Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Rà soát những vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi

Thúy Hồng - 13:56, 05/10/2024

Ngày 4/10, tại Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia khu vực miền Bắc, với chủ đề "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo".

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện Ủy ban Dân tộc, các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cùng các đại diện đến từ Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo báo cáo tại Hội thảo, triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận tại 40 tỉnh dự án được cấp ngân sách Trung ương và 11 tỉnh tự chủ ngân sách. Các hoat động của Dự án tập trung vào việc tuyên truyền, vận động thay đổi định kiến giới, xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, triển khai các chương trình đào tạo và trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và cộng đồng.

Các đại biểu chủ trì các phiên thảo luận
Các đại biểu chủ trì các phiên thảo luận

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ts. Trần Quang Tiến - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Hội thảo khoa học Quốc gia "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo" là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các quý vị đại biểu cùng nhau chia sẻ, trao đổi thông tin, công bố kết quả nghiên cứu khoa học và thảo luận về các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi.

“Hội thảo không chỉ góp phần tăng cường hợp tác, giao lưu giữa các nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức, mà còn là cơ hội để rà soát, xác định các vấn đề xã hội cấp thiết, từ đó đề xuất các giải pháp vận động, thu hút, hỗ trợ phụ nữ DTTS trong giai đoạn tiếp theo”, Ts. Trần Quang Tiến nhấn mạnh.

Hội thảo chia làm hai phiên. Phiên 1 tập trung thảo luận về kết quả triển khai Dự án 8 tại khu vực miền Bắc giai đoạn 2022 - 2024, những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị cho giai đoạn tiếp theo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phiên 2 tiếp tục rà soát, thảo luận về các vấn đề xã hội cấp thiết đang đặt ra đối với phụ nữ và trẻ em DTTS miền núi tại khu vực miền Bắc nhằm đưa ra các đề xuất giải pháp cụ thể và thực tiễn.

Tại Hội thảo các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ, trao đổi các giải pháp thực tế và khả thi nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Dự án 8, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và cải thiện đời sống cho phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Triệu Thị Thắm - Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn cho biết, triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG 1719 đã đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, liên tục; đối tượng được nghe tuyên truyền chủ yếu là hội viên phụ nữ; đối tượng gây ra bạo lực, xâm hại trẻ em là nam giới nhưng số nam giới được nghe tuyên truyền chiếm tỷ lệ còn thấp. Đời sống còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, bận rộn tìm kiếm kế sinh nhai, bố mẹ chưa dành được nhiều thời gian chăm sóc, giáo dục con cái và tiếp cận thông tin để nâng cao kiến thức, năng lực cho bản thân. Ở địa phương còn tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3, xâm hại tình dục trẻ em. Các mô hình được xây dựng, thành lập nhưng duy trì chưa thực sự bền vững, hiệu quả.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Còn bà Phạm Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ, cho rằng: Bên cạnh những vấn đề cấp thiết liên quan đến hủ tục, thì hiện nay, phụ nữ - trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi đang tiếp tục phát sinh những vấn đề cấp thiết mới. Đó là nhiều người mẹ trẻ để con nhỏ ở lại quê để đi làm ăn xa, khiến cho những đứa trẻ thiếu vắng sự quan tâm chăm lo hằng ngày của bố mẹ, dẫn đến bị xâm hại, bạo hành, nghỉ học sớm..., gia đình ly tán hoặc đổ vỡ hôn nhân... Những vấn đề đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, trong đó Hội Phụ nữ có vai trò nòng cốt, mới có thể khắc phục và hạn chế được.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những giải pháp để rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi, khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo như nước sạch vệ sinh môi trường, vấn đề việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, bạo lực...

Các đại biểu thảo luận tại nhóm
Các đại biểu thảo luận tại nhóm

Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Hội thảo là một phần trong chuỗi các Hội thảo quốc gia cùng chủ đề được Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại 3 khu vực: Miền Trung và Tây Nguyên, miền Nam và miền Bắc.

Hội thảo đã được nghe các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, chia sẻ, trao đổi thông tin, công bố kết quả nghiên cứu khoa học và thảo luận về các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi. Các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, rà soát, xác định các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.

"Đây là thông tin rất hữu ích để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong triển khai thực hiện Dự án 8. Từ đó đề xuất các giải pháp trong thực hiện các chính sách trong giai đoạn tiếp theo", bà Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Ngày 07/11, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh đồng loạt khai giảng nhiều khóa bồi dưỡng tiếng Khmer năm 2024, với 160 học viên là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương tham gia. Các khóa học diễn ra tại các địa bàn: huyện Giồng Giềng, TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên.