Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sơn La: Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Minh Thu - 08:33, 29/11/2022

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn Sơn La đã có bước phát triển đáng kể. Các HTX nông nghiệp đã chủ động trong xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Liên kết sản xuất để đưa nông sản Sông Mã tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Liên kết sản xuất để đưa nông sản Sông Mã tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Kinh tế HTX tạo bước chuyển mạnh mẽ

Đầu năm 2022, HTX nông nghiệp hữu cơ Organic, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu được thành lập hướng đến mục tiêu kết nối các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng tới xây dựng thương hiệu nông sản sạch.

Theo ông Đinh Xuân Hoài, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Organic chia sẻ, nếu có đầu ra, sản xuất bảo đảm chất lượng thì nghề trồng rau sẽ mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên HTX, với mức thu bình quân từ 500-600 triệu đồng/ha/năm. Hiện, đã có không ít hộ gia đình có kinh tế khá giả nhờ trồng rau sạch.

“Đặc biệt, khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ tạo ra các sản phẩm sạch và giảm chi phí sản xuất, giảm bệnh tật cho người sản xuất và người tiêu dùng. Sản phẩm này đang được thị trường ưa chuộng, vì vậy sẽ tạo ra giá trị kinh tế cao, giúp các hộ thành viên và hộ liên kết nâng cao thu nhập, làm giàu bền vững”, ông Đinh Xuân Hoài cho biết.

Ở xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, nhờ biết khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, HTX nông nghiệp Dũng Tiến, một trong những đơn vị tiên phong trong trồng các loại rau màu trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh... đã góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Ông Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Dũng cho biết: HTX hiện có 18 thành viên, với 4ha trồng cây ăn quả, hơn 10ha rau trái vụ và cung cấp cây giống cho người dân. Nhờ chủ động tìm hiểu kỹ thuật, huy động các nguồn lực và được Dự án GREAT hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới thông minh, kho lạnh, xe lạnh để bảo quản và vận chuyển nông sản, thu nhập bình quân 1ha của HTX đạt từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

HTX trên địa bàn huyện Thuận Châu ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện phát triển.
HTX trên địa bàn huyện Thuận Châu ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện phát triển.

Xác định kinh tế tập thể (KTTT), HTX có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, huyện Mộc Châu luôn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ thành lập, phát triển HTX nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến nay, trên địa bàn huyện có 101 HTX nông nghiệp, tổng vốn điều lệ gần 170 tỷ đồng, với hơn 1.000 thành viên, tạo việc làm cho 1.224 lao động thường xuyên, trên 1.500 lao động theo mùa vụ.

Các lĩnh vực ngành nghề chủ yếu, như: Sản xuất, kinh doanh rau, củ, cây ăn quả; sản xuất, chế biến, kinh doanh chè; nuôi trồng nấm; kinh doanh, dịch vụ vật tư nông nghiệp; nuôi cá lồng; trồng cây dược liệu; trồng, kinh doanh hoa các loại; sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông lâm nghiệp. Trong đó có 40 HTX hoạt động theo chuỗi giá trị; 32 HTX lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm công nghệ Israael với tổng diện tích hơn 140 ha; 11 HTX tổ chức trồng rau, hoa, quả trong nhà lưới; 38 HTX áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP đã được cấp giấy chứng nhận, với tổng diện tích hơn 490 ha.

Góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Tỉnh Sơn La hiện có hơn 800 HTX đang hoạt động, trong đó trên 660 HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp; doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 9.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/lao động/năm. Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã triển khai 32 lớp tập huấn cho thành viên các HTX áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; thẩm định, giải ngân cho 11 HTX với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng. Hỗ trợ vốn Chương trình giải quyết việc làm cho 3 HTX vay với số tiền 440 triệu đồng.

Theo đánh giá, KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu. Từ đó, đưa khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La được nâng lên trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, tập trung và xây dựng thương hiệu hình ảnh nông sản Sơn La.

Phát triển trồng rau theo hướng hàng hóa với sự dẫn dắt của HTX đang giúp người dân Mộc Châu nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Phát triển trồng rau theo hướng hàng hóa với sự dẫn dắt của HTX đang giúp người dân Mộc Châu nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Trong nỗ lực đồng hành với KTTT, HTX, chính quyền các cấp trong tỉnh Sơn La luôn quan tâm tới việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý HTX và thực hiện các chính sách hỗ trợ các HTX theo các chương trình, chính sách của tỉnh đã ban hành. Cụ thể như: đã tổ chức được 49 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, với 2.684 lượt người tham gia, tổng kinh phí 6.273,588 triệu đồng và 5 lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật và thành viên HTX nông nghiệp với 184 lượt người tham gia; triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021, đã hỗ trợ được 90 HTX với tổng số tiền: 7.958,6 triệu đồng; chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ theo Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 của UBND tỉnh, đã triển khai thực hiện thí điểm có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho sản xuất 11 sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn các huyện, thành phố cho khoảng hơn 83 HTX; Chính sách hỗ trợ đầu tư dây chuyền sơ chế, đóng gói sản phẩm quả để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cho 3 HTX được hỗ trợ theo quy định với tổng số tiền là 1.500 triệu đồng,...

Phát huy vai trò KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La phấn đấu, nâng tỷ lệ HTX đạt tiêu chuẩn khá, giỏi từ 35% trở lên, giảm số HTX yếu kém xuống dưới 10%, số HTX làm ăn ổn định và có lãi từ 85-90%; thu nhập của cán bộ quản lý, thành viên tăng 15%/năm, doanh thu bình quân của HTX 2,6 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của một thành viên HTX 60 triệu đồng/năm. Phấn đấu thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, lợi nhuận... hàng năm tăng từ 10-15% trở lên, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh -Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Sơn La cho biết: Từ này đến cuối năm 2022, Liên minh HTX tỉnh Sơn La cần chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tập trung tuyên truyền, phát triển các mô hình KTTT. Trong đó, chú trọng xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX; thành lập mới HTX đạt tiêu chuẩn ở những địa bàn có điều kiện, nhất là phát triển nông nghiệp- thủy sản ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt khuyến khích các HTX xây dựng về nông thôn; t

Đồng thời, thu hồi giấy phép của một số HTX hoạt động không đúng Luật, gây ảnh hưởng chung đến tình hình phát triển KTTT hiện nay. Các địa phương cần xem nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Cần đưa vào nghị quyết, chương trình công tác hàng quy, hàng năm để tổ chức triển khai, thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Tin cùng chuyên mục
Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Từ ngàn xưa, cây sâm Ngọc Linh được đồng bào Xơ Đăng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam rất trân quý, gọi là cây “thuốc giấu”, và xem đó là món quà do Giàng (Trời) ban để bồi bổ sức khoẻ cũng như chữa bệnh. Ngày nay đã thành thông lệ, mỗi tháng một lần, những phiên chợ sâm Ngọc Linh “độc nhất vô nhị” đã thu hút các đại gia từ mọi miền đất nước đổ về tìm mua sâm. Đây cũng là dịp để những “tỷ phú xứ núi” gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng cây “thuốc giấu”.