Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sóc Trăng dừng tổ chức Lễ hội Oóc Om Bok truyền thống dân tộc Khmer năm 2021: Đồng lòng chống dịch - Lễ hội vẫn thiêng liêng trong tâm thức người dân

N.Tâm - H.Diễm - 18:12, 21/11/2021

Oóc Om Bok còn gọi là Lễ hội Cúng trăng, hay Lễ Đút cốm dẹp của đồng bào Khmer Nam bộ. Lễ hội Oóc Om Bok - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer năm 2021 được diễn ra trong 2 ngày 19 - 20/11. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng. Sôi nổi nhất phải kể đến là Hội Đua ghe Ngo, thu hút nhiều đội ghe trong và ngoài tỉnh tham dự.

Hình ảnh đua ghe ngo trong mùa giải năm 2020
Hình ảnh đua ghe ngo trong mùa giải năm 2020

Lễ Oóc Om Bok truyền thống dân tộc Khmer không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạ ơn thiên nhiên ưu đãi một mùa vụ “mưa thuận gió hòa”, no cơm ấm áo, mà còn là dịp cho đồng bào các phum sóc cùng nhau giao lưu, hội ngộ sau những tháng lao động cực nhọc “dãi nắng dầm sương” trên đồng ruộng.

Nếu Oóc Om Bok là tạ ơn thần mặt trăng, thì Hội Đua ghe ngo trong ngày Lễ Oóc Om Bok là để “đưa tiễn và tạ ơn thần nước” đã ưu đãi cho những mùa vụ bội thu. Song song đó, đua ghe Ngo được duy trì nhờ tính đại chúng, cuốn hút của môn thể thao dân tộc đầy tính hấp dẫn và thể hiện sự đoàn kết thông qua gần 100 thành viên trong đội đua. 

Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, dù mùa vui năm nay không trọn vẹn, nhưng ai cũng cảm thấy an ủi phần nào về sự quan tâm của chính quyền địa phương để nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer không bị gián đoạn.

Anh Thạch Giỏi - xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ, Oóc Om Bok là lễ hội truyền thống của dân tộc tôi, mọi năm được làm rất lớn và đông vui, nhưng được mong chờ nhất phải là phần thi Đua ghe Ngo. “Hằng năm dù có bận rộn việc gì tôi cũng dành thời gian để đi xem. Năm nay do tình hình dịch bệnh, tỉnh không tổ chức được, tôi cũng tiếc lắm, nhưng biết làm sao được! May là còn có các chương trình trên tivi để xem lại cho đỡ nhớ”, anh Giỏi tiếc nuối.

Từ đầu năm đến nay, không chỉ riêng Lễ hội Oóc Om Bok - Đua ghe Ngo mà hầu hết các lễ hội, lễ nghi phong tục truyền thống của bà con đồng bào Khmer điều tạm gác, hoặc thu nhỏ quy mô cho mục đích cao nhất là chống dịch và bảo đảm an toàn tính mạng của người dân là trên hết.

Đồng bào Khmer thực hiện nghi lễ cúng trăng tại nhà
Đồng bào Khmer thực hiện nghi lễ cúng trăng tại nhà

Với ý thức “Chống dịch như chống giặc”, đồng bào Khmer đã đồng thuận ủng hộ các phương án địa phương đưa ra, cùng đoàn kết để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Ông Thạch Thanh Tùng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Nhận định tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn còn phức tạp, việc tổ chức lễ hội tập trung đông người sẽ làm nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, nên Ban đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh dừng tổ chức Lễ hội Oóc Om Bok - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2021 và vận động đồng bào thực hiện nghi lễ cúng trăng tại nhà”.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh biên tập, dàn dựng lại các trận đấu của từng giải đua ghe Ngo trong những năm trước và Lễ Cúng Trăng phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phục vụ Nhân dân.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Năm 2022, nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, mọi hoạt động được trở lại bình thường, tỉnh sẽ đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bok - Đua ghe Ngo lần thứ V, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Hiện tại dịch bệnh đang phức tạp, chúng tôi kêu gọi các vị sư sãi cùng đồng bào Khmer trong tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực hưởng ứng và ủng hộ chủ trương của tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tuân thủ khuyến cáo 5K... chung tay thiết lập “triệu lá chắn an toàn" bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần sớm chiến thắng đại dịch Covid-19, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi người dân.

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.