Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch ở Đà Lạt

Minh Nhật - 12:27, 20/05/2024

Câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng của người Cơ Ho - một dân tộc sinh sống lâu đời nhất ở Tp. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa được hình thành và ra mắt tại xã Tà Nung, hứa hẹn có nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút du khách.

Đội cồng chiêng ở xã Tà Nung
Đội cồng chiêng ở xã Tà Nung

Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2024) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND Tp. Đà Lạt tổ chức Lễ ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch của dân tộc Cơ Ho ở xã Tà Nung.

Mô hình hoạt động theo hình thức câu lạc bộ với sự tham gia của 35 thành viên gồm nghệ nhân và học viên, chủ yếu là giới trẻ.

Mục đích hình thành câu lạc bộ là nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch để tạo thu nhập cho người dân địa phương.

Ra mắt CLB Văn hóa cồng chiêng xã Tà Nung
Ra mắt câu lạc bộ Văn hóa cồng chiêng xã Tà Nung

Tại lễ ra mắt, các thành viên của câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động như: Trình diễn thời trang thổ cẩm; đốt lửa trại, uống rượu cần, múa xoang, trình diễn những bài cồng chiêng truyền thống đặc sắc của người Cơ Ho… thu hút sự tham gia của nhiều du khách và người dân địa phương.

Màu chủ đạo của trang phục Cơ Ho là màu sẫm, xanh đen tượng trưng cho màu của núi rừng, xen lẫn ít màu vàng, đỏ, trắng làm họa tiết. Đàn ông Cơ Ho mặc áo chui đầu, đóng khố.

Riêng phụ nữ Cơ Ho, bên cạnh áo và váy quấn quanh thân dưới thì trang phục quan trọng là tấm ùi (tấm vải lớn) bởi tính đa năng của nó và phù hợp với phong tục tập quán: có thể che nắng khi đi nương rẫy, làm khăn choàng khi tắm suối, làm chăn đắp khi trời lạnh, dùng để địu con...

Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, Câu lạc bộ cồng chiêng Tà Nung sẽ góp phần lan tỏa các giá trị đặc trưng của cồng chiêng Tây nguyên, gắn với phát triển sản phẩm du lịch.

“Cùng với những nét riêng về ẩm thực, nghề thủ công…, cộng đồng người Cơ Ho ở Lâm Đồng giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về vẻ đẹp, chiều sâu văn hóa của dân tộc mình. Đây cũng là cách tạo sản phẩm du lịch độc đáo ở vùng đất này”, ông Hoài chia sẻ.

Sở VH-TT&DL Lâm Đồng trao tặng chiêng và trang phục cho CLB
Sở VH-TT&DL Lâm Đồng trao tặng chiêng và trang phục cho câu lạc bộ

Nhân dịp này, Sở VH-TT&DL Lâm Đồng đã trao tặng câu lạc bộ 1 bộ chiêng 6 và trang phục truyền thống của người Cơ Ho để sử dụng trong các dịp lễ hội, các buổi biểu diễn phục vụ du khách.

Trước đó, để mô hình văn hóa cồng chiêng đi vào hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, Sở VH-TT&DL Lâm Đồng đã tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ du lịch cho gần 200 học viên.

Du khách hào hứng tham gia múa xoang
Du khách hào hứng tham gia múa xoang

Nội dung tập huấn gồm hướng dẫn tìm hiểu về thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Cơ Ho; kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách tham quan và quảng bá giới thiệu văn hóa truyền thống của tộc người này.

Hiện người Cơ Ho có tỷ lệ dân số lớn nhất trong số các dân tộc tại chỗ ở Nam Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục
Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội còn nổi tiếng là vùng đất “bách nghệ” (trăm nghề). Nghề truyền thống của Hà Nội không chỉ là sinh kế mà còn là nơi lưu giữ, kiến tạo nên giá trị văn hóa Hà thành. Hiện nay, vùng đất trăm nghề được bổ sung, bồi đắp thêm bởi những nghề truyền thống độc đáo của đồng bào các DTTS.