Hướng Hóa là huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 50% dân số. Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn một cách đồng bộ, kịp thời nhằm đưa nguồn vốn của ngân hàng đến với người dân sớm và đúng đối tượng. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều người dân đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất - kinh doanh, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và chăn nuôi gia súc, gia cầm số lượng lớn.
Vốn vay ưu đãi đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, giúp các hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Điển hình như trường hợp của gia đình anh Hồ Văn Tình (SN 1984, ở thôn Tà Đủ, xã Tân Hợp). Đầu năm 2023, anh vay 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Với số vốn trên, vợ chồng anh Tình đầu tư thêm con giống, nâng số lượng gia súc của gia đình lên 6 con bò, 15 con dê, trồng và chăm sóc thêm gần 3 ha tràm. Hiện đàn bò của gia đình anh đã có 1 con bò mẹ sinh sản lứa đầu tiên.
Ông Trần Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết, trên địa bàn xã có thôn Tà Đủ là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS. Trước đây đời sống của người dân khó khăn quanh năm vì thiếu vốn phát triển. Nhờ chính sách cho vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, lãnh đạo xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc phổ biến kiến thức, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi được địa phương chú trọng, nên các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng của người dân đạt giá trị cao. Nhiều hộ dân từng bước vươn lên thoát nghèo.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hướng Hóa Hồ Văn Quân thông tin, 11 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã cho 4.170 hộ vay, với doanh số cho vay gần 235 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 673,7 tỷ đồng. Riêng đối với các chương trình tín dụng cho đồng bào DTTS, tính đến ngày 13/11/2023, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho 2.453 hộ đồng bào DTTS vay vốn với tổng dư nợ đạt 388 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho cá nhân và gia đình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện bình quân khoảng 3%/năm. Năm 2022, toàn huyện giải quyết việc làm mới cho 3.074 lượt lao động, đạt 219% kế hoạch năm. 10 tháng đầu năm 2023 đã giải quyết việc làm cho 1.238 lao động, trong đó có nhiều lao động DTTS. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường nguồn vốn ngân sách cấp huyện để triển khai chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giải quyết việc làm, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Tương tự huyện Đakrông, rất nhiều hộ dân đồng bào DTTS nhờ vay vốn ưu đãi của Nhà nước đã thoát nghèo. Tiêu biểu như gia đình ông Hồ Văn Thương (ở thôn Khe Ngài, xã Đakrông, huyện Đakrông). Thông qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đakrông, ông Thương đã vay 100 triệu đồng. Với số vốn trên, gia đình đã đầu tư trồng 6 ha cây tràm và nuôi 6 con trâu, tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Đầu năm 2022, ông Thương tiếp tục vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để trang trải chi phí cho con trai của mình là Hồ Văn Điệp (20 tuổi) qua Nhật Bản lao động. Từ chỗ là hộ nghèo, đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo.
"Được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, gia đình tôi đầu tư mua giống cây tràm trồng rừng, nuôi trâu; đặc biệt đầu tư cho con trai đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Nhờ đó mà nhà tôi thoát nghèo, kinh tế ổn định, mỗi năm thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Vợ chồng tôi đã có tiền gửi tiết kiệm, mua được xe máy, năm sau chúng tôi sẽ xây nhà mới", ông Thương phấn khởi chia sẻ.
Hàng xóm với ông Thương là hộ ông Hồ Văn Cua (48 tuổi) cũng nhờ vay vốn chính sách để đầu tư chăn nuôi và trồng rừng mà thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Gia đình ông Cua hiện nuôi 10 con trâu, trồng 5 ha rừng tràm, thu nhập bình quân hàng năm hơn 100 triệu đồng. Ông Cua vui vẻ cho biết: "Nhờ có vốn vay để phát triển kinh tế mà giờ nhà tôi đã có trâu, có rừng. Tôi dùng đồng vốn vay, chăm chỉ làm ăn thì không còn sợ cái đói, cái nghèo nữa".
Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào các DTTS với nhiều chính sách ưu đãi lớn. Từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đang mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Có vốn, đồng bào DTTS đã đầu tư trồng rừng keo tràm, nuôi bò, nuôi dê, cải tạo đất đồi thành ruộng trồng lúa nước, trồng bắp lai, đi xuất khẩu lao động... Nhờ nguồn vốn ưu đãi này nên nhiều gia đình có điều kiện để mở rộng đầu tư sản xuất, có thu nhập cao, xóa được nghèo khó, tỷ lệ hộ khá trong các thôn, bản tăng lên.
Thời gian qua, với sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự cố gắng nỗ lực người dân đã giúp đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững. Đồng bào ngày càng tin tưởng vào các chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh ở các vùng đồng bào DTTS.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: hiện nguồn vốn hỗ trợ cho đồng bào DTTS ở Quảng Trị vẫn còn ít, dàn trải nhiều chương trình, trong khi nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế của người dân là rất lớn. Giai đoạn tới, chính sách tín dụng xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi cần tiếp tục đổi mới và mở rộng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay liên quan đến các dự án sản xuất - kinh doanh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS.