Tham dự có bà Nguyễn Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch); đại diện Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành trong tỉnh… các nghệ nhân đến từ 12 tỉnh, thành phía Nam (Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tây Ninh, Bình Phước, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh).
Gian hàng trưng bày của các đơn vị đã thể hiện được nét đặc trưng trong sinh hoạt, đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ. Cụ thể là về trang phục lễ hội, mỗi vùng đều có điểm riêng biệt, đồng bào Khmer khi nhìn vào sẽ phân biệt được nơi sinh sống; tái hiện bằng mô hình kiến trúc chùa Phật giáo Nam tông; các loại nhạc cụ truyền thống.
Điều tạo sự thích thú đối với du khách là tham gia quết (giã) cốm dẹp, tận hưởng những hạt cốm dẹp thơm lừng được chế biến từ những hạt nếp mới, trộn với cơm dừa. Đây là đặc sản của người Khmer Nam Bộ trong mùa đưa nước, chuẩn bị cho vụ mùa mới. Để làm cốm dẹp, các nghệ nhân đã chọn từ những loại nếp thơm có từ lâu đời, cây lúa nếp mọc dài vươn trên dòng nước nổi để chế biến, tạo thêm sự phong phú trong nền ẩm thực của đồng bào Khmer.
Theo ông Lâm Tấn Hòa - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, hoạt động trưng bày, quảng bá các loại hình văn hóa truyền thống góp phần tạo sự hấp dẫn, đối với du khách; quảng bá, thức đẩy phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng, miền, gắn với việc thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và người Khmer Nam Bộ nói riêng, làm cơ sở thắt chặt mối đoàn kết, gắn bó, chung sức, chung lòng xây dựng và phát triển quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.