Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Răng đen - Nét đẹp của phụ nữ dân tộc Lự

Hoài Dương - 09:45, 31/08/2020

Xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu) có 561 hộ, 2.747 nhân khẩu, trong đó dân tộc Lự chiếm trên 89%. Hiện nay, đồng bào Lự nơi đây vẫn lưu giữ nhiều nét văn hoá độc đáo trong đó, ấn tượng nhất là tục nhuộm răng đen.

Phụ nữ dân tộc Lự vẫn giữ nghề se tơ dệt vải và may váy áo truyền thống
Phụ nữ dân tộc Lự vẫn giữ nghề se tơ dệt vải và may váy áo truyền thống

Chị Lò Thị Đi, cán bộ văn hoá xã Bản Hon dẫn chúng tôi đến bản Thẳm. Ấn tượng đầu tiên khi vào tới bản là chúng tôi đã được chào đón bằng những nụ cười, đầy thân thiện của chị em phụ nữ với hàm răng đen bóng như hạt nhãn. Bà Tao Thị Đi, người dân ở bản Thẳm chia sẻ, người Lự quan niệm, răng đen mới là răng đẹp, cô gái nào nhuộm răng đen mới có nhiều chàng trai để ý. Đàn ông dân tộc Lự khi tìm vợ cũng chỉ thích lấy những người phụ nữ có hàm răng đen đều tăm tắp, vì họ cho rằng, những người phụ nữ ấy sẽ là những người vợ đảm đang, chung thủy, nết na. Vì vậy, trước đây phụ nữ dân tộc Lự thường tự nhuộm răng đen để giữ nét duyên, giữ gìn phong tục truyền thống ngay từ khi lên 13 - 14 tuổi. 

Ở trong mỗi gia đình, người phụ nữ nào cũng trang bị cho mình những vật dụng cần thiết, sẵn có để nhuộm răng đen (cây ngứa). Cứ mỗi buổi tối, sau khi cơm nước xong xuôi, bên bếp lửa, họ lại mang cây ngứa ra đốt, đợi khi nhựa cây ngứa chảy ra, họ sẽ lấy khói đen ám trên cây ngứa chà lên răng để nhuộm răng thành màu đen. 

Tuy nhiên, ngày nay, tục nhuộm răng đen không được phụ nữ dân tộc Lự thực hiện từ lúc 13 - 14 tuổi như trước, mà hầu hết là đợi đến khi bước vào tuổi trung niên, từ 35 tuổi trở lên mới bắt đầu nhuộm răng đen. Chị Tao Thị Chum (37 tuổi)- con gái của bà Đi chia sẻ: Mẹ tôi luôn nhắc nhở “Nhuộm răng đen là phong tục ông bà ta để lại, mẹ muốn các con biết và gìn giữ phong tục đó. Chính lời nhắc nhở thường xuyên ấy mà chị em chúng tôi cứ đến tuổi 35 là bắt đầu nhuộm răng đen”. 

“Lần đầu nhuộm hơi cay cay, khó chịu. Nhưng cứ nhuộm 3 - 4 lần là quen dần. Giờ cứ ăn cơm xong là tôi lại vào bếp ngồi nhuộm, nhuộm xong mới đi ngủ. Mỗi lần nhuộm chừng khoảng 1 tiếng. Tôi cũng nói với con cái mình về tục lệ này để chúng biết giữ gìn phong tục truyền thống của ông bà”, chị Chum chia sẻ.

Kiến thức, kinh nghiệm về kỹ thuật nhuộm răng đen của mẹ được truyền lại cho con gái như một bí quyết riêng của mỗi gia đình.

Nói về tục lệ nhuộm răng đen, PGS.TS Trần Bình, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cho rằng: Nhuộm răng đen không chỉ là phong tục của đồng bào dân tộc Lự mà còn là một phong tục của người Việt xưa. Những ai có hàm răng đen bóng đều được cho là đẹp. Răng đen là một yếu tố của nhan sắc đàn bà con gái. Những câu ca dao cho thấy giá trị của răng đen như: “Lấy chồng cho đáng tấm chồng/ Bõ công trang điểm má hồng răng đen”...

Với phụ nữ dân tộc Lự, tục nhuộm răng đen không chỉ được coi là thẩm mỹ làm đẹp để có được một nụ cười tươi, duyên dáng mà còn là để gìn giữ nét phong tục độc đáo của người Lự xưa cho đến nay…