Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sinh kế trước mắt cho bà con vùng lũ miền Trung

Thanh Hải - 16:29, 17/11/2020

“Vườn không, chuồng trống” đang là thực tế đầy khó khăn của bà con miền Trung sau thiên tai. Ngoài việc hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, thì các địa phương cần chú trọng tạo sinh kế để bà con sớm ổn định cuộc sống, nhất là các mô hình sinh kế ‘lấy ngắn nuôi dài”.

Sinh kế trước mắt cho bà con vùng lũ miền Trung
Ông Phạm Đình Đạo, thôn Trần Phú xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã ươm hàng trăm con gia cầm để tái thiết chăn nuôi sau lũ

Gượng dậy sau lũ

Mưa, lũ lụt ở khu vực miền Trung những ngày qua, đã khiến cuộc sống người dân nơi đây vốn đã khó khăn nay càng thêm chật vật. Chỉ tính riêng tỉnh Hà Tĩnh, mưa lũ đã khiến ít nhất 550ha lúa, gần 3.000ha rau màu bị thiệt hại; gần 270 tấn hạt giống, 17.000 tấn lương thực bị ngập nước, hư hỏng; gần 10.000 con gia súc và gần 800.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi…

Nuốt nước mắt, người dân Hà Tĩnh đang gượng dậy sau lũ để tái thiết sản xuất, sớm ổn định cuộc sống. Từ nỗ lực của bản thân, hỗ trợ từ các cấp ban ngành, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi của bà con vùng lũ đã hình thành. Đặc biệt là những mô hình sản xuất, chăn nuôi theo phương thức đầu tư ít, thời gian ngắn được người dân chú trọng thực hiện.

Thăm mô hình chăn nuôi gia cầm của hộ ông Phạm Đình Đạo, thôn Trần Phú xã Thạch Trị huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), chúng tôi càng hiểu rõ hơn điều đó. Ông Đạo cho biết: “Đầu tư chăn nuôi, sản xuất lớn thì chưa làm được, bởi mưa bão chưa qua, thêm nữa, còn đâu vốn liếng để đầu tư. Chúng tôi đang thực hiện chăn nuôi sản xuất theo hướng lựa chọn những cây con cho vòng đời ngắn, suất đầu tư ít”.

“Bộ NN&PTNT đang tổng hợp báo cáo Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho đồng báo miền Trung sớm ổn định cuộc sống”. (Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT)

Ông Đạo chỉ vào đàn gia cầm được ông mua về ươm dưới ánh điện đã mấy ngày. Theo ông Đạo, từ nay đến tết Nguyên Đán chừng hơn 2 tháng để việc nuôi gia cầm sớm có thu nhập là cách hay nhất.

Ngoài những hộ chăn nuôi như ông Đạo, bà con vùng Thạch Hà cũng đã bắt tay vào sản xuất với những giống cây ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch. Bà con nơi đây nhẩm tính: “Dự kiến những lứa cây trồng xuống giống từ hôm nay sẽ cho thu hoạch trước tết Nguyên Đán sẽ cho thu nhập nhanh”.

Hà Tĩnh là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Nay, công tác chỉ đạo khôi phục sản xuất, tái thiết cuộc sống đang được các cấp chính quyền nơi đây chỉ đạo quyết liệt. Ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ: “Khôi phục sản xuất sau lũ đang là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay. Người dân không lo thiếu đói nhưng không thể cứ sống mãi theo nguồn hàng cứu trợ. Vì vậy, việc hướng dẫn, tổ chức lại sản xuất để ổn định bền vững cuộc sống là rất quan trọng”.

Chung tay cùng bà con vùng lũ

Thị sát việc khôi phục sản xuất vùng lũ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến khẳng định: “Trước mắt, cần đặc biệt nhanh chóng khôi phục chăn nuôi gia cầm, vì chu kỳ sản xuất ngắn có thể tạo sản phẩm trước Tết Nguyên Đán cho bà con. Qua đó, giúp bà con có thêm thu nhập và tạo sinh kế cho những cho kì sau”.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng lưu ý: Để đẩy mạnh việc chăn nuôi sau lũ lụt, các địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh… Bộ cũng sẽ chỉ đạo các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trồng vùng nuôi, đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh thiệt hại”.

Sinh kế trước mắt cho bà con vùng lũ miền Trung 1
Bà Lesley Miller, phó trưởng đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam tham dự cuộc làm việc bàn về biện pháp tái thiết sản xuất sau lũ ở Hà Tĩnh

Sớm xoa dịu nỗi đau do mưa lũ, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và cả xã hội trong việc phòng, chống, ứng phó và cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt; Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy, khôi phục sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho đồng bào miền Trung sớm ổn định cuộc sống.

Để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống; cùng với đó là 560.000 liều vắc xin, 140.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng triển khai các phương án, kế hoạch hỗ trợ người dân, kêu gọi các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ trong nước chung sức hỗ trợ tạo sinh kế phù hợp; hỗ trợ cây trồng vật nuôi, vật dụng thiết yếu sớm ổn định sản xuất và cuộc sống, khôi phục nền kinh tế cho người dân khu vực miền Trung.

Theo thống kê đến ngày 10/11, Bộ NN&PTNT đã huy động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân cho người dân 5 tỉnh miền Trung hàng ngàn tấn giống cây trồng, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi và hàng ngàn con vật nuôi… với giá trị hỗ trợ gần 150 tỷ đồng.

Hiện tại, gần 1,1 triệu con gà giống, 17.000 con vịt giống, 2.000 con ngan giống; 300 tấn thức ăn, 300 triệu đồng thuốc thú y, 85.000 lít và 120 tấn hóa chất khử trùng, 2,312 triệu liều vắc xin và 23 lớp tập huấn, 26 triệu con tôm giống và 70 tấn thức ăn, 13 tấn hạt giống; 20 tấn gạo và 200 triệu đồng… đã và đang được chuyển đến tay người nông dân các tỉnh miền Trung. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế như ADB, JICA, AHA, UNDP… cũng đã ủng hộ, hỗ trợ khoảng 237 tỷ đồng để người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống.