Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Say đắm điệu Sli

Thúy Hồng - 15:25, 22/01/2020

Sli (hay còn gọi là hát sloong hao) là một trong những làn điệu dân ca đặc sắc của đồng bào Nùng ở Bắc Giang. Bên chén rượu Xuân hay trong ngày lễ hội, trong lễ cưới, … những câu Sli ngọt ngào, tình tứ luôn được cất lên, hòa quyện với thanh âm của núi rừng khiến cho người nghe say đắm.

Đồng bào các dân tộc Nùng hát Sli giao duyên trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lục Ngạn
Đồng bào các dân tộc Nùng hát Sli giao duyên trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lục Ngạn

Chúng tôi đến thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn. Mới vào đến đầu thôn, bên tai đã văng vẳng những câu hát: “Nhì à Sloong hao, vằn nảy vằn đay, noọng mà liểu, khẩu slườn slặp căn slày vui lai/vằn nảy mà liểu noọng đảy khẩu slườn chảng cỏ slày vui lai- Hôm nay ngày đẹp trời, em đến nhà chơi thật là vui quá/ Hôm nay đến chơi được vào nhà nói chuyện cùng anh thật là vui”.

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Lường Văn Nhẹp, Chủ nhiệm CLB hát dân ca dân tộc Nùng, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn tâm sự: “Tôi biết hát Sli từ khi còn rất trẻ, trong những lần đi theo các anh chị trong bản đi hát hội đầu Xuân; những làn điệu dân ca của dân tộc cứ thế mà bền chặt trong đời sống sinh hoạt của người Nùng chúng tôi”.

Đồng bào dân tộc Nùng có thể hát Sli bất cứ lúc nào miễn là có người đối đáp lại
Đồng bào dân tộc Nùng có thể hát Sli bất cứ lúc nào miễn là có người đối đáp lại

Theo nghệ nhân Nhẹp, Sli theo tiếng Nùng còn có nghĩa là thi, là thơ để giãi bày, tâm sự. Người hát Sli có thể hát bất cứ lúc nào, chỗ nào với nhiều hình thức: hát đôi, hát đơn, hát nhóm... chủ yếu hát đối đáp giao duyên giữa thanh niên nam nữ, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, cuộc sống mới tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc. Về nội dung và không gian thể hiện làn điệu giống nhau, chỉ khác nhau cách gieo vần từ ngữ theo các chủ đề như tình yêu đôi lứa, hát mừng ngày Xuân đi chảy hội, năm mới chúc nhau những điều tốt đẹp... 

Giọng điệu của câu Sli uyển chuyển mềm mại, ngọt ngào như tiếng suối trong trẻo vọng về từ xa xôi, có lúc lại mạnh mẽ, dữ dội như dòng thác đổ, có lúc lại như sự tỉ tê, giãi bày… qua cách luyến láy, giọng hát, giọng bè hòa quyện đi vào lòng người nghe. Có lẽ vì thế nên hát Sli không có nhạc cụ hay điệu múa đi kèm nhưng vẫn khiến người nghe say đắm, vương vấn không thôi.

Các nghệ nhân hát Sli ở thôn Bắc Hoa đang hát giao duyên
Các nghệ nhân hát Sli ở thôn Bắc Hoa đang hát giao duyên

Theo nghệ nhân Lăng Quốc Kỳ, ở thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, trước đây, làn điệu Sli được hát quanh năm, đặc biệt vào mùa Xuân, trai gái thường rủ nhau ra chợ hát trao duyên để tìm người yêu. Cuộc hát có thể kéo dài cả ngày lẫn đêm, có khi, nhiều nhóm còn ngủ cả trong rừng, bờ suối để hát. Nhiều đôi trai gái đã thành vợ chồng sau những cuộc hát giao duyên ấy. 

Ngày nay, bà con dân tộc Nùng, xã Tân Sơn vẫn duy trì hát Sli vào các phiên chợ được tổ chức vào ngày 12 hằng tháng. Đặc sắc nhất là vào phiên chợ 12 tháng Giêng hằng năm, không gian chợ sẽ đắm chìm trong những câu Sli ngọt ngào, da diết. Trên các sườn đồi, cây cầu, bờ suối đều vang lên những âm hưởng của những câu Sli trong sắc áo chàm của những chàng trai, cô gái dân tộc Nùng.