Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhịp cầu nhân ái

Người cựu chiến binh với gần 15.000 lá thư cho thân nhân liệt sĩ

Thiên Đức - Truyền Đăng - 10:14, 16/06/2020

Sinh ra và lớn lên ở huyện Hải Hậu (Nam Định), bà Mai Thị Tuyết từng có những tháng năm tuổi trẻ xông pha ở chiến trường miền Nam. Nghỉ hưu, sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh, ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà đã thu thập và gửi gần 15.000 lá thư về cho các thân nhân gia đình liệt sĩ ở miền Bắc.

Bà Mai Thị Tuyết với cuộc sống thường ngày.
Bà Mai Thị Tuyết với cuộc sống thường ngày.

Trong một lần về lại quê hương Hải Hậu, tìm thăm những người đồng đội từng chung chiến hào, bà Tuyết mới biết, gia đình của những đồng đội đã ngã xuống vẫn chưa tìm được hài cốt. Do vậy, trong tâm bà mong muốn làm một điều gì đó giúp cho những đồng đội đã nằm xuống, cũng như thân nhân của họ được yên lòng.

Trở lại TP. Hồ Chí Minh, bà khăn gói lên đường tìm thông tin về các đồng đội đã hy sinh, rồi viết thư thông báo về cho thân nhân ở quê được biết. Hơn 10 năm qua, bà đã đến hầu hết các chiến trường và nghĩa trang ở miền Nam như: Bình Dương, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Bến Cầu, Tân Uyên, Long An, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… để thu thập thông tin về liệt sĩ. Một mặt bà ghi chép thông tin về các liệt sĩ ở các nghĩa trang, một mặt bà đi xin các danh sách, thông tin về các liệt sĩ hy sinh từ các đơn vị quân đội.

Sau rất nhiều khó khăn, vất vả, bà đã tập hợp, thống kê và ghi chép các thông tin thành tập danh sách cẩn thận. Khi có được các thông tin đầy đủ, bà bắt đầu viết thư gửi ra miền Bắc để thông báo đến từng gia đình để họ nắm được các thông tin cụ thể đầy đủ. Sau nhiều năm cần mẫn, bà đã viết gần 15.000 lá thư và gửi ra cho thân nhân của nhiều liệt sĩ ở các tỉnh phía Bắc.

Hành trình miệt mài của bà Mai Thị Tuyết đã trở thành cầu nối cho những liệt sĩ đã hy sinh với gia đình của họ. Đối với bà, hành động ấy không chỉ là cho đi mà còn là nhận lại, đó là hạnh phúc từ gia đình thân nhân liệt sĩ và cũng là hạnh phúc của chính mình.

Bà Tuyết tâm sự, có một thân nhân liệt sĩ ở Quảng Ninh đã gọi điện cho bà, khóc nức nở: “Bà ơi, lá thư của bà gửi cho con còn quý hơn vàng. Bởi vì 45 năm qua gia đình con không hề biết được tin tức của bố con hy sinh ở đâu. Nay nhờ lá thư của bà mà chúng con biết được. Con mừng lắm, cảm ơn bà thật nhiều”.

Hay như trường hợp của gia đình Thiếu tướng, GS. TS Nguyễn Quý Khoát, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, quê ở Quỳnh Côi (Thái Bình), nhờ lá thư của bà mà tìm được hài cốt của anh trai liệt sĩ. Bà Tuyết tâm sự, năm 2014, bà tìm được phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Quý Khánh, hy sinh tại Đức Hòa (Long An). Sau khi lần tìm địa chỉ của liệt sĩ Khánh, bà đã gửi thư về cho gia đình. Từ lá thư của bà Tuyết, gia đình ông Nguyễn Quý Khoát đã xác minh lại và tìm được phần mộ của anh trai sau 40 năm trời xa cách.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trường Thọ, quận Thủ Đức và cũng là người hàng xóm thân thiết với bà Tuyết nhận xét, mặc dù cuộc sống cá nhân còn nhiều khó khăn (chồng và con trai bà đã mất), nhưng trong những năm qua, cựu chiến binh Mai Thị Tuyết vẫn giữ vững tinh thần của người lính cụ Hồ. Không nản lòng trước cuộc sống bà Tuyết vẫn dành tâm huyết của mình đi tìm đồng đội. 

Tin cùng chuyên mục
Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

“Mệ chỉ mong khỏe mạnh để tiếp tục se hương bán cho khách, nối tiếp nghề cha ông; ngày ngày gặp gỡ nói chuyện với bọn trẻ, cuối tháng dư ra năm mười triệu đem vô viện tặng mấy cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo!”... Đó là tâm sự của mệ Tuyết, một người phụ nữ khắc khổ, nhưng giàu lòng nhân ái mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trên hành trình tìm kiếm những sự tử tế trong cuộc sống bon chen.