kinh nghiệm sản xuất, giáo dục con cháu, thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào xây dựng nông thôn mới”.

Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở huyện Đakrông còn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhiệm các chức vụ như Bí thư chi bộ, Trưởng thôn bản, trưởng Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể, tham gia Tổ hòa giải, Tổ an ninh, là hội viên mẫu mực của các tổ chức chính trị - xã hội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông - ông Lê Đại Lợi cho biết: “Nhờ được coi trọng thực hiện các chính sách nên Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở huyện luôn có ý thức xây dựng cộng đồng, trách nhiệm với nơi mình sinh sống, thực sự là nòng cốt tạo nên sự đoàn kết, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với người dân địa phương. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của huyện”./.

Tin cùng chuyên mục
Người tiên phong trồng chè cành ở Phước Lộc

Người tiên phong trồng chè cành ở Phước Lộc

Gần cả cuộc đời gắn bó với quê hương, bà Ka Hiên, dân tộc Mạ, ở thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều công lao, đóng góp, tạo động lực giúp đồng bào các dân tộc ở địa phương vươn lên xóa cái đói, đuổi cái nghèo.