Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Sách về xứ đạo: Khai mở văn hóa đọc (Bài 2)

Phạm Việt Thắng - 11:00, 02/10/2022

Ra đời từ năm 2018, thư viện giáo xứ Phú Linh (xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã trở thành điểm đến thú vị và góp phần khai mở văn hóa đọc cho giới trẻ vùng nông thôn.

Phạm Huy Hoàng - Trưởng nhóm quản lý thư viện giáo xứ Phú Linh nói về lợi ích của việc đọc sách
Phạm Huy Hoàng - Trưởng nhóm quản lý thư viện giáo xứ Phú Linh nói về lợi ích của việc đọc sách

Nhà truyền thống thành thư viện

Bên cạnh nhà thờ Phú Linh rất bề thế được xây theo kiến trúc gothic, là căn nhà gỗ với lối kiến trúc của nhà Việt ở thế kỷ 19, 20. Đây là căn nhà được xây dựng để lưu giữ những giá trị truyền thống của giáo xứ Phú Linh. Năm 2018, một phần của căn nhà được sử dụng để làm thư viện. Thư viện này là một chương trình của Hội học sinh, sinh viên và các tu sĩ thuộc giáo xứ Phú Linh.

Ý tưởng xây dựng thư viện này khởi phát từ anh Lê Minh Sơn, một giáo dân của Phú Linh hiện đang theo học tại trường đào tạo linh mục của Giáo phận Vinh (Nghệ An) và chị Vũ Thị Trang, một giáo viên ở giáo xứ Phú Linh. Sau khi được linh mục quản xứ đồng ý và cùng đồng hành, thư viện ra đời bằng sự đóng góp kinh phí để mua sách của một số người hảo tâm nhằm mục đích giúp các bạn trẻ có cơ hội được tiếp cận với sách. Những sinh viên là con em của giáo xứ Phú Linh đang theo học đại học, cao đẳng ở các nơi khi biết thư viện này ra đời cũng rất hưởng ứng và cùng tiếp sức.

Quản lý thư viện, là một nhóm gồm 11 học sinh của giáo xứ Phú Linh đang học trung học phổ thông. Những thành viên này hoạt động theo nguyên tắc tình nguyện, và đó là những người yêu sách, ham đọc sách. Thành viên nào tốt nghiệp lớp 12, rời quê hương để học đại học thì thành viên kế cận sẽ thay thế.

Hiện thư viện này có trên 1.000 đầu sách với nhiều loại: văn học, kỹ năng sống, khoa học kỹ thuật, sách về giáo lý, tiếng Anh, truyện tranh.... Mùa hè, thư viện mở cửa suốt tuần, trong những tháng học sinh học văn hóa, thư viện mở cửa 2 buổi vào chiều thứ 3, thứ 5 hàng tuần, riêng Chủ nhật thì mở cửa cả ngày. Học sinh từ lớp 4 trở lên được cấp thẻ thư viện miễn phí để đọc và mượn sách về nhà đọc.

Thư viện đã thu hút nhiều em nhỏ đến đọc sách
Thư viện đã thu hút nhiều em nhỏ đến đọc sách

Ham đọc sách nhờ thư viện

Em Phạm Huy Hoàng (học sinh lớp 11), Trưởng nhóm quản lý thư viện, cho biết lợi ích của thư viện này thể hiện rất rõ, khi thư viện ra đời đã giúp giới trẻ dần hình thành thói quen đọc sách. Ở vùng nông thôn như Phú Linh, ngoài sách giáo khoa và sách tham khảo trong chương trình phổ thông, việc tiếp cận với các loại sách khác là không hề dễ.

“Em thích đọc sách từ nhỏ nhưng không có điều kiện để mua sách, khi thư viện ra đời, được tiếp cận nhiều với sách, em rất thích và trở thành đam mê đọc sách”, Hoàng nói và cho biết, tại thư viện này, sách về tiếng Anh, kỹ năng sống, kiến thức kinh doanh, khoa học, được mượn đọc nhiều nhất.

Đam mê sách, Hoàng là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc quản lý thư viện, bảo vệ sách và truyền đam mê đọc sách cho các bạn khác và các em nhỏ. Nhóm của Hoàng thường tổ chức các buổi thảo luận về những cuốn sách đã đọc, chia sẻ với các bạn về những cuốn sách hay.

Và các em được mượn sách về nhà đọc
Và các em được mượn sách về nhà đọc

Nhóm quản lý thư viện Phú Linh cũng lập trang thông tin mang tên Thư viện Phú Linh trên nền tảng facebook để kết nối, chia sẻ về sách, những giá trị của việc đọc sách. Trang này thu hút hơn 1.700 người thích, theo dõi, trong đó chủ yếu là giới trẻ của giáo xứ Phú Linh.

“Nhóm phân công các thành viên cố gắng mỗi ngày viết một bài về các chủ đề khác nhau liên quan đến sách hoặc những câu chuyện hay về giáo dục, nhằm chia sẻ và tạo hứng thú để tìm đọc sách”, nhóm trưởng thư viện Phạm Huy Hoàng, nói.

Ngoài ra, nhóm còn tổ chức các cuộc thi viết về sách, viết thư gửi Chúa Giesu Hài đồng trong dịp lễ Giáng sinh để khích lệ văn hóa đọc và viết, tạo không khí hứng khởi để đọc, viết cho học sinh.

Em Nguyễn Thùy Trang, một thành viên trong nhóm quản lý thư viện, chia sẻ sau khi tham gia nhóm quản lý thư viện, Trang ham đọc sách hơn và thấy được rất rõ lợi ích của thói quen đọc sách mang lại. Nữ sinh lớp 12 này cũng tỏ ra hơi tiếc vì đã đến và gắn bó với thư viện hơi muộn.

Đang hí hoáy bên kệ sách truyện tranh, em Nguyễn Thị Vân Anh (lớp 6) tỏ ra hí hửng khi tìm được một tập truyện Đôrêmon mà cô bé chưa đọc. Vân Anh đến thư viện này từ năm học lớp 4 và trở thành thành viên rất mê đọc sách. “Trước đây, bố mẹ cháu có mua truyện tranh cho cháu, nhưng chỉ được vài cuốn thôi. Từ khi có thư viện, cháu rất thích và tha hồ đọc”, cô bé nói.

Chị Nguyễn Thị Hương Thảo (sinh viên), một cựu thành viên quản lý thư viện Phú Linh, thú nhận, khi chưa có thư viện này, chị chưa từng đọc cuốn sách nào và không nghĩ đọc sách sẽ mang lại cho mình nhiều kiến thức có giá trị. Sau 2 năm tham gia nhóm quản lý và tiếp cận nhiều với sách, chị mới nhận ra giá trị của đọc sách và trở nên đam mê đọc. Trang đang theo học ngành truyền thông và chị nói sẽ vẫn tiếp tục đồng hành với thư viện này dù sống xa quê.

Trưởng nhóm quản lý thư viện Phú Linh Phạm Huy Hoàng cho biết, linh mục quản xứ Giuse Hoàng Thái Lân đã đồng ý sẽ mở rộng quy mô và kêu gọi những người hảo tâm đóng góp sách để tăng cường thêm nhiều đầu sách cho thư viện. “Thư viện chưa có nhiều chỗ ngồi để đọc sách, hầu hết sách được các bạn mượn đưa về nhà để đọc. Chúng em muốn được nâng cấp thêm để thư viện này tạo thành nơi hấp dẫn, thu hút thêm các bạn trẻ đến với sách”, Hoàng nói.

Tin cùng chuyên mục
Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Với việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó góp phần chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào DTTS.