Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực Ngân hàng

Hoàng Quý - 06:18, 09/06/2022

Chiều 8/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường về Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực Ngân hàng. Trả lời chất vấn đối với nhóm này thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp

Phát biểu điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh 3 nội dung thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng, gồm:

Thứ nhất, là tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Việc phối hợp chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Thứ 2, là việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại.

Thứ 3, là việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thực trạng và giải pháp phòng chống tín dụng đen tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng.

Mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả

Trả lời câu hỏi về kiểm soát lạm phát, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, 5 tháng qua, lạm phát trong nước tăng 2,25%, chủ yếu là do tác động của yếu tố giá mà chưa tính đến những tác động của các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, các gói tín dụng. Trong thời gian tới, NHNN sẽ phải kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả và theo dõi sát những diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến của các gói hỗ trợ để đưa ra những giải pháp điều hành phù hợp. Theo Thống đốc NHNN, bên cạnh phối hợp giữa các chính sách vĩ mô, thì việc kiểm soát giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục… là rất quan trọng.

Về nâng cao hiệu quả tín dụng, xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong chỉ đạo điều hành, NHNN cũng luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng là phải thực hiện nghiêm các quy định, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro để chủ động trong trường hợp nợ xấu. Thời gian qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng cũng đã thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ và cho phép giữ nguyên khoản nhóm nợ cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay. Đồng thời, NHNN cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động có trích lập dự phòng trong 3 năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn

Tăng cường tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, trong quá trình chỉ đạo điều hành, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa. NHNN cũng chủ trì xây dựng chiến lược về tài chính toàn diện quốc gia, theo đó thì tất cả những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS, cũng như những người yếu thế sẽ được quan tâm triển khai. NHNN cũng phối hợp tích cực với Bộ Công an tổ chức các hội nghị về phòng, chống tín dụng đen tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Cùng với đó, NHNN rất chú trọng truyền thông để bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hiểu được các chính sách tín dụng của Nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách… NHNN đã triển khai một số chương trình trên truyền hình như Chương trình tiền khéo, tiền khôn; Chương trình tay hòm chìa khóa… trong đó nhiều những hướng dẫn để bà con có thể biết được những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Trả lời chất vấn của đại biểu về triển khai của đồng tiền kỹ thuật số, phân biệt giữa tiền ảo, tài sản ảo, Thống đốc NHNN cho biết thời gian qua, trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như dư luận rất quan tâm. Các khái niệm tiền ảo, tài sản ảo cần phải làm rõ.

Theo đó, về tiền điện tử là đồng tiền pháp định, tức là đồng tiền của Ngân hàng trung ương phát hành dưới dạng tiền giấy, tiền xu. Thế nhưng khi một người có tiền giấy, tiền xu nhưng không cầm tiền giấy, tiền xu mà lưu giữ dưới dạng điện tử, các thiết bị điện tử như điện thoại di động hay mạng máy tính… Tiền điện tử có tỷ lệ 1-1 giữa tiền pháp định với tiền điện tử và được thanh toán tiền này. Trên thực tế NHNN đã có thông tư quy định là có ví điện tử, thực ra chính là tiền điện tử. Hiện nay, NHNN cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101 thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó sẽ làm rõ khái niệm này.

Trên thực tế còn có khái niệm tiền ảo mà chúng ta vẫn hay nghe nhắc đến như đồng Bitcoin. Đây không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương của các nước phát hành, mà là do các tổ chức trong khu vực tư nhân tạo ra bằng các thuật toán trên hệ thống mạng máy tính. Đối với đồng tiền này, chỉ được thừa nhận trong một cộng đồng nhất định thôi. Ví dụ như cộng đồng game, hay sàn công nghệ. Ở mỗi một quốc gia có cách thức quản lý khác nhau đối với loại tiền này.

Tin cùng chuyên mục
Tổng công ty Điện lực miền Bắc huy động toàn bộ nhân lực hỗ trợ các Công ty Điện lực ngay khi bão số 3 đi qua

Tổng công ty Điện lực miền Bắc huy động toàn bộ nhân lực hỗ trợ các Công ty Điện lực ngay khi bão số 3 đi qua

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc Đỗ Nguyệt Ánh vừa chỉ đạo Ban điều hành Tổng công ty kịp thời tổng chỉ huy điều động nhân lực, vật lực từ tất cả đơn vị trong EVNNPC để hỗ trợ các Công ty Điện lực khắc phục hậu quả ngay khi cơn bão số 3 đi qua. Việc điều động sẽ được bố trí rạch ròi, kịp thời theo các khu vực phù hợp với mức độ ảnh hưởng khác nhau, đảm bảo tổ chức khoa học và hiệu quả.