Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Quảng Trị: Ưu tiên triển khai cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS

Minh Thu - 05:37, 24/04/2024

Xác định tầm quan trọng của đất ở và đất sản xuất đối với người dân, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) tỉnh Quảng Trị đã ưu tiên triển khai sớm, triển khai nhanh nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các đối tượng thụ hưởng thuộc các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.

Chị Hồ Thị Dơn, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa vươn lên làm giàu trên diện tích đất được giao.
Chị Hồ Thị Dơn, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa vươn lên phát triển kinh tế trên diện tích đất được giao.

Tạo động lực mới

Tại huyện biên giới Hướng Hóa, thực hiện Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có 153 hộ được hỗ trợ đất ở; 253 hộ được hỗ trợ đất sản xuất theo Dự án 1, Chương trình MTQG 1719.

“Có đất sản xuất, chúng tôi sẽ thoát nghèo”. Đó là chia sẻ của nhiều hộ đồng bào DTTS tại các huyện Hướng Hóa và Đakrông tỉnh Quảng Trị khi được cấp đất ở và đất sản xuất theo Dự án 1, Chương trình MTQG 1719.

Đơn cử như gia đình anh Hồ Văn Dân, thôn Trằm Cheng, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa, trước đây, do thiếu đất sản xuất để canh tác nên gia đình anh luôn thiếu thốn về lương thực. Khi biết gia đình được hỗ trợ 1ha đất sản xuất, anh Dân vui mừng chia sẻ: “Gia đình tôi sẽ cố gắng chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi để có cuộc sống tốt hơn”.

“Cùng với nhiều dự án khác trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được triển khai đồng bộ sẽ là động lực để vùng đồng bào DTTS, miền núi Quảng Trị phát triển toàn diện”,

Bà Hồ Thị Lệ HàTrưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị

Hay như hộ gia đình anh Hồ Văn Ka Rê, thôn Ra Ly Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, trước đây cũng thuộc diện thiếu đất sản xuất nhiều năm nên cuộc sống rất khó khăn. Khi biết mình được hỗ trợ 22,5 triệu đồng để cải tạo 1ha đất hoang hóa thành đất sản xuất, Anh Rê anh rất phấn khởi: “Có đất sản xuất, chúng tôi sẽ thoát nghèo. Tôi sẽ trồng cây lương thực như ngô, sắn và trồng thêm cỏ sữa để nuôi bò”.

Cùng với Hướng Hóa, Đakrông cũng là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống. Bởi vậy, nguồn lực từ Dự án 1, Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt, nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được chính quyền địa phương ưu tiên triển khai sớm. Trong 2 năm 2022 và 2023, tổng ngân sách hỗ trợ đất ở được cấp là 7,6 tỉ đồng. Riêng năm 2023, toàn huyện đã có 233 hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ đất ở. Đối với đất sản xuất, hiện nay, chính quyền huyện đang hoàn thiện khâu cuối cùng là phê duyệt số hộ được thụ hưởng.

Đồng bào DTTS tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông được hỗ trợ về đất sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.
Đồng bào DTTS tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông được hỗ trợ về đất sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.

Mở lối thoát nghèo cho đồng bào DTTS

Có thể nói, Dự án 1, Chương trình MTQG 1719 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” đã mở ra hướng giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị. Cùng với Dự án 1, nhiều dự án khác trong Chương trình MTQG 1719 đang được triển khai đồng bộ được kỳ vọng sẽ tạo động lực để vùng đồng bào DTTS, miền núi Quảng Trị phát triển toàn diện.

Hiện Quảng Trị có 21.399 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa; trong đó, có 10.243 hộ nghèo, 3.325 hộ cận nghèo đang cần được hỗ trợ để cải thiện cuộc sống.

Vấn đề "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt" trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã mở ra hướng giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn ở Quảng Trị.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định phân bổ 188,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2024. Theo đó, tỉnh sẽ bố trí hơn 14,2 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; gần 11,3 tỷ đồng quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết. Cùng với đó, tỉnh sẽ đầu tư hơn 107,4 tỷ đồng đầu tư phát triển nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; gần 11,2 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; hơn 11,5 tỷ đồng phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị: Trong quá trình thực hiện Dự án 1, Chương trình MTWQG 1719, Quảng Trị đã ưu tiên triển khai sớm, triển khai nhanh nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các đối tượng thụ hưởng thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Từ đó, hàng ngàn hộ đồng bào DTTS ở hai huyện này đã thoát nghèo.

“Cùng với nhiều dự án khác trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được triển khai đồng bộ sẽ là động lực để vùng đồng bào DTTS, miền núi Quảng Trị phát triển toàn diện”, bà Hồ Thị Lệ Hà khẳng định.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo miền núi Quảng Trị là 26,1% giảm 3,25% so với năm 2022. Toàn vùng có 100% xã, thôn bản có điện lưới quốc gia; 100% đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% số xã ở vùng DTTS và miền núi đều có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Hơn 40% xã miền núi có nhà văn hóa đạt chuẩn; 88% thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 66% số hộ gia đình DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4 - 5%/năm.



Tin cùng chuyên mục
Nỗ lực giảm nghèo ở Pleiku

Nỗ lực giảm nghèo ở Pleiku

Nhiều năm nay, chính quyền TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ các giải pháp, hướng tới giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS. Trong đó, các chính sách dân tộc được triển khai đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống đồng bào.