Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Quyết tâm giảm nghèo cho đồng bào DTTS ở Đồng Hỷ

Thiên An - Mỹ Dung - 13:10, 03/07/2022

Trong những năm gần đây, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS. Với nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp đã khuyến khích và tạo động lực cho đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững.


Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ trao tặng bò cho hộ dân Bản Tèn
Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ trao tặng bò cho hộ dân Bản Tèn

Hỗ trợ mô hình, giống cây trồng vật nuôi

Huyện Đồng Hỷ có trên 50% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu... Xác định công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, huyện đã ưu tiên đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết yếu như điện, đường, công trình thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng; tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi…

Minh chứng như ở Lân Quan, một trong những xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Long, với trên 130 hộ dân, gần 600 nhân khẩu, 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, chủ yếu bà con dựa vào mấy ruộng ngô trên những triền núi, dải đồi nên cái đói, cái nghèo luôn đeo đẳng. 

Từ năm 2016, thực hiện các chính sách dân tộc, Lân Quan được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết yếu như điện, đường, công trình thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng...Đặc biệt, năm 2018 bà con được tập huấn kỹ thuật trồng trọt (na, đào, cam), chăn nuôi, hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất. 

Ông Dương Văn Lầu, Bí thư Chi bộ xóm Lân Quan nhấn mạnh: “Mô hình trồng đào ăn quả rất phù hợp với thổ nhưỡng và dễ trồng nên được bà con triển khai từ năm 2018. Hiện nay, đào đã cho thu hoạch, giá bán bình quân 30.000 đồng/kg tại vườn đã giúp bà con nơi đây có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Tại vùng núi đá vôi xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn - địa bàn sinh sống của 110 hộ dân đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao, đời sống người dân cũng có nhiều thay đổi, từ vùng đặc biệt khó khăn, nay xóm Trung Sơn chỉ còn vài hộ nghèo. 

Kết quả này, cũng bắt đầu tư khi xã triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh (Đề án 2037). 

Theo đó, các hộ nơi đây được Đề án hỗ trợ trồng 3ha na dai và hướng dẫn cách chăm sóc, do đó cây phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng quả đảm bảo, thơm ngon nên giá bán luôn đạt 20.000 đồng/kg trở lên. Từ kết quả này, bà con Trung Sơn đã mở dần diện tích trồng cây na lên 38ha. Hiện nay, khi na đến mùa thu hoạch, thương lái đến mua ngay tại vườn với mức giá ổn định, hợp lý, đảm bảo nguồn thu nhập tương đối ổn định cho người dân xã Quang Sơn

Anh Dương Văn Mẫn, xóm Trung Sơn phấn khởi khoe: “Mừng lắm! Trước trồng ngô năng suất thấp mà giá rẻ, giờ nhiều người xóm tôi chuyển sang trồn na thấy giá cả, thu nhập ổn định hơn ”.

Đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các hộ

Trong những năm gần đây, thông qua các nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ như, Chương trình 135, Đề án 3027, nguồn vốn của huyện và xã hội hóa... huyện Đồng Hỷ đã triển khai được 48 mô hình kinh tế, giúp bà con DTTS trên địa bàn giảm nghèo bền vững,

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư, hỗ trợ các mô hình, các đơn vị chức năng của Đồng Hỷ thường xuyên mở các đợt kiểm tra, rà soát, đề ra phương án giúp người dân thoát nghèo; Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi. 

Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo
Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo

Tính đến hết năm 2021, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đồng Hỷ đã hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho gần 1.800 hộ nghèo, hộ nghèo DTTS và gần 2.600 hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Là một hộ nghèo của xóm Tân Thành, xã Văn Lăng, gia đình anh Hoàng Văn Nhu đã thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ nguồn vốn vay này, anh đã mạnh dạn san đồi để trồng chè lai, nuôi trâu sinh sản, kinh tế gia đình được nâng lên rõ rệt.

Đánh giá về việc triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi, ông Trương Công Hiện, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã được đầu tư đúng đối tượng, đúng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững rất hiệu quả”.

 Qua rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, Đồng Hỷ hiện còn 2.396 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,81% và 1.575 hộ cận nghèo chiếm 6,45%. Hiện nay, huyện Đồng Hỷ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.