Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả từ hoạt động của các Hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Minh Thu - 10:05, 29/11/2022

Thực hiện Đề án số 247/QĐ-LMHTXVN ngày 31/3/2016 của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam về việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô và sức lan tỏa, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng phát huy hiệu quả kinh tế từ các HTX kiểu mới gắn với các Chương trình phát triển KT-XH của tỉnh. Từ đó, từng bước thay đổi tư duy sản xuất, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tham quan một gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm (Ảnh: Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên)
Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tham quan một gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm (Ảnh: Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên)

Đảm bảo thu nhập cho thành viên HTX

Thành lập năm 2014, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, Hợp tác xã Gà đồi Đông Thịnh, xã Tân Khánh (huyện Phú Bình), đã tận dụng ưu thế diện tích đất chăn nuôi rộng 10ha để quy hoạch, xây dựng thương hiệu “Gà đồi Đông Thịnh”. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, hoạt động theo mô hình kiểu mới, HTX đã thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học, với quy mô 50 nghìn con gà ri lai thịt. Nhờ đó, đàn gà phát triển tốt, tỷ lệ sống đến khi xuất chuồng đạt 95,6%, trọng lượng xuất chuồng đạt bình quân 2kg/con.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX gà đồi Đông Thịnh cho biết: “Được sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh về vốn, hỗ trợ tập huấn, chúng tôi dần mở rộng và phát triển HTX. Đến nay, HTX đã liên kết với doanh nghiệp tại Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm của đơn vị, đảm bảo thu nhập ổn định cho các thành viên”.

Chị Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt hướng dẫn công nhân sao chè.
Chị Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt hướng dẫn công nhân sao chè.

Ở TP. Thái Nguyên, HTX chè Hảo Đạt, thành lập năm 2016 đã phát triển từ 8 thành viên ban đầu lên đến 40 thành viên, hiện có vùng nguyên liệu chè trên 6ha và liên kết với các hộ trong vùng trồng 35ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP; hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sản xuất khép kín, được tự động hóa 70%, công suất từ 4,0 - 4,5 tấn chè búp tươi/ngày. Mỗi năm, HTX chè Hảo Đạt chế biến được khoảng 1.500 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường từ 250 - 350 tấn chè búp khô an toàn, chất lượng cao.

Doanh thu của HTX tăng đều hằng năm, đạt khoảng 5-6 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 - 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho khoảng 30 lao động thời vụ là người dân địa phương.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết: Để xây dựng thương hiệu, chúng tôi rất quan tâm đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất chè sạch VietGap, không sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng nguồn nước sạch, bón phân đúng liều lượng, đúng thời gian là những yêu cầu bắt buộc của HTX đối với các thành viên trồng chè, nhằm đảm bảo cho nguồn nguyên liệu chè của HTX luôn đạt được chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.

Công đoạn hong khô chè trước khi sao sấy tại HTX Chè Kim Thoa, TP. Thái Nguyên.
Công đoạn hong khô chè trước khi sao sấy tại HTX Chè Kim Thoa, TP. Thái Nguyên.

Đồng hành, hỗ trợ HTX kiểu mới phát triển

Để triển khai Đề án xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô và sức lan tỏa, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với các ngành đã tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển HTX cho cán bộ quản lý các HTX; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật cho cán bộ quản lý và thành viên các HTX với các nội dung chuyên đề.

 Các HTX tham gia xây dựng mô hình được hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật, được vay vốn tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cùng các nguồn vốn ưu đãi khác; được tham quan học tập kinh nghiệm thực tế, từ các mô hình HTX điển hình tiên tiến trong tỉnh và các tỉnh bạn.

Mô hình nuôi gà đồi của HTX Đông Thịnh
Mô hình nuôi gà đồi của HTX Đông Thịnh

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên luôn triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX; tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng, hoạch định chiến lược, triển khai thực hiện các đề án phát triển KTTT theo từng giai đoạn, và triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ cho các thành viên… Qua đó, thúc đẩy phát triển HTX, liên hiệp HTX, góp phần ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức phát triển KTTT, với nhiều hình thức đa dạng phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt triển khai thực hiện tốt Đề án “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025” do Liên minh HTX tỉnh tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 23/3/2021. Đề án nhằm cụ thể hóa các nội dung của Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025.

Tin cùng chuyên mục
Tre, trúc không còn bị "bạc đãi" ở vùng đất Tây Nam bộ

Tre, trúc không còn bị "bạc đãi" ở vùng đất Tây Nam bộ

Các loại cây họ tre nứa rất dễ trồng, dễ chăm sóc với hàng chục giống tre, trúc khác nhau và chúng được trồng hầu như khắp các địa phương vùng Tây Nam bộ. Từ lâu, sản phẩm từ cây tre gắn bó với đời sống cư dân nơi này. Dù đang chịu cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất bằng dây chuyền công nghệ, thay thế bằng những nguyên liệu công nghiệp nhưng không vì thế mà sản phẩm từ họ tre trúc “hết thời”.