Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sene Dolta - mùa tri ân, báo hiếu: Nhớ về cội nguồn (Bài 1)

N.Tâm – H.Diễm - 04:04, 24/09/2022

Hàng năm cứ vào ngày 29 tháng 8 đến ngày mùng 01 tháng 9 Âm lịch, trên khắp các phum sóc, các chùa trong vùng đồng bào Khmer các tỉnh Nam bộ lại nhộp nhịp không khí của lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà). Đây là thời gian bà con đã xong vụ cấy lúa mùa, mọi người thường tranh thủ đi thăm hỏi ông bà, cha mẹ, người thân. Một hoạt động không thể thiếu của đồng bào Khmer trong dịp này là lên chùa để tham gia các lễ tưởng nhớ công ơn và cầu phước cho linh hồn của các bậc sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được an lành, hạnh phúc, ấm no.


Phật tử và các vị sư đang tất bật treo cờ trong khung viên chùa chuẩn bị cho lễ Sen Dolta
Phật tử và các vị sư đang tất bật treo cờ trong khuôn viên chùa chuẩn bị cho lễ Sen Dolta

Bảo tồn trong xu hướng hội nhập 

Theo tiếng Khmer, từ “Sen” có nghĩa là cúng, còn “Dol” có nghĩa là bà, “Ta” nghĩa là ông. Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà, tổ tiên đã khuất. Dịp lễ này, trong gia đình có người đi làm ăn hay đi học xa nhà sẽ tranh thủ về sum vầy.

Lễ Sene Dolta rất trang nghiêm nên việc chuẩn bị cần phải chu đáo, với nhiều nghi lễ mang đậm nét văn hóa đặc trưng riêng của đồng bào Khmer. Tại các chùa thì treo cờ phướn, quét dọn khuôn viên, sơn phết. Đặc biệt là sơn và di tu những tháp đựng cốt…; còn các gia đình thì dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng ông bà, tổ tiên.

Theo nghi lễ truyền thống, Lễ Sen Dolta thường được tổ chức trong thời gian nửa tháng, với 4 nghi thức chính: lễ dâng cơm vắt (Bos Bai Ben), lễ cúng ông bà (Sen Dolta), lễ rước ông bà (Phchum Ben) và lễ đưa tiễn ông bà (chun Đôn Ta).Thời gian gần đây, đồng bào Khmer cũng đã có những cải tiến, chắt lọc những nét đặc trưng của dân tộc để phù hợp hơn với điều kiện thực tế nhưng vẫn giữ được những ngày lễ truyền thống của dân tộc. Theo đó, Lễ Sen Dolta được ấn định tổ chức trong 3 ngày. Năm 2022, Sen Dolta sẽ diễn ra từ 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch (ngày 24,25 và 26/9 dương lịch).

 “Thay áo mới” tại chùa Khmer Tà Mơn nhân dịp đón lễ Sen Dolta năm 2022
Chùa Khmer Tà Mơn chỉnh trang khuôn viên nhân dịp đón lễ Sen Dolta năm 2022

Hoà thượng Đào Như, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông cho biết: Cùng với chính trị, kinh tế và xã hội, thì văn hóa là một trong các trụ cột phát triển đất nước. Lễ Sen Dolta được bảo tồn qua năm tháng, trở thành thói quen trong đời sống của đồng bào Khmer, được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. 

"Khi xã hội văn minh, con người tiến bộ, chúng ta cũng phải biết sắp xếp các nghi lễ cho phù hợp để bảo tồn, nếu không thì níu kéo văn hóa trở về với quá khứ, làm cho văn hóa dân tộc khó thích nghi với thời đại mới, rồi kêu mai một không bảo tồn", Hòa thượng Đào Như nhìn nhận.

Đặc sắc nghi lễ Sen Dolta 

Trong những ngày này, khắp trong phum, sóc tràng ngập không khí của ngày lễ Sen Dolta, nhất là tại các chùa Khmer. Trong 3 ngày lễ Sen Dolta, ngoài dâng hương và mâm lễ ở nhà, mọi nghi thức quan trọng đều diễn ra tại chùa-“ngôi nhà” chung của cả phum, sóc. 

Có mặt tại điểm chùa Som Rong, phường 5, TP. Sóc Trăng. Mới 4 giờ sáng, tại đây đã nhộn nhịp, các phật tử đã có mặt để chuẩn bị cho việc dâng cơm phiên. Người người miệt mài với việc làm cắt cờ cá sấu, cờ tre để chuẩn bị trang trí các mâm bai-band (cơm vắt) rất đẹp mắt.

Nghi thức dâng cơm phiên tại chùa
Nghi thức dâng cơm phiên tại chùa

Bà Nguyễn Thị Hoàng, 68 tuổi ngụ phường 5, TP. Sóc Trăng cho biết: Mâm vật phẩm không có qui định gồm lễ vật gì, nhưng theo truyền thống, tôi chuẩn bị những món ăn mà người thân khi còn sống thích…; Đồng thời, món không thể thiếu trong ngày lễ chính là món cơm vắt, bánh tét và bánh gừng. Riêng lễ dâng cơm phiên, tôi chuẩn bị trước ở nhà, 4 giờ lên chùa, chờ các vị chư tăng đánh trống (trước 5h sáng), tôi cùng bà con phật tử bưng mâm cơm, lễ vật lên chánh điện để làm lễ dâng cơm các vị chư tăng tụng kinh, cầu siêu cho thân tộc đã khuất...”.

Cùng đi chùa dâng cơm như bà Hoàng, bà Thạch Thị Phụng, nhà ở phường 5 (TP. Sóc Trăng) chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã theo gia đình lên chùa làm lễ, còn ở nhà thì phụ làm các loại bánh. Bây giờ có gia đình riêng, tôi làm theo phong tục của gia đình, tất cả những vật phẩm dâng lên tổ tiên, phải tự tay các thành viên trong gia đình làm nên, mâm lễ vật càng chu đáo, càng thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên...”

Theo Thượng tọa Lý Minh Đức, Đại biểu Quốc hội, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Som Rong, Sen Dolta, là lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khmer mang màu sắc tín ngưỡng dân gian xen lẫn tôn giáo, chứa đựng nhiều yếu tố tích cực, không lẫn lộn một nghi lễ nào. Đặc biệt, tất cả lễ vật phải tự tay người dâng cúng làm, những nguyên liệu phải lấy tại phum sóc.

 Lễ Sene Dolta mang đậm tính nhân văn và giáo dục đạo đức sâu sắc, nhắc nhở mọi người về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; tri ân những bậc tổ tiên đã đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Lễ hội mang lại cho mỗi gia đình không khí đầm ấm, sum vầy và thắt chặt tình đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau trong phum sóc.