Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sân trường vang vọng tiếng chiêng ngân: Đánh thức tình yêu văn hóa dân tộc (Bài 1)

Lê Hường - Ngọc Thu - 10:05, 05/04/2023

Nhiều năm nay, các tỉnh Tây Nguyên đã đẩy mạnh việc bảo tồn văn hóa thông qua hoạt động đưa văn hóa truyền thống truyền dạy cho học sinh DTTS trong các trường học. Cách làm này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên.

Hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc trong các trường học đang khơi dậy, lan tỏa tình yêu văn hóa trong học sinh. Bằng cách làm này, nhiều em học sinh trên địa bàn Tây Nguyên biết diễn tấu cồng chiêng, đánh chiêng tre, múa dân gian, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa DTTS trên vùng đất đỏ Bazan.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên chia sẻ và truyền dạy cho học sinh
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên chia sẻ và truyền dạy cho học sinh

Mời nghệ nhân về dạy cồng chiêng

Tháng 9/2022, Trường THCS Bán trú DTTS Tu Mơ Rông, xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum mời nghệ nhân A Kênh đến dạy cồng chiêng cho 12 em học sinh. Sau 4 tháng miệt mài luyện tập, các em đã biết đánh chiêng.

Già A Kênh chia sẻ: Già chứng kiến trong làng của mình người đánh chiêng dần ít đi, mà thanh niên thì không thích học. Già chỉ sợ rằng, thế hệ của mình khuất núi về với ông bà thì những vốn quý văn hóa truyền thống không ai kế tục. Khi nhà trường mời già tham gia truyền dạy đánh chiêng cho học sinh già vui mừng nhận lời ngay. “Chừng nào nhà trường còn mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho học sinh, già còn dạy để cồng chiêng còn mãi cho thế hệ mai sau”.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Trần Mạnh Thùy - Hiệu trưởng Trường THCS bán trú DTTS Tu Mơ Rông cho biết: Học sinh của trường chủ yếu là người dân tộc Xơ Đăng, nên nhà trường rất quan tâm đến việc lưu giữ nét đẹp văn hóa cồng chiêng của người Xơ Đăng. Trường đã mời nghệ nhân giỏi về truyền dạy đánh chiêng, chia sẻ về văn hóa cồng chiêng để khơi dậy tình yêu văn hóa trong mỗi học sinh. Đối với các em được học đánh chiêng, trường tổ chức để các em dạy lại cho các bạn học sinh khác. Cứ như vậy sẽ có nhiều học sinh biết đánh chiêng. Sắp tới, trường tiếp tục mở thêm các lớp truyền dạy đánh chiêng.

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học số 1 Ia Băng tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai mời 2 nghệ nhân là Alip và Anênh về truyền dạy đánh chiêng cho các em học sinh khối lớp 3; mời chị Kei ở xã Glar hướng dẫn các động tác múa tay, đánh chân theo nhịp cồng chiêng cho học sinh nữ. Sau 3 tháng truyền dạy, các bạn nam đã biết đánh những bài chiêng cơ bản, các bạn nữ đã múa nhịp nhàng theo tiếng chiêng mà không lỡ nhịp nữa.

Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Alip tự hào bảo: 'Vì các cháu còn nhỏ nên còn rất bỡ ngỡ với âm nhạc cồng chiêng. Để đánh được bài chiêng truyền thống trong lễ “Mừng lúa mới”, tôi phải giải thích ý nghĩa bài nhạc, sau đó hát đi hát lại giai điệu cho các cháu cảm nhận, nhẩm thuộc rồi mới bắt tay vào tập luyện. Trẻ con ham chơi, ít tập trung nên phải rất kiên nhẫn với chúng. Nhưng khi vào bài rồi thì các cháu rất nhanh thuộc, đôi tay khéo léo đánh không trật nhịp nào”.

