Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sơn Dương (Tuyên Quang): Nỗ lực nâng cao đời sống đồng bào DTTS từ các Chương trình mục tiêu quốc gia

Việt Hà - 20:39, 14/12/2024

Huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), là nơi sinh sống của 19 DTTS, với đặc trưng văn hóa phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, điều kiện sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và thu nhập. Trước thực trạng này, các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai và phát huy hiệu quả, mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Người dân xã Đại Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) trong trang phục dân tộc Cao Lan truyền thống
Người dân xã Đại Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) trong trang phục dân tộc Cao Lan truyền thống

Quyết tâm cao

Với mục tiêu phát triển bền vững, huyện Sơn Dương đã quyết liệt triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt, đồng thời huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến xã. UBND huyện phối hợp với Phòng Dân tộc tiến hành rà soát kỹ các nội dung, xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình một cách cụ thể, đảm bảo tính khả thi cao. Việc nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Trung ương và UBND tỉnh giúp Sơn Dương kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với từng xã, từ đó đạt được hiệu quả cao trong việc triển khai các Chương trình MTQG.

Với sự chỉ đạo sát sao, Sơn Dương hiện đang là huyện dẫn đầu của tỉnh trong việc thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG, đặc biệt trong việc phát triển nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Sơn Dương đạt được thành công trong triển khai các chương trình là công tác tuyên truyền, vận động người dân. Phòng Dân tộc huyện đã chủ động sử dụng nhiều kênh truyền thông, như: Băng rôn, biểu ngữ, truyền hình, phát thanh, báo điện tử và mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube), để đưa thông tin đến với người dân. Ngoài ra, các buổi hội thảo, tọa đàm cũng được tổ chức để nâng cao nhận thức của người dân về các mô hình phát triển kinh tế, học nghề, tìm kiếm việc làm.

Bà Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Dương, cho biết: “Công tác truyền thông không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn thúc đẩy sự thay đổi thực sự trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, để mỗi gia đình có cơ hội phát triển và vươn lên."

Hiệu quả lớn

Một trong những địa phương tiêu biểu cho thành công trong thực hiện các Chương trình MTQG là xã Thiện Kế. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Đảng ủy và UBND xã, cùng sự đồng lòng của người dân, xã Thiện Kế đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020. Trong 10 năm qua, xã đã huy động hơn 210 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp hơn 77 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh từ 29,76% năm 2011 xuống còn 4,63% vào năm 2020, thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

Ông Trương Viết Hùng, Bí thư xã Thiện Kế, chia sẻ: “Nhờ các Chương trình MTQG, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Người dân phấn khởi và tin tưởng vào các chủ trương của Đảng và Nhà nước.”

Phụ nữ xã Thiện Kế (Sơn Dương) vệ sinh đường làng ngõ xóm
Phụ nữ xã Thiện Kế (Sơn Dương) vệ sinh đường làng ngõ xóm

Sự thay đổi rõ rệt về cơ sở hạ tầng, với hệ thống đường liên thôn được bê tông hóa, cùng các nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng, đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của Thiện Kế. Người dân không chỉ cải thiện đời sống vật chất mà còn có thêm không gian sinh hoạt, vui chơi thể thao, và biểu diễn văn hóa nghệ thuật.

Bên cạnh công tác xây dựng nông thôn mới, huyện Sơn Dương cũng đặc biệt chú trọng đến công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế. Các Chương trình MTQG đã giúp người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội, tăng cường khả năng sản xuất và cải thiện thu nhập. Tại xã Thiện Kế, tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm mới đạt 95%, trong đó lao động tại tỉnh và các khu công nghiệp chiếm 91%, và xuất khẩu lao động đạt 100% chỉ tiêu.

Phó Chủ tịch xã Thiện Kế, bà Phan Thị Bình, cho biết: “Chúng tôi luôn coi công tác thông tin, tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, giúp người dân nhận thức được các cơ hội phát triển kinh tế, cải thiện đời sống."

Với quyết tâm và các giải pháp cụ thể, huyện Sơn Dương đang tiến đến mục tiêu trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025. Các Chương trình MTQG sẽ tiếp tục là động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, và nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS.

Sơn Dương đang từng bước khẳng định vai trò là một trong những địa phương tiêu biểu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, và thịnh vượng.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La: Tập trung đầu tư phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Sơn La: Tập trung đầu tư phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Sơn La là địa bàn cư trú tập trung chủ yếu của đồng bào La Ha, một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Sơn La đã và đang tập trung thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc La Ha sinh sống. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, xung quanh nội dung này.
Đọc nhiều