Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Soọng cô - một thứ “men” của đồng bào Sán Dìu: Một thời xao nhãng (Bài 2)

Văn Hoa - 12:23, 24/07/2022

Đã từng có thời gian, âm nhạc hiện đại lấn lướt làn điệu Soọng cô, khiến cho phần lớn lớp trẻ không còn thích hát, không mặn mà và trân quý những câu hát Soọng cô nữa, thậm chí còn có nhiều bạn trẻ cảm thấy khó chịu khi nghe ông, bà của mình hát… Nguyên nhân do đâu?

Đại đa số những người biết hát Soọng cô nay tuổi đã cao
Đại đa số những người biết hát Soọng cô nay tuổi đã cao

Nguy cơ thất truyền

Tìm về xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên, gặp ông Đặng Thanh Bình, sinh năm 1950. Ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Soọng cô thôn Thanh Trà, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa (Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển văn hóa Sán Dìu), Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên.

Ông Bình kể, ngay từ lúc 15-16 tuổi, ông đã được những người cao tuổi dạy hát Soọng cô, dạy đi làng khác thì hát ra sao, đón người làng khác đến thì hát thế nào, truyền dạy chủ yếu qua truyền khẩu… Ông cũng thường đi hát vào các dịp đám cưới.

Tuy nhiên theo ông Bình, kể từ sau năm 1975, rất ít người hát Soọng cô, ngay cả ông cũng ít khi hát. Tất cả mọi người tập trung vào cuộc sống mưu sinh; mặt khác, các dòng nhạc hiện đại du nhập vào rất nhiều, mọi người thích nghe các loại nhạc vui nhộn, sôi động. Những dịp đám cưới, thay vì hát giao duyên bằng Soọng cô, họ mở loa đài để nghe cải lương, nhạc sàn. Tiếng hát Soọng cô trầm lắng, nhẹ nhàng cứ thế mà bị quên lãng.

Ngoài ra, trong giao tiếp hằng ngày, do mọi người thường xuyên nói tiếng Việt (tiếng phổ thông-PV) thay vì nói tiếng mẹ đẻ nên dần dần thanh niên, trẻ em không còn biết nói và nghe hiểu được tiếng Sán Dìu nữa. Không nói được có nghĩa là cũng không hát được Soọng cô. Bởi thế, hiện nay CLB hát Soọng cô Thanh Trà có 98 hội viên, thì chỉ có 8 hội viên biết hát thuần thục, hiểu được tinh túy của Soọng cô, 90 hội viên còn lại thì chỉ biết hát ít bài, thậm chí có người không biết hát bài nào (tham gia phong trào).

"Xóm Thanh Trà 99% người Sán Dìu không sử dụng tiếng Sán Dìu trong sinh hoạt hằng ngày, đồng nghĩa tiếng hát Soọng cô cũng vì thế mà mai một, có nguy cơ thất truyền”, ông Bình lo lắng.

Đồng bào Sán Dìu đang nổ lực bảo tồn hát Soọng cô
Đồng bào Sán Dìu đang nổ lực bảo tồn hát Soọng cô

Còn theo Nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), từ những năm 1970 trở về trước, người Sán Dìu vẫn tổ chức đám cưới đêm và hát Soọng cô thâu đêm suốt sáng. Rồi theo thời gian số người đi hát, nhất là dịp đám cưới ít dần. Thời điểm ấy cũng vì hoàn cảnh lịch sử của đất nước, chủ yếu hát những bài cổ động về giải phóng miền Nam, giải phóng đất nước;  thanh niên phải lo phát triển kinh tế. Theo thời gian, tiếng hát Soọng cô giảm dần, đến những năm 80 không còn mấy người hát nữa.

Tại Quảng Ninh, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng bà Trương Thị Lê, sinh năm 1959, Trưởng ban liên lạc Cộng đồng dân tộc Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh. Bà Lê kể, thời bố mẹ của bà vì tiếng hát Soọng cô mà lấy nhau. Đến ngày cô lấy chồng (1978) mọi người vẫn hát cả đêm. Nhưng sau đó, mọi người chỉ hát chơi ở nhà, không đi hát qua đêm nữa.

