Nỗ lực sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát
Khu vực Tây Nguyên muốn phát triển bền vững, thì một trong những việc quan trọng là phải giải quyết được vấn đề di cư tự phát. Vì vậy, những năm qua các tỉnh trong khu vực đã rất nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Trong đó, đa số các địa phương đều tập trung triển khai các dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát.
Đăk Lăk là địa phương có nhiều nỗ lực trong việc quy hoạch, xây dựng các dự án bố trí, sắp xếp dân di cư tự phát. Tính đến năm 2018, tỉnh Đăk Lăk đã xây dựng 17 dự án và phê duyệt 15 dự án dân di cư tự phát, với tổng nguồn vốn được duyệt hơn 877,8 tỷ đồng để bố trí, sắp xếp cho 4.982 hộ, 24.910 khẩu, trong đó 13 dự án đang triển khai với quy mô 4.402 hộ.
Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế, tỉnh mới triển khai được 13 dự án và đến nay đều chưa hoàn thành nên mới chỉ sắp xếp được 2.989 hộ với 9.697 khẩu dân di cư tự phát vào sinh sống ổn định. Năm 2020, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án bố trí ổn định dân di cư tự phát tại 3 huyện Krông Pắc, Krông Bông, Krông Năng với quy mô 953 hộ, tổng vốn 643,6 tỷ đồng, đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Còn tại tỉnh Đăk Nông từ năm 2005 đến nay đã lập và triển khai thực hiện 14 dự án, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 8 dự án đang thực hiện dang dở. Theo đó, mới chỉ sắp xếp ổn định cho hơn hơn 21 nghìn khẩu vào các dự án bố trí sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát.
Tại Hội thảo chuyên đề Giải pháp giảm nghèo bền vững đối với đồng bào DTTS du canh du cư cuối tháng 6/2020, ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc Hội thông tin, từ năm 1975 đến nay, khu vực Tây Nguyên luôn có những biến động dân cư quy mô lớn, số lượng tăng nhanh nhất cả nước chủ yếu tăng cơ học do di cư tự phát. Tính đến năm 2018, các tỉnh Tây Nguyên đã được phê duyệt 42 dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự phát, nhưng mới chỉ có 13 dự án hoàn thành, còn 29 dự án chưa hoàn thành nhưng vẫn phải bố trí dân vào ở.
Vừa qua, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã rà soát lại quy hoạch, bổ sung xây dựng dự án ổn định, bố trí sắp xếp lại dân di cư tự do. Mặc dù khi xây dựng các dự án di cư tự do đều thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, ngân sách hạn hẹp nên việc đầu tư thực hiện các dự án ổn định dân di cư tự do các tỉnh Tây Nguyên đều gặp khó.
Vẫn đang giải quyết “phần ngọn”
Trao đổi về vấn đề giải pháp cho tình trạng di cư tự phát, ông Phan Đình Hiến, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, cho rằng, việc tiếp tục thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định các hộ dân di cư tự phát đã đến các năm trước, vào các vùng quy hoạch theo các dự án đã được phê duyệt là cần thiết. Đến nay, nhiều dự án ổn định dân di cư tự phát tỉnh Đắk Nông đã phát huy hiệu quả tốt.
Tương tự, ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk cũng cho hay: Trong thời gian tới, Đắk Lắk tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự phát. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý dân cư, kịp thời phát hiện dân di cư ngoài kế hoạch, phối hợp với địa phương có dân đi để đưa dân về.
Qua đó, có thể thấy, việc xây dựng các dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát, để ổn định cuộc sống cho người dân luôn được các tỉnh Tây Nguyên ưu tiên và rất tích cực triển khai trong những năm. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp giải quyết phần ngọn.
Bởi lẽ, có một sự thật đang diễn ra, đó là nếu các tỉnh Tây Nguyên càng thực hiện tốt dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát bao nhiêu, thì lại càng tạo nên sức hút lớn đối với một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục di cư vào Tây Nguyên bấy nhiêu.
Thực tế cho thấy, các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… đều là những địa phương có điều kiện sản xuất và đời sống khó khăn, đặc biệt là thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt… Mà nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng di cư tự phát, chính là do người di cư mong muốn có được điều kiện sống tốt hơn. Vậy nên, Tây Nguyên luôn là đích đến của dòng người di cư tự phát, bởi điều kiện lý tưởng về đất đai, thổ nhưỡng.
Từ huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng vào Tây Nguyên lập nghiệp thập niên 80 của thế kỷ trước, nay gia đình ông Nông Văn Minh dân tộc Nùng, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã sinh sống ổn định tại nơi ở mới. Ông Minh chia sẻ: Trước khi di cư vào đây, chúng tôi đều nghĩ rằng mảnh đất Tây Nguyên rất màu mỡ. Thời điểm ban đầu mới vào cuộc sống rất khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương nên giờ đây đã tốt hơn rất nhiều…
Với tâm lý như vậy, khi dòng người di cư tự phát đổ về càng nhiều, sẽ càng gây áp lực lớn cho các địa phương về đất ở, đất sản xuất. Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện vấn đề đáng quan tâm, đó là tâm lý so bì trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, với đồng bào di cư tự phát từ địa phương khác đến. Vì không ít bà con tại chỗ cũng thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt… nhưng việc giải quyết của chính quyền chưa thấu đáo.
Trong khi đó bà con từ nơi khác đến vào thẳng trong rừng, phát nương làm rẫy, lại có đất tốt hơn. Chưa kể, đồng bào di cư tự phát còn được bố trí quy hoạch định cư tại các khu tái định cư với các điều kiện ăn ở, sinh hoạt tương đối ổn định sẽ càng tạo tâm lý so bì. Do đó, việc các địa phương trong khu vực Tây Nguyên triển khai xây dựng điểm tái định cư riêng cho đồng bào DTTS di cư tự phát chưa hẳn đã là giải pháp tối ưu…
Do đó, để giải quyết bài toán di cư tự phát cần phải có cách tiếp cận vấn đề từ gốc.