Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Quảng Trị: Nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật cho đồng bào vùng DTTS, miền núi

Công Minh - 21:43, 03/12/2023

Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị và các địa phương vùng DTTS, miền núi đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp người dân từng bước nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật; tiếp cận kịp thời các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý (TGPL); đảm bảo quyền lợi chính đáng hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp.

Đội ngũ Người có uy tín luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác tuyên truyền pháp luật. (trong ảnh: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông tặng quà của UBDT cho đại biểu Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị).
Đội ngũ Người có uy tín luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác tuyên truyền pháp luật. (trong ảnh: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông tặng quà của UBDT cho đại biểu Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị).

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Lần đầu tiên tham gia chương trình tập huấn tuyên truyền pháp luật, ông Hồ On ở Khối 5, Thị Trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa không giấu được niềm hứng khởi vì nắm bắt được nhiều nội dung hay, bổ ích. Ngoài hiểu rõ về tác hại của tảo hôn, bạo lực gia đình, ông Hồ On và cộng đồng Pa Cô còn có cơ hội tiếp cận kiến thức mới về các chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

"Trước đây, tôi rất mơ hồ về các chính ưu tiên của Nhà nước cho người DTTS. Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi hiểu rõ hơn về chủ trương, vai trò và lợi ích mang lại từ các chương trình, dự án hỗ trợ. Thời gian tới, tôi sẽ truyền đạt lại những gì mình hiểu biết cho con cháu, những người xung quanh, giúp mọi người cùng tuân thủ pháp luật, không được thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương", ông Hồ On chia sẻ.

Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, đơn vị đã tập trung đẩy mạnh các nhiệm vụ được giao về phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hình thức tuyên truyền khá đa dạng như: Tập huấn kết hợp hội nghị tuyên truyền pháp luật cho người dân, lắp đặt pa nô tuyên truyền, chiếu phim ảnh liên quan một số vấn đề pháp luật, tập huấn cho các già làng, người có uy tín trong cộng đồng... Từ đó, giúp nâng cao khả năng phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ và người dân miền núi.

"Dựa trên những đặc thù của đồng bào miền núi, chúng tôi đã tập trung nội dung tuyên truyền vào các nhóm chủ yếu như: giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội tại các xã biên giới đất liền. Ngoài ra, Ban Dân tộc cũng tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, cảnh giác trước âm mưu "diễn biến hòa bình", lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch để chia rẽ khối đại đoàn kết, chống phá Đảng, Nhà nước" - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh cho biết.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp giao, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước của tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án, đối tượng tập trung TGPL gồm: già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi; người thực hiện TGPL và cán bộ các cơ quan liên quan.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS ở xã Tà Long, huyện Đakrông.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS ở xã Tà Long, huyện Đakrông.

Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 3 đợt truyền thông về TGPL tại 6 xã trên địa bàn huyện Hướng Hóa với 265 người DTTS tham gia. Ngoài ra, tham gia các đợt TGPL còn có đại diện UBND xã, công chức tư pháp hộ tịch xã. Nội dung các đợt truyền thông tập trung phổ biến các kiến thức, quy định về Luật Trợ giúp pháp lý; trình tự thủ tục yêu cầu TGPL, các giấy tờ chứng minh đối tượng TGPL; vai trò của trợ giúp viên trong hoạt động TGPL; thông tin về địa chỉ tổ chức thực hiện TGPL trên địa bàn; tổ chức 10 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật TGPL tại 10 xã ở Hướng Hóa với hơn 500 người tham gia, bao gồm các đối tượng người có uy tín trong cộng đồng như: bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư thôn, công an viên thôn, chi hội trưởng các hội, đoàn thể ở thôn, bí thư đoàn thanh niên, già làng, người có uy tín trong cộng đồng...

Nội dung tập huấn chủ yếu triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động TGPL miễn phí như: vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi, hình thức, lĩnh vực TGPL...  và các văn bản hướng dẫn thi hành; kỹ năng nắm bắt thông tin và hướng dẫn khi có đối tượng có yêu cầu được TGPL miễn phí; TGPL cho các đối tượng có nhu cầu.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiến hành biên soạn và in ấn 950 sổ tay TGPL; biên soạn, in ấn và phát hành 2.200 tờ gấp pháp luật và tài liệu với nội dung truyền thông các quy định về trợ giúp pháp lý, 500 bộ tài liệu với nội dung truyền thông các quy định về TGPL.

Thực hiện hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, trong vùng đồng bào các DTTS ở Quảng Trị ngày càng có nhiều mô hình sinh kế giúp đồng bào thoát nghèo.
Thực hiện hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, trong vùng đồng bào các DTTS ở Quảng Trị ngày càng có nhiều mô hình sinh kế giúp đồng bào thoát nghèo.

Hiệu quả thấy rõ

Nhờ có các hoạt động truyền thông, tập huấn chính sách pháp luật về TGPL được thực hiện kịp thời, đã giúp đồng bào DTTS khu vực đặc biệt khó khăn tiếp cận và thụ hưởng hoạt động TGPL chất lượng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hoạt động TGPL cũng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác giải quyết các vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật; nâng cao kiến thức pháp lý, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho đồng bào DTTS cư trú ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; bảo đảm cho các đối tượng có nhu cầu TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL miễn phí kịp thời, chất lượng.

Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh cho rằng, từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng, chúng tôi từng bước nâng cao nhận thức, cùng góp tiếng nói vào nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ bình yên cuộc sống vùng đồng bào DTTS. Sau thời gian tuyên truyền, hàng trăm lượt người dân đã tình nguyện giao nộp vũ khí, cam kết không sử dụng chất gây nổ, xung điện; không săn bắt thú rừng, không đòi "của hồi môn" trong cưới hỏi, đặc biệt là giảm hẳn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân về chính sách dân tộc cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên truyền đảm bảo về phẩm chất, năng lực chuyên môn và am hiểu tâm lý, tập quán của đồng bào DTTS. 

"Trên cơ sở đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên tuyền, chúng tôi sẽ lựa chọn các giải pháp phù hợp và trọng tâm, đảm bảo mục tiêu ngăn ngừa, giảm thiểu vi phạm pháp luật trong cộng đồng DTTS”, bà Minh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.