Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Sáng mãi những trang sử vàng

Thanh Huyền - 23:14, 23/07/2020

Chiến tranh đã lùi xa, chiến trường xưa đã trở thành huyền thoại, nhưng đối với mỗi người lính, những trận chiến oai hùng để giành độc lập, tự do sẽ luôn mãi trong ký ức, trở thành động lực để bảo vệ, xây dựng cuộc sống hôm nay. Trong những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước, đang diễn ra các hoạt động gặp mặt, thăm hỏi, tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng, các gia đình thương binh, liệt sĩ. 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), là dịp cả dân tộc lại cùng nhau ôn lại và viết tiếp trang sử vàng của dân tộc…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Âm, tỉnh Quảng Nam (ngày 20/7/2020).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Âm, tỉnh Quảng Nam (ngày 20/7/2020).

Năm tháng qua đi, ký ức ở lại

Chúng tôi có dịp trò chuyện với Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Hồ Chí Minh Việt Nam, người chỉ huy, người chiến sĩ kiên trung suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong căn nhà mang đầy kỷ vật chiến trường tại Thủ đô Hà Nội của ông. Dù đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi ông kể chuyện về những năm tháng chiến tranh vẫn đầy hào sảng. Ông nói: “Điều tôi thấm thía và cảm động nhất trong những năm tháng khói lửa, hay hòa bình thì bộ đội và đồng bào các dân tộc ta luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau chiến đấu, cùng xây dựng cuộc sống”.

Theo ông Sở, Hội truyền thống Trường Sơn - Hồ Chí Minh Việt Nam hiện nay có 350.000 hội viên. Trong số đó, nhiều hội viên là thương binh, bệnh binh, bị nhiễm chất độc da cam. Hội luôn đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời chiến, giúp đỡ nhau trong cuộc sống thời bình.

Đối với ông Nguyễn Hữu Tưởng, dân tộc Tày, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), kỷ niệm chiến trường còn mãi trong ông như mới hôm qua. Ông Tưởng đi bộ đội từ năm 18 tuổi, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường. Năm 1968, tỉnh Hà Giang kết nghĩa với tỉnh Lâm Đồng, nên Hà Giang đã thành lập hai Tiểu đoàn Lâm Đồng (mỗi Tiểu đoàn khoảng 600 - 700 người, phần lớn là người DTTS) đi chiến đấu tại chiến trường miền Trung, Tây Nguyên.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những anh em, chiến sĩ của Hà Giang nhiều người nằm lại ở chiến trường. Những người trở về quê hương thì nhiều người là thương binh, bị nhiễm chất độc da cam.

“Tôi nhớ như in sự khốc liệt của mưa bom, bão đạn, nỗi đau xé lòng chứng kiến sự hy sinh đồng đội khi tuổi đời còn rất trẻ. Dù gian khổ, cận kề cái chết nhưng mỗi chiến sĩ vẫn chiến đấu hết mình vì độc lập, tự do của dân tộc”, ông Tưởng nhớ lại.

Trong cuộc sống hôm nay, ông Tưởng luôn phát huy truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, động viên con cháu học tập và làm việc tốt, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Còn nhiều lắm những người lính năm xưa đang tiếp tục vượt mọi khó khăn bảo vệ và xây dựng cuộc sống hôm nay. Như thương binh nặng Lê Hữu Trạc, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), trong chiến đấu, với chức vụ chỉ huy chiến đấu giữ đảo Cồn Cỏ, đơn vị ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách, được phong tặng Tập thể Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Về địa phương, ông tham gia làm Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Bình, ông đã có nhiều đóng góp cho quê hương bằng những hành động cụ thể, thiết thực để khẳng định những người lính “tuy tàn nhưng không phế”.

Hay như thương binh Nguyễn Văn Lộc, phường Tân An, thị xã La Gi (Bình Thuận), dù chiến tranh đã cướp đi của ông 91% khả năng lao động, nhưng ông vẫn dành phần sức khỏe còn lại để ngày đêm đi tìm hài cốt đồng đội để tri ân với những người cùng ông bảo vệ Tổ quốc. Trong nhiều năm qua, ông đã cùng đồng đội tìm kiếm hàng trăm hài cốt liệt sĩ đưa về nghĩa trang liệt sĩ yên nghỉ…

Trung tâm Điều dưỡng thương binh - ngôi nhà ấm áp của thương binh ở tỉnh Hà Nam. (Ảnh Tư liệu)
Trung tâm Điều dưỡng thương binh - ngôi nhà ấm áp của thương binh ở tỉnh Hà Nam. (Ảnh Tư liệu)

Bổn phận và trách nhiệm

Hiện, cả nước có hơn 9,2 triệu người có công được hưởng các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 138.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động.

Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu và thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Hằng năm, ngân sách Nhà nước dành hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự cố gắng vươn lên của chính mình, đến nay, trên 98% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Cần phải chăm lo tốt hơn nữa công tác thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, coi đây vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam…”.

Các hoạt động nổi bật trong dịp Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020) tại cấp Trung ương: Tổ chức dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức Gặp mặt 350 đại biểu đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020; Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công… Dự kiến vào tháng 8/2020, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Khánh thành công trình thanh niên "Số hóa Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950"

Cao Bằng: Khánh thành công trình thanh niên "Số hóa Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950"

Ngày 2/12, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, xã Đức Long (Thạch An), Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tổ chức khánh thành công trình thanh niên "Số hóa Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950".