Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng giữa cộng đồng

Xe xứ đạo cấp cứu người đời

Phạm Việt Thắng - 08:18, 21/03/2022

Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, người bệnh cần là xe lại hú còi lên đường. Không tính đường dài ngắn, Vinh, Hà Nội, Sài Gòn, Yên Bái, Lai Châu… người bệnh yêu cầu là xe đến đúng địa chỉ. Ấy là xe cứu thương mang tên Giáo xứ Lâm Xuyên - xã Nam Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).

 Linh mục quản xứ Lâm Xuyên - Giuse Nguyễn Xuân Phương chuẩn bị lên đường vận chuyển cấp cứu bệnh nhân
Linh mục quản xứ Lâm Xuyên - Giuse Nguyễn Xuân Phương chuẩn bị lên đường vận chuyển cấp cứu bệnh nhân

Linh mục kiêm tài xế xe cấp cứu

Linh mục quản xứ Lâm Xuyên - Giuse Nguyễn Xuân Phương nhỏ nhẹ kể về ý tưởng sắm xe cứu thương, mà theo ông là đã ấp ủ từ lâu: Trong những chuyến đi làm từ thiện, tôi thấy bà con mình còn nghèo, nhất là bà con vùng dân tộc thiểu số. Đã thế, khi không may bị ốm đau nếu không được cấp cứu kịp thời thì rất nguy đến tính mạng.

Tôi trăn trở nhiều lắm. Nhưng liệu có thành công, có duy trì được không? Kinh phí thì có thể vận động, nhưng đội ngũ tình nguyện viên thì sao đây.

Đầu năm 2020, dịch Covid - 19 bắt đầu hoành hành, câu chuyện làm tôi khó ngủ nhất là hai mẹ con nhà nọ, đã được ra viện nhưng không thể về nhà, mà vẫn phải vật vờ ở TP. Vinh, vì lúc đó không có xe nào được phép lưu hành.

Tôi đem ý tưởng của mình tâm sự cùng một số giáo dân, không ngờ họ hưởng ứng tích cực vậy. Có đến 11 người đăng ký làm tình nguyện viên, vừa lái xe vừa phục vụ chăm sóc người bệnh. Thế là quyết định mua xe.

“Chuyến đầu tiên, đích thân tôi cầm lái, chở hai mẹ con người dân tộc Mông về tận huyện Kỳ Sơn. Họ là bệnh nhân, điều trị tại Bệnh viện Huyết học Nghệ An, thiếu thốn đủ bề. Chạy gần 300 km đường miền núi, mệt lắm nhưng tôi rất vui”, linh mục Phương nhớ lại ngày đầu xuất hành.

Cũng với giọng trầm ấm, nhỏ nhẹ, linh mục Nguyễn Xuân Phương chia sẻ, xe được giao cho hai người phụ trách chính, là các anh Nguyễn Đình Quảng và Nguyễn Hoàng Hà. Lúc nào các bạn ấy bận, thì tôi lại làm tài xế chở bệnh nhân. Ông nói: “Mua xe là để vận chuyển cấp cứu, anh em bận thì mình chạy, tính mạng con người là quan trọng, nỏ nề hà chi cả”.

Kiểm tra thiết bị, dụng cụ chuẩn bị cho chuyến vận chuyển mới
Kiểm tra thiết bị, dụng cụ chuẩn bị cho chuyến vận chuyển mới

- Xe cứu thương của giáo xứ, mục đích chính là vận chuyển bệnh nhân người công giáo, thưa linh mục?

- Ồ không, không. Chúng tôi không phân biệt giáo dân hay lương dân mà chỉ biết phục vụ người bệnh, nhất là người nghèo và là xe vận chuyển cấp cứu miễn phí hoàn toàn.

Để tôi kể bạn nghe chuyện này. Khi thông tin giáo xứ Lâm Xuyên sắm xe cứu thương được lan truyền, một nhóm các bạn là phật tử ở Úc, đã đăng ký tài trợ cho chúng tôi thiết bị y tế, vật dụng phục vụ người bệnh…Các bạn ấy liên lạc thường xuyên, cổ vũ, động viên chúng tôi rất nhiều. Và ngay như anh Nguyễn Hoàng Hà, tình nguyện viên tích cực nhất của chúng tôi, là lương dân ở xã Trung Thành. Hay tin giáo xứ có xe cấp cứu, anh ấy đến gặp tôi và đăng ký tham gia.

Tôi hỏi linh mục về những câu chuyện trên hành trình cấp cứu người bệnh mà ông nhớ nhất? Sau một chút suy nghĩ, ông nói, nhiều lắm, không nhớ hết được. Nhưng có chuyện này thì không thể quên: Bà Đào Thị Loan ở xã Thịnh Thành bị tai nạn giao thông, liệt hai chân. Rồi người con duy nhất của bà cũng bị tai nạn nằm liệt giường ở tận Khánh Hoà. Họ không thể có đủ 20 triệu đồng để thuê xe về quê. Nhận được tin, chúng tôi vào đón ngay.

