Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Sách về xứ đạo: Trồng cam giỏi, viết sách hay (Bài 3)

Phạm Việt Thắng - 21:32, 03/10/2022

Tôi biết giáo dân, doanh nhân, nông dân Trịnh Xuân Giáo trồng cam giỏi đã lâu, thậm chí được ăn cam Thiên Sơn nức tiếng của anh nhiều rồi. Nhưng rất bất ngờ khi anh ra cuốn “Cuộc chiến mưu sinh” – một cuốn sách mà theo anh là thông điệp gửi đến bạn đọc, rằng đừng đánh mất niềm tin!

Giáo dân, doanh nhân, nông dân Trịnh Xuân Giáo và cuốn sách đầu tay của mình
Giáo dân, doanh nhân, nông dân Trịnh Xuân Giáo và cuốn sách đầu tay của mình

Đừng đánh mất niềm tin

“Cuộc chiến mưu sinh” là cuốn tự truyện cuộc đời giáo dân Trịnh Xuân Giáo. Như anh tự nhận “chẳng có trình độ gì” nhưng khi đã mở sách thì khó mà gấp lại, bởi cách viết tuy giản dị, mộc mạc, chân thật, nhưng từng chi tiết, thậm chí là từng “cuộc chiến”, đã có sức lôi cuốn kỳ lạ. Đặc biệt, cách bố trí các chương mục rất hấp dẫn, chẳng khác gì một bộ phim dài tập, kết thúc tập này là phải hóng tiếp tập sau.

Mở đầu là câu chuyện cậu bé Giáo, mới 12 tuổi nhưng với khát khao đi tìm cái mới, đã liều lĩnh trộm tiền của cha mẹ để vào Sài Gòn cho biết “hòn ngọc Viễn Đông” ra sao. Và trên chuyến tàu đó, lần đầu tiên trong đời được thoát ra khỏi luỹ tre của làng Bảo Nham, xã Bảo Thành (Yên Thành - Nghệ An), cậu đã dính ngay cạm bẫy cuộc đời. Phần lớn số tiền mang theo đã bị một kẻ “lịch lãm” dựng cảnh cuỗm mất.

Cuốn: Cuộc chiến mưu sinh của Trịnh Xuân Giáo
Cuốn: Cuộc chiến mưu sinh của Trịnh Xuân Giáo

Rồi gì nữa đây? 12 tuổi, Giáo dạt về Đồng Nai, đi làm thuê để có tiền bù lại số đã trộm của gia đình, thừa chút nào thì lo bút giấy cho năm học mới. 12 tuổi, cậu bé Giáo đã liều lĩnh ra giá với ông chủ để được làm khoán thay vì làm công. Một tháng trời chốn rừng thiêng nước độc, Giáo đã “thanh toán” xong cả một vùng rộng lớn những lau lách, cỏ giả; được ông chủ trả công hậu hĩnh, và tặng thêm một bộ quần áo kiểu miền Nam thời đó, mà trong giấc mơ, người thiếu niên ấy cũng không dám thèm khát. 

Nhưng, hậu quả nơi sơn lam chướng khí là căn bệnh sốt rét ác tính đã làm anh chết đi sống lại bao phen. Hình ảnh những con giun đất mà Giáo phải nuốt để chống lại sốt rét, làm người đọc ớn lạnh đến tận xương sống.

Tôi đã phải gọi cho anh khi đọc đến đoạn, thượng sỹ Trịnh Xuân Giáo tình cờ gặp lại kẻ đã lừa tiền mình trên tàu khi hắn đi cùng vợ con. Thay vì sấn sổ để “hỏi tội”, thì bộ đội Giáo lại gọi tay này ra nói chuyện riêng, tránh cho vợ con y biết về quá khứ nhơ nhớp của chồng mình. Tay lừa đảo van xin, trả lại tiền, những mấy chỉ vàng chứ có ít đâu, nhưng người lính ấy chỉ yêu cầu: Làm người cho tử tế. Quá nhân văn! Tôi chỉ có thể thốt lên như thế.

Lại bị lừa. Gia cảnh túng quẫn, anh xin đi xuất khẩu lao động. Lên máy bay mới biết, visa của mình thuộc loại đi du lịch 1 tháng ở châu Âu. Chỉ đủ tiền cho 2 đêm thuê trọ, anh cùng đường, leo lên cửa sổ, thõng hai chân ra ngoài, chỉ cần buông tay, gieo mình xuống con đường phủ đầy tuyết trắng kia là cuộc đời sẽ được kết thúc nhẹ nhàng. Nhưng, một đống nợ nần ở quê, ai gánh? Cha mẹ, vợ con sẽ thế nào đây? Đêm đầu tiên ở xứ lạ, người ki-tô hữu ấy đã chiến thắng chính mình.

Mưu sinh, một cuộc chiến đúng nghĩa với anh. Đó là những nhát chém của các băng đảng buôn lậu thuốc lá; là những lần trốn chạy, vượt biên, những đợt tù đày như cơm bữa ở Đức…

Dẫu biết con đường buôn lậu có thể đem lại cho anh nhiều tiền, nhưng rồi chính trong con người anh lại xuất hiện hai con người. Một cứ đòi hỏi anh làm tiền để mau chóng trả hết nợ, và một con người lại cản ngăn anh, rằng làm thế là tội lỗi, là vi phạm đạo đức. Một lần nữa, Chúa lại soi sáng cho anh. Giáo đã từ bỏ những cú làm ăn mà theo anh là bất hợp pháp.

