Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Trị: Những chuyển biến trong phát triển hợp tác xã

Minh Thu - 11:39, 30/11/2022

Triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay, hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã phát triển, thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, khẳng định tính hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể (KTTT). Hợp tác xã trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Từ đó góp phần tạo động lực cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Mô hình ươm giống cây tại HTX Sản xuất nông nghiệp Tân Hợp, huyện Hướng Hoá.
Mô hình ươm giống cây tại HTX Sản xuất nông nghiệp Tân Hợp, huyện Hướng Hoá.

Hợp tác xã Nông sản Tây Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh được thành lập từ tháng 5/2018 với 26 thành viên, vốn điều lệ là 210 triệu đồng, chỉ có 15ha cây ăn quả các loại, trồng không tập trung. Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, chính quyền xã Vĩnh Thủy đã hỗ trợ 50 hộ dân là thành viên HTX cải tạo vườn tạp, bình quân mỗi hộ được nhận hỗ trợ 7 triệu đồng gồm cây giống và hệ thống tưới nước.

Bà Lê Thị Thuận, thành viên HTX Nông sản Tây Vĩnh Thủy cho biết: Khi địa phương triển khai chủ trương cải tạo vườn tạp, tôi được đi tập huấn, hướng dẫn cách thức trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ... Từ đó tôi đã bàn bạc với gia đình cải tạo 1,5 sào đất vườn tạp để đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập.

Từ một số mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, HTX Nông sản Tây Vĩnh Thủy đã phát triển được hơn 83ha cây ăn quả tập trung. Trong đó, riêng thanh long ruột đỏ chiếm 12ha, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường 72 tấn sản phẩm, đem lại nguồn thu trên 1,8 tỷ đồng.

Cây đậu xanh được nhiều xã ở huyện Đakrông lựa chọn để trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả.
Cây đậu xanh được nhiều xã ở huyện Đakrông lựa chọn để trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả.

Ở huyện Hải Lăng, điển hình trong số những HTX có sự linh hoạt nhất trong điều hành, quản lý cũng như phát triển là HTX Văn Quỹ, xã Hải Phong. Sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX đã có nhiều sự đổi mới về phương thức hoạt động, từ đó đem lại hiệu quả rõ nét. Hiện, HTX đang quản lý 285 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa là 270 ha với 263 thành viên.

Với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý nên các sản phẩm của HTX Văn Quỹ ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu của thị trường. HTX hiện có 10 dịch vụ, trong đó có nhiều dịch vụ đem lại hiệu quả kinh tế khá cao như thêu ren, sản xuất giống, sản xuất gạo sạch…

“Nhờ sự đa dạng các loại hình dịch vụ nên hằng năm, doanh thu của HTX đạt khoảng 3,8 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi ròng 400 triệu đồng”, ông Nguyễn Bá Chánh, Giám đốc HTX Văn Quỹ chia sẻ.

Mô hình phục hồi giống chuối lùn tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông
Mô hình phục hồi giống chuối lùn tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông

Đối với huyện miền núi Hướng Hoá, mô hình HTX còn hoạt động là rất ít so với các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị. Nhưng thời gian gần đây, từ chủ trương phát triển HTX, một số địa phương đã đầu tư xây dựng HTX hoạt động bài bản, quy mô và hiệu quả. Từ đó đã tác động tích cực đến hiệu quả lao động sản xuất của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS; đồng thời tạo động lực cho phát triển KTTT, HTX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế trên lĩnh vực này trong thời gian tới.

Điển hình như HTX Tân Hợp, được thành lập vào năm 2018 với 10 thành viên. Chỉ sau 3 năm hoạt động, HTX Tân Hợp đã hoạt động khá ổn định bằng việc triển khai xây dựng các 7ha vườn ươm các loại cây giống như: cây dược liệu, bời lời, cà phê chè phục vụ cho nhu cầu sản xuất của bà con trong vùng; trồng thí điểm mô hình chanh leo; trồng gừng, nghệ và 1 số loại cây trồng khác kết hợp chăn nuôi gà. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, các mô hình trồng trọt và chăn nuôi có thể thu hoạch quanh năm, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho xã viên đồng thời tạo cơ sở để đầu tư tiếp.

Chị Lê Thị Hiền, một trong 10 hộ thành viên HTX Tân Hợp cho biết: Khi tham gia vào HTX, các thành viên đều được tập huấn khoa học kỹ thuật kỹ càng, huy động được trí tuệ, kinh nghiệm tập thể nên năng suất, hiệu quả sản xuất cao hơn. Vấn đề liên doanh liên kết thuận lợi nên không phải lo lắng vấn đề đầu ra của sản phẩm.

Cánh đồng lúa của HTX Triệu Phong ở Quảng Trị
Cánh đồng lúa của HTX Triệu Phong ở Quảng Trị

Nhằm đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX, mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Chương trình được ban hanh nhằm hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên; tăng cường năng lực của các tổ chức KTTT, HTX nhằm phát huy vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực. Ngoài ra, chương trinh còn giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

UBND tỉnh Quảng Trị đề ra mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới 95 - 100 HTX, Liên hiệp HTX; 100% số HTX tổ chức, hoạt động theo đúng quy định; 60% tổng số HTX hoạt động từ loại khá trở lên. Để thực hiện chương trình, UBND tỉnh Quảng Trị cần tổng kinh phí dự kiến là 72,961 tỷ đồng; bao gồm ngân sách tỉnh hơn 27,9 tỷ đồng, chương trình mục tiêu quốc gia là 31,65 tỷ đồng, ngân sách Trung ương khác và nguồn đóng góp của các HTX.

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.