Theo bà Lê, vì ở vùng Cẩm Phả, người Sán Dìu sống gần với người Kinh, con cái hai dân tộc lấy nhau nên việc nói tiếng Sán Dìu và hát Soọng cô cũng bị hạn chế, và đặc biệt, vì nhiều loại hình âm nhạc mới nên dần dần người ta quên đi tiếng hát Soọng cô.

Có thể thấy, người Sán Dìu thường chọn vùng trung du bán sơn địa, gần với người Kinh để sinh sống, cùng với sự phát triển, đời sống kinh tế, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, nhất là các dòng nhạc hiện đại vui nhộn, được người Sán Dìu đón nhận, dần dần họ quên lãng đi tiếng hát Soọng cô.

Sau Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) năm 1998, nhận thức người Sán Dìu đã thay đổi, họ nâng niu, gìn giữ tiếng hát Soọng cô (Ảnh TL)
Sau Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) năm 1998, nhận thức người Sán Dìu đã thay đổi, họ nâng niu, gìn giữ tiếng hát Soọng cô (Ảnh: TL)

Hồi sinh trở lại

Sau một thời gian Soọng cô bị quên lãng, ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là dấu mốc quan trọng, mở đường cho thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, thu được những thành tựu to lớn. Tiếng hát Soọng cô cũng từ đó mà được hồi sinh.

Cộng đồng người Sán Dìu đã thay đổi nhận thức, họ trân quý hơn những giá trị văn hóa của dân tộc. Họ bắt đầu hát lại Soọng cô, họ tập hợp những người đam mê và yêu thích hát Soọng cô để thành lập CLB, kể từ năm 2008 đến nay, đã có hơn 70 CLB Soọng cô thành lập. 

Các CLB tổ chức sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú, tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các CLB, giữa tỉnh này với tỉnh khác, tạo thành một phong trào bảo tồn tiếng hát Soọng cô vô cùng sôi động.

Nhiều người tuổi đã cao vẫn đang nỗ lực "cứu" di sản Soọng cô (Ảnh: Thái Sinh Trần)
Nhiều người tuổi đã cao vẫn đang nỗ lực "cứu" di sản Soọng cô (Ảnh: Thái Sinh Trần)

Tuy nhiên, có một thực tế, giới trẻ rất ít khi sử dụng tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hằng ngày, đại đa số không biết nói. Không biết nói nghĩa là không biết hát và khi những người lớn tuổi hát Soọng cô, vì điệu hát trầm, không sôi động, một bộ phận giới trẻ Sán Dìu do không hiểu ý nghĩa trong những câu ca nên thường tỏ thái độ khó chịu và coi những cuộc đi hát của chính ông, bà, bố mẹ mình là dỗi hơi, vô bổ.

Ông Lục Văn Bảy bày tỏ, lỗi là do mình, những thế hệ đi trước, chứ không hoàn toàn là giới trẻ. Đã một thời, chính những người lớn tuổi đã quên đi và do cuộc sống hằng ngày, người lớn tuổi không thường xuyên giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, không hát cho các cháu nghe, không truyền tình yêu

cho giới trẻ… Do đó mình cần tuyên truyền làm sao để giới trẻ hiểu được giá trị của Soọng cô, làm sao để giới trẻ tự tôn, tự hào về truyền thống của dân tộc.

Đến nay, nhiều người già đang thầm lặng, nỗ lực tận dụng khoảng thời gian còn lại khá ít ỏi để sưu tầm, nghiên cứu làn điệu Soọng cô; nhiều Nghệ nhân ưu tú, các ông, các bà đang nỗ lực truyền dạy cho con cháu của mình với mong muốn “cứu” kho báu, khôi phục lại tài sản quý giá của cha ông.

Tin cùng chuyên mục
Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh tập trung khá đông đồng bào Khmer sinh sống (tỷ lệ trên 30%). Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, giàu bản sắc, được truyền nối qua nhiều thế hệ. Trong cộng đồng có những hạt nhân ưu tú đã và đang miệt mài, cần mẫn đóng góp tâm sức để làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu như hai Nghệ nhân Nhân dân Châu Ôn và Lý Lết.