Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sáng tạo truyền thông phòng chống tác hại của rượu bia ở vùng đồng bào dân tộc miền núi Quảng Bình

Thùy Linh - 06:20, 19/04/2024

Minh Hóa là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Bình, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Cuộc sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, một trong những nguyên nhân dẫn đến kinh tế khó phát triển là do tình trạng lạm dụng rượu bia trong vùng đồng bào vẫn còn xảy ra thường xuyên. Việc uống rượu bia quá đà để lại nhiều hệ lụy. Để thay đổi nhận thức và hành vi của bà con, thời gian qua huyện Minh Hóa đã tăng cường vận động bà con hạn chế rượu bia, truyền thông Luật Phòng chống tác hại của rượu bia tới đông đảo Nhân dân.

Bà con chăm chú xem tiểu phẩm tại buổi truyền thông
Bà con chăm chú xem tiểu phẩm tại buổi truyền thông

Mới đây nhất, trong khuôn khổ sáng kiến ''Tăng cường nhận thức pháp luật về Luật phòng, chống tác hại rượu cho trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Bình” thuộc Dự án: ‘Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Quỹ sáng kiến tư pháp, Dự án CEGORN và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện Minh Hóa tổ chức ‘Đêm giao lưu văn nghệ và tìm hiểu pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia’’ tại các xã Dân Hóa, Trọng Hóa và Thượng Hóa. Khác với các lối truyền thông cũ là họp dân, phát tờ rơi, dân dễ nhàm chán và lĩnh hội kiến thức rất sơ sài, lần này Dự án có sự sáng tạo trong truyền thông, thu hút đông đảo bà con đến xem và cùng tương tác để nắm bắt những quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Tái hiện hệ lụy của rượu bia trong phần tiểu phẩm
Tái hiện hệ lụy của rượu bia trong phần tiểu phẩm

Bản Ka Ai, xã Dân Hóa là địa chỉ đầu tiên Dự án triển khai trong năm 2024, trong đêm giao lưu, bà con tập trung từ rất sớm. Tại đây còn có sự tham gia của Câu lạc bộ gia đình và pháp luật xã Dân Hóa, đây là những thành viên trong cộng đồng được Dự án đào tạo để hỗ trợ bà con các thông tin liên quan đến pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho bà con những vấn đề cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.

Tại đêm giao lưu, bà con được thưởng thức chương trình văn nghệ sôi động, với sự tham gia của các diễn viên Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện, Câu lạc bộ gia đình pháp luật xã Dân Hóa. Tiếp đó, bà con được xem tiểu phẩm truyền thông với nhan đề: Sự hối hận muộn màng, tiểu phẩm mang đến cho bà con cái nhìn cận cảnh về tác hại của rượu bia đối với gia đình, xã hội và sức khỏe. Những diễn biến của tiểu phẩm mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, dễ dàng nhận ra sự nguy hiểm của việc lạm dụng rượu bia làm cho gia đình tan nát, kinh tế kiệt quệ, tai nạn giao thông gây thương tật...


Tiểu phẩm truyền thông về tác hại của rượu bia
Tiểu phẩm truyền thông về tác hại của rượu bia

Sau phần tiểu phẩm, bà con Nhân dân cùng giao lưu với Ban Tổ chức trong phần Hỏi đáp pháp luật có thưởng, do đó được bà con hào hứng trả lời và cùng thảo luận, tìm hiểu sâu hơn những quy định của pháp luật trong 36 điều, 7 chương của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Cùng với xã Dân Hóa, trong những ngày đầu tháng 4 năm 2024, Dự án CEGORN và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện Minh Hóa tổ chức truyền thông tại bản Mò o ồ ồ, xã Thượng Hóa, bản La Trọng, xã Trọng Hóa của huyện Minh Hóa và bản Chuối, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa. Các buổi truyền thông đã thu hút gần 1.000 người đến nghe, càng về khuya lượng người đến nghe càng nhiều. Những nội dung trong buổi truyền thông luôn tạo sự hào hứng cho bà con, nhiều người còn dùng điện thoại phát trực tiếp trên nền tảng facebook để lan tỏa chương trình.

Bà con đến nghe truyền thông về tác hại cảu rượu bia
Bà con đến nghe truyền thông về tác hại cảu rượu bia

Bà Cao Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết: xã Thượng Hóa có 03 bản vùng đồng bào DTTS là Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp, gần như 100% đồng bào là người Rục, việc uống rượu xưa nay là thói quen của đồng bào, vui buồn chi cũng uống, không có tiền thì nợ quán, ngày làm được đồng nào cũng dành ra mua rượu, ai kiếm nhiều tiền hơn thì uống bia. Có nhiều người mới sáng ra đã ngửi thấy mùi rượu. Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, xã Thượng Hóa đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền. Cán bộ các hội, đoàn thể cùng với Bộ đội Đồn Biên phòng Cà Xèng đến từng bản, từng nhà gặp gỡ, phân tích cho bà con nhận thấy tác hại của rượu, bia. Giúp đỡ bà con tích cực sản xuất, cải thiện đời sống, giảm uống rượu, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Nhờ vậy mà tình trạng này đang được cải thiện, nhiều trường hợp đã từ bỏ rượu bia, trở thành tấm gương tốt cho bà con noi theo. 

Ông Châu Văn Huệ, Phó Giám đốc Dự án CEGORN cho biết: chúng tôi đã khảo sát và chọn các bản vùng đồng bào DTTS để tổ chức truyền thông, quyết tâm xây dựng các bản có tỷ lệ người dân nói không với rượu, bia chiếm trên 60%, nâng cao nhận thức để bà con không sa đà vào rượu, bia, tham gia giao thông không uống rượu, bia. Chúng tôi tập huấn và hỗ trợ để các tổ truyền thông cộng đồng của xã phát huy năng lực, hiệu quả tại thôn bản. Ngoài ra, Dự án cũng làm các biển bảng có hình ảnh về tác hại của rượu, bia đến cơ thể như các bệnh: ung thư, giảm trí nhớ, xuất huyết dạ dày....treo tại bản và các điểm công cộng như nhà văn hóa, ngã ba, ngã tư các tuyến giao thông để người dân lo sợ mỗi khi uống rượu, bia.

Với các hình thức truyền thông phong phú, đa dạng, giúp bà con hiểu được những hệ lụy của rượu bia đối với gia đình và xã hội. Tin rằng trong thời gian tới, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình sẽ không còn tình trạng bạo lực gia đình hay gây rối trật tự công cộng tại địa phương do rượu bia; sức khỏe của người dân cũng được tăng lên, bà con tập trung vào phát triển kinh tế, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cả vật chất và tinh thần.

Tin cùng chuyên mục
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ 15/5;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.