Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Viết bên cầu Hiền Lương

Tiêu Dao - 16:51, 27/07/2021

Những ngày cuối tháng 7 này, chúng tôi dừng chân bên cầu Hiền Lương, để nghe lại tiếng trở mình hồi sinh của đất, của dòng sông một thời bị chia cắt làm đôi. Bước chân chạm lên cầu, lại nghe văng vẳng tiếng nhạc dìu dặt từ quán cà phê mang tên Vĩ tuyến 17 du dương bài hát với những lời da diết “Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê…”, bỗng thấy rưng rưng.

Cây cầu của niềm tin thống nhất

Có lẽ với mỗi người dân đất Việt, khi nhắc tới cái tên Hiền Lương hay dòng sông Bến Hải đều cảm thấy quen thuộc. Bởi đó là chứng nhân còn lại trong sự khốc liệt của chiến tranh. Có lẽ với nhiều người, cầu Hiền Lương hiện tại chỉ đơn thuần là một cây cầu của lịch sử, với những số liệu khô khan về nhịp, về độ dài, hay về màu sắc lạ lẫm nửa vàng nửa xanh. Nhưng với những con người đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, thì đó không chỉ đơn thuần là một cây cầu, mà đó còn là chứng tích của nỗi đau chia cắt.

Cầu Hiền Lương được phục dựng như nguyên bản, một chứng tích lịch sử bi thương nhưng rất đỗi hào hùng
Cầu Hiền Lương được phục dựng như nguyên bản, một chứng tích lịch sử bi thương nhưng rất đỗi hào hùng

Năm 1954, khi hiệp định Geneve được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17. Sông Bến Hải trở thành một vết hằn trong lịch sử, với cây cầu Hiền Lương nối bờ hai miền Nam - Bắc. Đó là chiếc cầu sắt không dài, không đẹp, nằm ngay cột mốc 735 trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Cây cầu được chia làm hai phần, mỗi bên 89m. Bờ Bắc 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm.

Nghe thoảng từ trong gió, rằng chẳng có mảnh đất nào trên dải đất hình chữ S này nhiều đau thương đến thế. Và cũng chẳng có miền đất nào mà chỉ trong phạm vi vài chục cây số vuông lại có lắm thơ ca, nhạc họa, phim và đủ các loại hình nghệ thuật phản ánh đến thế. Chỉ bởi vì, đó là mảnh đất của sự chết chóc và sinh tồn chỉ được tính bằng giây, bằng phút, bằng sự kiên cường bất khuất của những con người kiên trung nhất.

Bảo tàng bên sông Bến Hải
Bảo tàng bên sông Bến Hải

Lời ước hẹn 2 hai năm đoàn tụ bên bờ Hiền Lương phải đằng đẵng mấy mươi năm. Để sông Bến Hải bên nhớ, bên thương oằn mình chịu bom đạn quân thù. Vợ bên nớ, chồng bên ni vò võ mong chờ, thương nhớ. Cây cầu nhỏ thôi mà đã gánh trên vai suốt cả một chặng sử dài oanh liệt. Khúc sông vỏn vẹn chưa đầy 100m. Cầu bắc qua giới tuyến dài 178m với 894 tấm ván mà bây giờ chỉ mất vài phút bộ hành là có thể đi qua, vậy mà cả dân tộc đã ròng rã mấy ngàn ngày mới nối được đôi bờ.

Ở hai bờ giới tuyến, câu chuyện về những ngày đau thương không bao giờ cũ. Người Vĩnh Linh kể, hồi đó, có em bé được cứu sang bờ Bắc, mẹ em bị kẹt lại bờ Nam. Mỗi lần nhớ con, chị lại ra bờ sông nước mắt tràn ngóng về bờ Bắc, nghe con trẻ bên này cất tiếng gọi "mạ ơi" mà xé ruột xé gan.

Bà con bờ Nam muốn nhắn tin với người thân bờ Bắc chỉ có thể đứng bên sông đưa tay dùng ám hiệu: Ðầu vấn khăn tang, hai tay úp mặt là báo người thân vừa mới qua đời; hai cánh tay quặt ra phía sau là muốn nói rằng có người vừa bị bắt... Ðám tang ở vùng giới tuyến lại có đến “bốn đoàn” đưa tiễn. Khi có người qua đời, người dân bờ Nam đưa người quá cố đi dọc bờ sông, phía bờ Bắc cũng một đoàn người song song như thế. Bóng hai đoàn soi xuống dòng sông làm thành hai đoàn nữa. Rồi mỗi lần lễ, Tết, người thân hai bờ lại tràn ra sông để ngóng nhau. Nghe sao đau đớn quá!

Tượng đài “Khát vọng thống nhất” bên bờ Nam
Tượng đài “Khát vọng thống nhất” bên bờ Nam

21 năm để thống nhất được đôi bờ, để những người vợ chờ trồng được đoàn viên, để những người mẹ đợi con được thấy hình hài. Nhưng cũng có người chẳng trở về, cũng có người gửi lại phần xương thịt ở đâu đó rất xa. 21 năm cho ngày độc lập thống nhất, đã phải trả bằng quá nhiều mất mát.

Từ năm 1950 đến nay, đã có 8 lần cầu Hiền Lương được xây dựng, nhưng cây cầu lịch sử chính là chiếc cầu được làm vào năm 1952. Và có lẽ, ít người biết rằng ở cây cầu này có một người đứng gác suốt 10 năm, đó là ông Nguyễn Xuân Lực (nay đã 79 tuổi, trú tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Và chắc cũng ít người biết rằng, chỉ ở hai bờ Hiền Lương mới có "cuộc chiến" bằng loa phóng thanh công suất lớn và "cuộc chiến" đọ cờ dài đằng đẵng nhiều ngày như thế...