Chinh phục chính mình

Từ châu Âu trở về, anh đã trở thành doanh nhân khi dám đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây nhà máy sản xuất dây điện chống cháy. “Làm ăn rất được. Nhưng khi thành công rồi thì lại thấy mình muốn cái gì đó hơn thế nữa. Có lẽ muốn quay lại làm nông dân, chú ạ” - anh Giáo cười giòn tan.

Và, đúng như anh nói, cú “quay xe” về làm nông dân của anh cũng rất tình cờ. Một lần được bạn mời về xã Minh Thành chơi, được ăn quả cam chín mọng vừa hái từ trên cây, vị ngọt, mùi thơm của cam Minh Thành đã làm anh ngất ngây. Không đắn đo, anh cùng bạn rong ruổi khắp huyện Yên Thành, tìm đất trồng cam.

20 ha đất toàn cây bạch đàn ở xã Đồng Thành mà anh quyết định mua, làm nhiều người ái ngại: Cải tạo đến bao giờ mới xong. Anh nhẹ nhõm, nói: Đừng đánh mất niềm tin! Mất ba năm cải tạo đất, những gốc cam đầu tiên mới được “cắm” rễ, và mất 3 năm nữa mới có những quả bói đầu tiên.

Đó là vào năm 2010. “Mùa đầu tiên mà quả đã sai lắm rồi, chất lượng thì khỏi phải bàn. Chưa có cuộc làm ăn nào mà tôi vui đến thế” – nông dân Trịnh Xuân Giáo nói như reo. Anh cho biết, anh chỉ trồng cam Xã Đoài, một giống cam không chỉ nức tiếng trong nước, nhưng lại đang có nguy cơ thoái hoá.

“Làm trang trại cam rất vất vả, vì cam là cây khó tính, hay bị sâu bệnh, mà mình lại trồng cam sạch theo tiêu chuẩn châu Âu nên càng vất vả hơn, phải đầu tư rất lớn. Trong lúc đó, mình có biết gì về kỹ thuật đâu. Bằng cách mời chuyên gia, không phải trả lương cao, mà phải nhường cho họ 25% cổ phần, coi như hình thức góp vốn bằng trí tuệ” - anh Giáo cho biết.

Thu hoạch cam Thiên Sơn ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành (ảnh do nhân vật cung cấp)
Thu hoạch cam Thiên Sơn ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành (ảnh do nhân vật cung cấp)

Mùa tiếp, rồi mùa tiếp nữa… năng suất liên tục tăng. “Cam trĩu cành, chín mọng, nhìn mà no” giáo dân Trịnh Xuân Giáo hồ hởi khoe. Sau khi chiếm lĩnh được thị trường trong nước, mùa rồi, cam Thiên Sơn đã xuất khẩu sang Nhật Bản. “Năm nay, nếu không trở ngại gì thì cam Thiên Sơn sẽ có mặt ở châu Âu”- nông dân Trịnh Xuân Giáo cho biết, và nói thêm rằng: “Tôi chờ ngày sang lại châu Âu, thăm lại những nơi bán thuốc lá lậu ngày xưa, để hãnh diện về cam Thiên Sơn của Nghệ An chễm chệ trên các kệ hàng siêu thị”. Anh Giáo cũng không ngần ngại nói về hiệu quả của vườn cam Thiên Sơn: Trừ tất tần tật các chi phí, tôi thu lãi ròng 11 tỷ đồng/năm.

Chưa thoả mãn với trang trại cam ở xã Đồng Thành, người nông dân ấy tiếp tục đầu tư 10 ha cam Xã Đoài ngay trên đất Xã Đoài. Bà con nông dân góp vốn bằng đất, anh Giáo đầu tư toàn bộ kinh phí, công nghệ... Chất đất ở Xã Đoài rất khác với các nơi khác, cho nên vừa rồi, anh đã quyết định thuê chuyên gia Israel sang để thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới hiện đại.

Chừng đó vẫn chưa đủ. Năm 2017, giáo dân Trịnh Xuân Giáo quyết định trồng thêm hơn 50 ha cam Xã Đoài mãi tận huyện miền núi Con Cuông. “Đây là vùng đất mà con người chưa đả động gì đến, đúng nghĩa hoang sơ. Cái giống cam, đất càng lạ thì quả càng nhiều. Năm nay cam ở Con Cuông đã cho quả bói, chưa đến mùa nhưng đã ngọt và thơm lắm rồi”, anh Giáo tâm sự.

Tôi hỏi anh, sau chừng ấy cam đã làm anh thoả mãn chưa?

Chưa! Tôi còn nung nấu ý tưởng, sản xuất trà cam túi lọc và cam bột nữa cơ. Nhưng để làm được việc đó thì phải có vùng nguyên liệu, mà chỉ ở Nghệ An không thôi là chưa đủ, phải mở rộng ra các tỉnh phía Bắc. Anh khiêm tốn: “Nhưng đó chỉ mới là ý tưởng, không biết có thành hiện thực không”.

Đến lượt tôi nói với anh, rồi cả hai anh em ôm nhau cười như vỡ cả không gian: Đừng đánh mất niền tin!

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Thăm hỏi, tặng quà đồng bào Khmer dịp Lễ Sen Dolta năm 2024

Cà Mau: Thăm hỏi, tặng quà đồng bào Khmer dịp Lễ Sen Dolta năm 2024

Nhân dịp Lễ Sen Dolta năm 2024, chiều 1/10, Đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà chúc mừng tại chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.