Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sơn La: Nâng cao tính chủ động của người dân tham gia thực hiện Chương trình 1719

Vương Minh - 04:42, 24/11/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định 1719-QĐ/TTg (Chương trình MTQG 1719) là chương trình mới, với rất nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ. Vì vậy, trong quá trình triển khai, tỉnh Sơn La đã chú trọng công tác tuyên truyền để cán bộ và các tầng lớp Nhân dân hiểu, nắm bắt đầy đủ chủ trương cũng như cơ chế của Chương trình, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện.

Nhà văn hóa bản Khá, xã Sặp Vặt (huyện Yên Châu) được đầu tư từ Chương trình 1719.
Nhà văn hóa bản Khá, xã Sặp Vặt (huyện Yên Châu) được đầu tư từ Chương trình 1719.

Người dân chủ động tham gia để phát huy lợi thế

Theo Báo cáo số 300/BC-BDT ngày 17/10/2023 của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, trong 10 tháng năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn toàn tỉnh ổn định, các chính sách an sinh, xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đồng bào các dân tộc tích cực, hăng hái lao động sản xuất, đóng góp vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Trong đó, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương và nỗ lực của người dân, việc thực hiện Chương trình 1719 đã đạt được những kết quả tích cực. Các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình 1719 đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành kế hoạch năm. Trong quá trình triển khai, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động tham gia, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để gia tăng hiệu quả chính sách.

Cầu bản Khá, xã Sặp Vặt (huyện Yên Châu) được đầu tư, đưa vào sử dụng đầu năm 2023.
Cầu bản Khá, xã Sặp Vặt (huyện Yên Châu) được đầu tư, đưa vào sử dụng đầu năm 2023.

Đơn cử như huyện Sốp Cộp, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, địa phương này có lợi thế để đưa dược liệu thành “cây làm giàu”. Tuy nhiên, các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện hiện vẫn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng phục vụ chuyên canh cây dược liệu chưa đáp ứng nhu cầu… Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp cho thấy, trên địa bàn huyện hiện mới có khoảng 60 ha cây quế, 16 ha cây sa nhân, 20 ha gừng, 4 ha hà thủ ô, cát sâm, khôi nhung, đẳng sâm; trong khi tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 147.000 ha.

Theo ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, triển khai Chương trình 1719, cũng như các chương trình, dự án khác, huyện Sốp Cộp đã quy hoạch, phát triển nông nghiệp phù hợp từng vùng theo hướng tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm thế mạnh. Đối với tiềm năng cây dược liệu, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây dược liệu, hoặc trồng xen vào diện tích cây ăn quả chưa cho thu hoạch. Đồng thời, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện đã hỗ trợ hơn 34,1 tỷ đồng khoán bảo vệ rừng đặc rụng, rừng phòng hộ; bố trí gần 13 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh...

Từ nguồn lực Chương trình 1719, tỉnh Sơn La đang chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để phát triển. (Ảnh minh họa)
Từ nguồn lực Chương trình 1719, tỉnh Sơn La đang chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để phát triển. (Ảnh minh họa)

Một trong những “kênh” tuyên truyền hiệu quả của huyện Sốp Cộp là phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Theo ông Quàng Văn Pọm, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sốp Cộp, giai đoạn 2023 – 2027, toàn huyện có 101 Người có uy tín được công nhận, trong đó có 74 đảng viên. Để Người có uy tín được cập nhật chính sách mới, hằng năm huyện thường tổ chức từ 3 - 4 hội nghị tập huấn cung cấp thông tin; đồng thời tổ chức cho Người uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế, giúp họ có thêm kiến thức, kinh nghiệm để tuyên truyền, vận động Nhân dân ở cơ sở.

Tuyên truyền đi trước một bước

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Sơn La, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi (Tiểu dự án 1 – Dự án 4) là một trong những hoạt động có nguồn vốn thực hiện lớn. Theo Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong năm 2023, vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình 1719 được bố trí để Sơn La triển khai các dự án là 780,45 tỷ đồng.

Với quan điểm đầu tư có trọng điểm, các dự án từ nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình MTQG 1719 đã được tỉnh lựa chọn kỹ lưỡng, tập trung ở các xã khu vực III, thôn bản đặc biệt khó khăn nhưng có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Để các tầng lớp Nhân dân đồng thuận với chủ trương, từ đó huy động nguồn lực đóng góp của người dân, công tác tuyên truyền được các cấp ngành liên quan chú trọng thực hiện.

Diện mao nông thôn miền núi tỉnh Sơn La hôm nay. (Trong ảnh: một góc bản Hùn, xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La)
Diện mạo nông thôn miền núi tỉnh Sơn La hôm nay. (Trong ảnh: một góc bản Hùn, xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La)

Bản Khá, xã Sặp Vạt (huyện Yên Châu) là nơi sinh sống của 92 hộ, với 425 nhân khẩu (99% là đồng bào dân tộc Thái). Ở bản Khá, khoảng 90% hộ dân trong bản vẫn giữ được nếp nhà sàn cổ và những nét văn hóa đặc trưng độc đáo, như: Lễ hội Đông sửa, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; duy trì các nghề thủ công truyền thống dệt vải, thêu khăn piêu, nghề đan lát các vật dụng sinh hoạt hằng ngày… Với lợi thế, Bản Khá được huyện Yên Châu lựa chọn xây dựng trở thành bản du lịch cộng đồng.

Để khai thác tiềm năng của bản Khá, cuối năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình 1719, huyện Yên Châu đã đầu tư công trình Nhà văn hóa bản Khá. Công trình có tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 90 triệu đồng, được khánh thành tháng 6/2023. Cùng với Nhà văn hóa thì huyện Yên Châu còn đầu tư cầu bản Khá, được bàn giao đưa vào sử dụng đầu năm 2023. Đây là những công trình hạ tầng cần thiết để xã Sặp Vạt đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023.

Cùng với bản Khá, ở các thôn bản đặc biệt khó khăn, xã vùng III khác trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang được đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất từ nguồn vốn Chương trình 1719. Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho thấy, trong 10 tháng năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND - UBND tỉnh, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, việc triển khai thực hiện các dự án thành phần của Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước thực hiện được mục tiêu của Chương trình đề ra.

Nhờ chú trọng tuyên truyền nên đã tạo đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai các chương trình, dự án. (Ảnh minh họa)
Nhờ chú trọng tuyên truyền nên đã tạo đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai các chương trình, dự án. (Ảnh minh họa)

Theo Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, tỉnh xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp có ý nghĩa then chốt. Đối với Chương trình 1719, sau khi Thủ tướng phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, trong Kế hoạch số 45/KH-BDT ngày 9/3/2022 về tuyên truyền công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La, Ban Dân tộc đã chú trọng tuyên truyền nội dung các chính sách thuộc Chương trình cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc chuyên trách và không chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở cũng như đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng bản và đồng bào vùng DTTS của tỉnh. 

Nhờ đó, trong quá trình triển khai đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ các dự án thành phần của Chương trình 1719 trên địa bàn tỉnh.