Những ngày tháng 7 này, mọi năm vẫn có rất nhiều người đến đây, thường lên cầu để chụp ảnh lưu niệm và xuống dưới chân cầu, cỏ dại xanh, hoa xuyến chi bình thản nở, để nhìn dòng nước hiền hòa trôi chảy. Đứng bên cầu Hiền Lương chúng tôi lại nghe kể về những đêm vượt sông giữa mưa bom bão đạn, nghe kể về những người vá cờ như mẹ Diệm, mẹ Sang và rất nhiều phụ nữ khác. Nghe kể về những người lính từng đứng gác bên cầu, nơi đầu ruồi súng luôn nhắm vào tim mà chưa bao giờ chùn bước. Và cả những điệu ru con ầu ơ vang lên trong xóm nhỏ thanh bình đến lạ giữa khoảnh khắc chiến tranh đầy kinh hoàng đó, để thấy được con người ở đôi bờ sông này bất khuất đến chừng nào.

Cầu Hiền Lương mới (trái) và cũ (phải)
Cầu Hiền Lương mới (trái) và cũ (phải)

Từ sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, sông Bến Hải và cầu Hiền Lương trở thành di tích lịch sử mà bất cứ ai đi qua trong hành trình xuôi Nam, ngược Bắc đều muốn tận mắt ngắm nhìn. Ở bờ phía Bắc, có chiếc cổng dẫn vào khu di tích và bên kia đường là cột cờ lồng lộng gió. Cây cầu đã được phục dựng, trở thành một điểm tham quan, chứ không dùng để đi lại qua sông.

Hồi sinh phía đôi bờ

Bây giờ, sau bao nhiêu năm tháng đạn bom dội xuống vùng đất này, sau bao nhiêu lần cây cầu bị đánh sập rồi được dựng lại, bao nhiêu lần lá cờ trên kỳ đài rách tươm vì đạn phía bên kia bắn tới, một khung cảnh yên bình đã diễn ra. Đứng bên cầu ngắm nhìn dòng sông Bến Hải trong xanh, thấp thoáng những chiếc thuyền đánh cá, nghe câu hò Quảng Trị ngọt ngào và đầy xúc động. Những cụm di tích lịch sử nổi tiếng như: Nhà Liên Hiệp, đồn công an giới tuyến, hệ thống lô cốt của Mỹ Diệm ở bờ Nam Bến Hải, tượng đài Khát vọng Thống nhất đất nước, nhà bảo tàng… vẫn đứng đó sừng sững như chứng tích của một thời gian chia cắt. Dưới chân cầu vẫn cỏ dại xanh mơn, hoa xuyến chi bình thản nở êm đềm, dòng nước hiền hòa trôi chảy lặng lẽ ra phía Biển Đông.

Đôi bờ Hiền Lương nay đang thay da đổi thịt trong cuộc sống mới. Đi dọc bờ sông Bến Hải, qua các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Giang của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) là vùng nuôi tôm trù phú. Hầu hết các địa phương đã có đường giao thông về tận trung tâm xã. Điện lưới quốc gia, phủ sóng truyền hình, thông tin liên lạc đã rộng khắp. Đêm đêm, dưới ánh đèn điện, nước tung bọt trắng xóa từ những máy sục khí quay đều ở hồ nuôi tôm. Bà con tính chuyện làm giàu. Chợ cá Cửa Tùng râm ran bán mua. Những ngôi nhà bờ Bắc hay bờ Nam đều hướng ra biển lớn. Tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố ở các xã đạt hơn 70%, nhà được xây dựng khá vững chắc hơn 30%...

Các cụm công nghiệp - làng nghề đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Trẻ tan trường vui tiếng nói cười. Những đoàn xe nối đuôi nhau ngược xuôi thiên lý trên những con đường trải nhựa phẳng lỳ. Biển Cửa Tùng, Cửa Việt xanh ngắt, tàu thuyền tấp nập ra khơi mang về đầy tôm, cá. Địa đạo Vịnh Mốc và các di tích lịch sử chiến tranh tấp nập du khách đến từ năm châu bốn bể. Giờ đây, đi dọc đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải mới thấy hết được sự khởi sắc của bộ mặt nông thôn so những năm trước đây. Từ vùng đồng bằng, vùng biển đến miền núi, nhà đổ mái bằng, nhà xây lợp ngói mọc lên ngày càng nhiều.

Rất nhiều người nước ngoài đến cầu Hiền Lương để tham quan
Rất nhiều người nước ngoài đến cầu Hiền Lương để tham quan

Ngược lên vùng gò đồi phía thượng nguồn Bến Hải, là những nông trường cao su, hồ tiêu xanh mướt. Chỉ riêng cây cao su đã đóng góp một nửa tổng thu ngân sách toàn huyện Vĩnh Linh, góp phần quan trọng cho huyện trở thành “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới”.

Cây cầu mới đã được xây dựng để thông thương hàng hóa trên con đường huyết mạch Quốc lộ 1A, cầu cũ vẫn giữ nguyên dáng vẻ của 21 năm lửa khói. Trong sự đổi thay đến ngỡ ngàng của vùng đất này, người dân vẫn dành một mảng riêng của đời sống để nhớ về lịch sử truyền thống. Các di tích chiến tranh cách mạng luôn luôn được người dân trong tỉnh và du khách trong và ngoài nước nâng niu, trân trọng, cảm phục.

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.