Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Quyết sách cho vấn đề di cư tự phát: Những hệ lụy đã được dự báo (Bài 3)

Lê Hường - 12:16, 18/05/2021

Khi các địa phương không thể giải quyết được tận gốc các vấn đề phát sinh do áp lực lớn của tình trạng di cư tự phát gây nên, thì những hệ lụy như đã được dự báo tất yếu xảy ra là điều khó tránh khỏi. Trong đó, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng và đói nghèo…

Những năm qua diện tích rừng bị thu hẹp bởi hậu quả của di cư tự phát là không hề nhỏ (Ảnh tư liệu)
Những năm qua diện tích rừng bị thu hẹp có một phần nguyên nhân do di cư tự phát (Ảnh tư liệu)

Phá rừng để lấy đất sản xuất

Cụm dân cư thuộc Tiểu khu 181, thuộc địa phận xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông, Lâm Đồng có khoảng hơn 100 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu, hầu hết là dân di cư tự phát. Cụm dân cư nằm lọt giữa rừng và không có đơn vị hành chính nên gọi theo địa giới hành chính đất rừng là Tiểu khu 181.

Ngoài làng Tiểu khu 181, huyện Đam Rông  còn những ngôi làng tự phát mọc lên ở các tiểu khu khác như Tiểu khu 179, 181, 180… Người đến ngày càng đông nên ở đây tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đốt nương làm rẫy chưa khi nào hết nóng. Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpôk, huyện Đam Rông thường xuyên đối mặt với các đối tượng phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 1990 - 2005, Lâm Đồng có gần 56 nghìn hộ, hơn 248 nghìn khẩu dân của các tỉnh di cư ngoài kế hoạch đến tập trung chủ yếu ở các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lâm, Bảo Lộc. Giai đoạn 2005 - 2019 có khoảng 2.200 hộ, 7.200 khẩu di cư đến; phần lớn đang sống trên đất quy hoạch lâm nghiệp, ven rừng và xen ghép tại các thôn bản tại các huyện Đam Rông khiến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp.

Tương tự, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng xảy ra ở các tỉnh khác trong khu vực có người dân di cư tự phát tập trung đến. Như tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, khu rừng già ngày nào đến nay đã thành nơi ở, đất sản xuất của gần 1.500 hộ với hơn 8000 nhân khẩu. 

Anh Hoàng Trung Tiến, Trưởng thôn Ea Lang, xã Cư Pui cho biết: Gia đình anh di cư vào đây vào năm 1996. Thời điểm đó khu vực này toàn là rừng già, nhưng người dân phá dần, lấn chiếm dần mà nay không còn rừng nữa. Những người vào sau phải mua lại đất hoặc đi làm thuê chứ không còn đất mà khai hoang lấn chiếm

Số liệu của ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cho thấy, diện tích rừng bị thu hẹp trong những năm qua, nguyên nhân do hậu quả của di cư tự phát là không nhỏ. Đến hết năm 2019, tổng diện tích đất có rừng của tỉnh Đắk Lắk là 514.991 ha, trong đó rừng tự nhiên là 446.222ha, giảm 11.250ha diện tích rừng tự nhiên so với năm 2018.

Đói nghèo bủa vây

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2016 - 2020, các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 11.642 hộ di cư tự phát đang sinh sống phân tán, chưa được sắp xếp ổn định vào các vùng dự án. Còn thống kê của các địa phương thì hiện nay, số hộ dân di cư tự phát có đất ở, đất sản xuất chỉ khoảng 20%, còn khoảng 80% phải đi làm thuê. Phần lớn các hộ này chưa có hộ khẩu…

Cùng với phá rừng là hàng loạt những hệ lụy kéo theo như không có hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân và đói nghèo… khiến cuộc sống càng cơ cực. 

Đơn cử, tại Đăk Nông, nhiều hộ dân dư cư tự phát vào nơi đây hàng chục năm trước, qua nhiều năm vẫn chưa có hộ khẩu tại nơi ở mới. Đó là thực tế của nhiều hộ dân sinh sống thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đăk Nông.

Năm 2016, chính quyền tỉnh Đăk Nông mới công nhận sự tồn tại của khu dân cư này và đặt tên là thôn Phú Vinh dưới sự quản lý của xã Quảng Phú. Thống kê của chính quyền địa phương, cả thôn có khoảng 350 hộ, với hơn 1.200 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Thái… từ khu vực phía Bắc di cư vào. 

Thời điểm được chính quyền địa phương công nhận toàn bộ người dân đều không có hộ khẩu. Nhiều người bị thất lạc hoặc không có giấy tờ tùy thân... đời sống khó khăn, muốn vay mượn ngân hàng làm ăn phát triển kinh tế cũng không được, vậy nên hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn vẫn chiếm đa số.

Tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đăk Nông, ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: Toàn xã có 7 thôn, đến 90% dân số là đồng bào DTTS di cư tự phát vào từ nhiều năm trước. Dù sinh sống ổn định trên địa bàn xã, nhưng tới nay nhiều người không có giấy tờ tùy thân, khiến quyền lợi cơ bản của người dân như, việc học hành của con cái, khám chữa bệnh hay các thủ tục pháp lý khác… gặp rất nhiều thiệt thòi. 

"Đói nghèo, đông con luôn đi liền với nhau. Ở đây, nhà nào cũng trung bình có 5-6 người con. Cùng với đó là tình trạng tảo hôn trong đồng bào tại các khu dân cư di cư tự phát diễn ra suốt nhiều năm qua. Dù các ban, ngành, đoàn thể và địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền nhưng để chấm dứt được tảo hôn thì rất khó..." - ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết thêm.

Tương tự, tại Đăk Lăk, huyện Krông Bông là một trong số những huyện trên địa bàn tỉnh có số lượng dân di cư tự phát đến khá đông. Từ năm 1996 đến nay, đã có hơn 2.535 hộ với hơn 16.607 khẩu là đồng bào các DTTS … di cư tự phát từ các tỉnh phía Bắc vào cư trú tại các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm. 

Trong đó, Cư Pui là địa phương có đông dân di cư tự phát nhất huyện với 1.237 hộ, 7.997 khẩu, tập trung tại 6 thôn: Ea Lang, Ea Uôl, Cư Tê, Ea Bar, Ea Rớt, Cư Rang. Cá biệt, có những thôn dù đã trải qua 20 năm định cư nhưng hiện nay vẫn còn trên 60% hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Người dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, nhiều năm liền sống trong tình trạng “5 không”, nhà cửa tạm bợ, việc giao lưu, trao đổi hàng hóa với bên ngoài rất hạn chế do cư trú trong khu vực biệt lập, giao thông bị chia cắt...

Trên thực tế, những hệ lụy do di cự tự phát đã được dự báo từ trước. Các cấp ngành, địa phương ở khu vực Tât Nguyên cũng đã có nhiều nỗ lực để ổn định cuộc sống cho những hộ đã di cư; đồng thời tìm giải pháp ngăn chặn làn sóng di cư tự phát từ các nơi khác đến. Nhưng để đạt được mục tiêu này là không hề đơn giản...

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.


 

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.