Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cà Mau: Chung tay bảo tồn nghệ thuật nhạc trống lớn của đồng bào Khmer

S. Vy – H.Diễm - 15:24, 19/09/2022

Trong nền âm nhạc truyền thống của dân tộc Khmer, nghệ thuật nhạc trống lớn trên vùng đất Cà Mau luôn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của đồng bào. Đây cũng là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia đầu tiên của đồng bào Khmer tại địa phương.

Các nghệ nhân biểu diễn nhạc trước khuôn viên chùa
Các nghệ nhân biểu diễn nhạc trước khuôn viên chùa

Nói đến âm nhạc của đồng bào Khmer, là phải nói đến dàn nhạc và những nhạc cụ cấu thành nên dàn nhạc đó. Nhạc cụ truyền thống của đồng bào người Khmer có rất nhiều loại và được kết cấu thành nhiều dàn nhạc khác nhau như: dàn nhạc Khmer (plêng Khmer), dàn nhạc dù kê (Plêng lakhon Bassak), dàn nhạc ro băm, dàn nhạc ngũ âm (plêng pưn pet), dàn nhạc lễ cưới (plêng ka), dàn nhạc mahôri, dàn nhạc a - reat, dàn nhạc khlon khech, dàn nhạc trống chhay dzăm, dàn nhạc trống lớn (plêng skô thum)… Tuỳ theo cuộc lễ mà người Khmer lựa chọn sử dụng dàn nhạc với các nhạc cụ khác nhau để biểu diễn.

Đồng bào Khmer Cà Mau thường sử dụng dàn nhạc trống lớn trong các nghi lễ, lễ hội lớn ở chùa như: Lễ An vị tượng Phật, lễ đắp núi cát ở đêm cuối Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ nhập hạ và ra hạ của các vị sư sãi; lễ khánh thành ngôi tháp, lễ hội  Om Bok, lễ Sene Ðôlta, lễ vào chùa tu, Pithi chol A-Reat (lễ mời thần A-Reat), Neak ta, lễ cầu an trong salatel hoặc ở ngôi chùa… Những nghi lễ, lễ hội lớn đều được sử dụng dàn nhạc trống lớn, đặc biệt là trong tang lễ.

Đồng bào Khmer Cà Mau vui mừng khi đón nhận Bằng công nhận “Nghệ thuật nhạc trống lớn của dân tộc Khmer huyện Thới Bình” Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Đồng bào Khmer Cà Mau vui mừng khi đón nhận Bằng công nhận “Nghệ thuật nhạc trống lớn của dân tộc Khmer huyện Thới Bình” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Ông Quách Việt Hùng, Người có uy tín ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỹ (Thới Bình), là người thường xuyên kiểm tra và mang trống đi tham dự những sự kiện trong phum sóc cho biết: Hiện nay, tỉnh Cà Mau chỉ có huyện Thới Bình còn lưu giữ và phát huy dàn nhạc Plêng Skô Thum, gồm khu vực chùa Rạch Giồng (chủ yếu là ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ) và chùa Cao Dân, Ấp 7, xã Tân Lộc. Dàn nhạc trống lớn gồm 15 loại nhạc cụ (skor thom, koông thom, skor đay (2 cái), t’ruô -u, t’ruô - khse bây (t’ruô Khmer, t’ruô nguôk), t’ruô – sô, chapay-chomriêng, pay puốc, pay - o, khloy, khưm, chhưng, tà khê và krap). 

 “Dàn nhạc trống lớn thường được biểu diễn trên một chiếc chiếu, được trải phía trước nhà. Trước khi diễn xướng, bắt buộc phải có một mâm lễ cúng tổ, được bố trí ở trung tâm của dàn nhạc. Chiếc trống lớn chủ đạo được bố trí ở trung tâm hoặc một góc thuận tiện để nghệ nhân trình diễn. Các nghệ nhân sử dụng các loại nhạc cụ khác được bố trí ngồi quanh chiếc chiếu”, ông Hùng mô tả quá trình thực hiện.

Còn ông Thạch Ngọc Đức, Người có uy tín ấp 7, xã Tân Lộc Bắc (Thới Bình) say mê nói về nhạc trống: Tôi năm nay tròn 80 tuổi, nếu hỏi biết nhạc trống lớn khi nào, thì chỉ nhớ là từ khi biết vỗ tay là vỗ theo tiếng trống. Nhạc trống lớn ở Cà Mau, đã tồn tại theo chiều dài lịch sử của cộng đồng đồng bào Khmer đi khai phá vùng đất mới hàng trăm năm. Tiếng trống có khi bi ai; có tiếng trống tựu trường và tiếng trống báo hiệu có sự sinh tồn trong cuộc sống. 

"Vì lẽ đó, tôi và nhiều vị cao niên khác đều có suy nghĩ phải có trách nhiệm với bản sắc văn hoá của dân tộc mình, luôn kêu gọi thế hệ trẻ, các nghệ nhân từ người chơi trống đến sản xuất trống phải cảm nhận giá trị sâu sắc mà cố gắng giữ gìn”.

Nhạc trống lớn cần được tạo nguồn là những người trẻ để giữ gìn và phát triển
Nhạc trống lớn cần được tạo nguồn là những người trẻ để giữ gìn và phát triển

Hiện nay, số lượng các nghệ nhân ở Cà Mau còn tham gia diễn tấu, hoà tấu được trong dàn nhạc trống lớn khoảng 30 người, tập trung chủ yếu ở xung quanh các điểm chùa Rạch Giồng, Cao Dân (huyện Thới Bình). 

Nghệ nhân Sơn Xà Phál (ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ), bày tỏ quyết tâm giữ gìn di sản: “Chúng tôi sẽ cố gắng truyền nghề cho các thế hệ con em dân tộc Khmer, tạo nên những lớp nghệ nhân giỏi kế thừa, và phát huy nhiều hơn nữa loại hình nghệ thuật này. Đây là di sản quốc gia chứ không phải riêng của Cà Mau, riêng của đồng dân tộc Khmer”. 

Nghệ thuật dân tộc nhạc trống lớn của đồng bào Khmer, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, là niềm tự hào khi nét văn hóa đặc trưng của đồng bào được công nhận và bảo tồn.

Ông Trần Hoàng Nhỏ, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau nhìn nhận: Việc đưa nghệ thuật nhạc trống lớn vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia để phát huy và bảo tồn đã trở thành niềm tự hào rất lớn của đồng bào Khmer. Trong đó, ghi nhận sự đóng góp tích cực của các vị Người có uy tín trong phum sóc, đã cùng các thế hệ nghệ nhân lưu truyền và gìn giữ bản sắc. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch lồng ghép các chương trình dự án, ưu tiên nguồn lực để tiếp hỗ trợ các chùa Khmer và salatel, có thêm điều kiện bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc, trong đó có di sản trống lớn này.


Tin cùng chuyên mục
Rối nước -“Hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần nơi làng quê

Rối nước -“Hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần nơi làng quê

Tiếng trống, tiếng mõ rộn rã thúc giục từng hồi, những đợt pháo thăng thiên, pháo mở cờ ngoạn mục vang lên, từng con rối bắt đầu được thổi hồn, thoát ẩn thoát hiện tài tình trên mặt nước. Dưới mái thủy đình ngói đỏ cong cong, múa rối nước chính là kho tàng lưu giữ nét văn hóa dân gian Bắc Bộ, là “hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần, của những làng quê vùng đồng bằng sông Hồng.