 Trước hoàn cảnh quá bi đát như thế, chúng tôi đã kêu gọi tài trợ cho mẹ con, giúp họ vượt qua khó khăn. “Giọt nước mắt xúc động của bà Loan và của các cụ lớn tuổi ở đây làm chúng tôi thấy mình phải cố gắng hơn nữa”, linh mục Phương chùng giọng.

Người bệnh được vận chuyển nhanh chóng, phục vụ tận tình
Người bệnh được vận chuyển nhanh chóng, phục vụ tận tình

Còn sức là còn phục vụ

Giáo dân Nguyễn Đình Quảng, nguyên là Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Lâm Xuyên. Anh đã phải xin phép từ chức, để chuyên tâm với xe cứu thương. Anh tâm sự, không thể nhớ nổi mình đã vận chuyển bao nhiêu lượt người bệnh, và bao nhiêu quãng đường, chỉ biết có điện thoại là đi, bất kể giờ nào. Nhưng, anh nhớ những địa phương có nhiều người bệnh cần giúp đỡ nhất là các huyện miền núi Nghệ An, trong đó huyện Quỳ Châu nhiều nhất.

Tôi được biết, các anh đã phục vụ giữa tâm dịch Bắc Giang?

Quảng gãi đầu, nói: Đúng vậy anh. Vì chuyện đó mà tôi cứ rầy với bà xã mãi. Bữa đó tôi và Hà vừa vận chuyển một ca cấp cứu từ Yên Thành vào Vinh, thì nhận được điện thoại của một người bạn là bác sĩ ở Bắc Giang, rằng “ngoài này căng lắm, rất cần xe cứu thương”. Hai anh em chạy vội về nhà vớ mấy bộ quần áo, lừa vợ chở bệnh nhân vào Vinh tiếp. Hai ngày sau, vợ gọi điện mới dám nói thật là đang ở Bắc Giang.

Ở giữa tâm dịch lúc bấy giờ, các anh không sợ sao, tôi hỏi?

Nói không sợ thì không đúng, nhưng ra đến đó, thấy người bệnh nhiều, thấy bác sĩ làm việc cật lực, tự nhiên mình quên hết sợ hãi - anh Quảng thành thật.

Đoạn anh kể về những vụ “cấp cứu kép” mà không khỏi khâm phục các anh. Xe chở bệnh nhân vào Bệnh viện Trung ương Huế, đến Quảng Bình thì bên kia đường xảy ra một vụ tai nạn. Bệnh nhân là người chạy dịch từ Sài Gòn về Bắc nên không một xe nào dám dừng lại. Chúng tôi vòng lại, xin phép người bệnh dẹp sang một bên để chở thêm người bị nạn đi cấp cứu. Đi đến mấy bệnh viện họ mới nhận cho, vì ở đâu cũng đang tập trung điều trị Covid-19. Vào đến Huế, liên lạc với bệnh viện Quảng Trạch, mừng quá trời, anh ấy đã được cứu sống.

Một vụ tai nạn nữa ở giữa địa phận Thanh Hoá và Nghệ An. Ai cũng nghĩ người đàn ông kia đã chết. Tôi lùi xe, kiểm tra thì anh ấy vẫn đang thở. Lại phải thông cảm với bệnh nhân, chịu khó nằm sang một bên để cứu người. Khổ lắm, chở người ta vào cấp cứu, không có người nhà, thế là bệnh viện “níu” mình lại. Không sao, chúng tôi làm đầy đủ các thủ tục, kể cả ghi chép số tiền mà người đi đường giúp đỡ, được hơn 3 triệu đồng. 3 tiếng sau, người nhà bị nạn đến, chúng tôi mới được “giải phóng”. Hôm sau, liên lạc với bệnh viện, lại một niềm vui nữa, anh này cũng được cứu sống.

Đang say sưa, giọng Quảng chậm lại, cậu ấy nói trong cổ họng: Một bé gái đã không qua khỏi, mặc dù bọn tôi đã chạy nhanh nhất có thể. Xe của Quảng và Hà chở người bệnh từ Hà Nội về huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Một giờ sáng, qua ngã tư Ga Vinh thì một vụ tai nạn vừa xảy ra. Các anh dừng xe, phát hiện một bé gái đang bị kẹt cứng trong xe. Quảng nhanh chóng dùng thanh sắt cạy được cửa, đưa bé đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, chạy với tốc độ nhanh nhất. “Thương lắm, em ấy đã không qua khỏi” - Quảng thở dài.

Điện thoại của Quảng reo liên hồi. Cuộc trò chuyện của chúng tôi phải dừng lại. Một người bệnh ở xã Bắc Thành cần đi bệnh viện Hà Nội gấp. Bạn ấy vội vã chạy ra xe, cùng linh mục chuẩn bị lên đường. Chúng tôi vẫy tay chào nhau, Quảng nói qua cửa xe: Còn sức là tôi còn phục vụ bà con!

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận quan tâm chăm lo đội ngũ Người có uy tín

Ninh Thuận quan tâm chăm lo đội ngũ Người có uy tín

Lời nói luôn đi đôi với việc làm, những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận đã và đang trở thành những tấm gương sáng trong cộng đồng. Những đóng góp của Người có uy tín đã góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Đọc nhiều