Trao giấy chứng nhận cho lớp học cồng chiêng và múa xoang Trường Tiểu học số 1 xã Ia Băng, Gia Lai
Trao Giấy chứng nhận cho lớp học cồng chiêng và múa xoang của Trường Tiểu học số 1, xã Ia Băng (Gia Lai)

Ngoài dạy cồng chiêng, múa xoang để tăng sự hấp dẫn, độc đáo trong các tiết mục biểu diễn của học sinh khi tham gia các chương trình văn hóa nghệ thuật và lễ hội của buôn làng, các nghệ nhân còn hướng dẫn học sinh hóa trang bằng mặt nạ gỗ, rơm rạ và các loại cây rừng theo phong tục cổ truyền.

Cô Nguyễn Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Ia Băng chia sẻ: Với đặc thù của trường chủ yếu là học sinh DTTS Gia Rai nên truyền dạy cồng chiêng là cánh cửa giúp các em hiểu và yêu di sản văn hóa dân tộc, từ đó có ý thức bảo vệ và gìn giữ. 

Cùng với đó, để bảo đảm duy trì sĩ số lớp học cồng chiêng, Nhà trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm đưa đón các em ở các điểm trường, về trường chính để tập luyện, hỗ trợ các em bữa ăn trong các buổi tập. Đồng thời, nhà trường đề xuất mua một bộ cồng chiêng để các em tập luyện thêm, đồng thời duy trì hoạt động này trong học sinh các khối lớp.

Thắp lửa tình yêu văn hóa

Trường PTDT bán trú THCS Hai Bà Trưng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum hiện có 405 học sinh, trong đó 62 em tham gia đội cồng chiêng và múa xoang của trường. “Để nhà trường có đội chiêng như bây giờ là cả hành trình gian nan. Bởi thế hệ trẻ ở các buôn làng chẳng mấy ai mặn mà với cồng chiêng, văn hóa truyền thống. Khi đưa cồng chiêng, múa xoang vào dạy cho học sinh, Nhà trường nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương, già làng, Người có uy tín, các em dần yêu thích và tích cực tham gia”, cô Đặng Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Hai Bà Trưng trải lòng.

Đội chiêng của Trường PTDT bán trú THCS Hai Bà Trưng, Tỉnh Kon Tum tập luyện
Đội chiêng của Trường PTDT bán trú THCS Hai Bà Trưng, tỉnh Kon Tum thường xuyên tập luyện

Nhiều năm học cồng chiêng, nay em A Thao Dương, lớp 6C, là thành viên đội cồng chiêng của trường. Em A Thao Dương chia sẻ: Chiều thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần, thầy cô giáo lại vào làng nhờ già làng, nghệ nhân tập luyện cồng chiêng và múa xoang cho học sinh. Em rất tự hào khi được tự tay đánh cồng chiêng, nghe tiếng chiêng mình đánh. Đến nay, em đã thuộc được 2 bài chiêng truyền thống của dân tộc Gia Rai. Em yêu thích tiếng chiêng và muốn học thêm nhiều bài nữa để gìn giữ văn hóa của dân tộc. 

Theo cô Đặng Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Hai Bà Trưng, trong Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, ngoài dạy văn hóa, mục tiêu giáo dục là nâng cao năng lực, phẩm chất và giá trị truyền thống. Vì vậy, Nhà trường đặc biệt chú trọng phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là nét đẹp, mà đây còn là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã được UNESCO công nhận. 

Bên cạnh đó, Nhà trường còn tích cực lồng ghép, tổ chức cho học sinh trải nghiệm văn hoá truyền thống vào các buổi hoạt động ngoại khóa; tạo điều kiện để đội cồng chiêng - xoang được trình diễn trong các cuộc thi, lễ hội để các em được giao lưu, khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Theo cô Thu Thủy, hiện nay các trường có đông học sinh đồng bào DTTS đã quan tâm việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Tuy nhiên, để việc truyền dạy hiệu quả, duy trì lâu dài, các trường học cũng đang gặp một số khó khăn nhất định, nhất là dụng cụ, nhạc cụ để truyền dạy...

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.