Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Soọng cô - một thứ “men” của đồng bào Sán Dìu: Tình yêu Soọng cô đã lớn dần trong lớp trẻ (Bài 5)

Văn Hoa - 16:44, 14/08/2022

Bằng tình yêu và trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ tiếng hát Soọng cô, nhiều nghệ nhân, nhiều câu lạc bộ (CLB) đã động viên, khuyến khích để kết nạp thêm những hội viên nhỏ tuổi. Họ đã nỗ lực dạy nói, dạy hát cho thế hệ trẻ, đưa các hội viên nhỏ tuổi đi giao lưu giữa các CLB trong và ngoài tỉnh; đi biểu diễn trong các ngày lễ, sự kiện lớn của địa phương... Trước nỗ lực của các ông bà, thế hệ đi trước, tình yêu, trách nhiệm giữ gìn văn hóa dân tộc đã lớn dần trong lớp trẻ.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia học hát Soọng cô
Ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia học hát Soọng cô

Từ những việc làm nhỏ

Là thành viên Ban tổ chức giao lưu cộng đồng dân tộc Sán Dìu, trong mỗi lần được chứng kiến các cuộc giao lưu cộng đồng dân tộc Sán Dìu ở các địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Nguyên... nhiều năm liền, tôi thực sự xúc động, trước hình ảnh những em nhỏ được nghệ nhân các CLB đưa lên sân khấu hát Soọng cô. Qua mỗi năm, số lượng các em nhỏ lên sân khấu hát càng nhiều hơn, có những CLB đã đưa từ 15-20 cháu tham gia hát giao lưu. Điều đặc biệt, toàn bộ các cháu nhỏ đều được các CLB trang bị đầy đủ trang phục truyền thống của dân tộc.

Mặc dù các em hát không được tròn từ, tròn tiếng, tuy nhiên mỗi tiết mục của các em luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của khán giả. Bởi tất cả những tâm huyết, sự cố gắng của mỗi CLB đều dành cho tuổi trẻ, chính các em sẽ là những chủ nhân của điệu hát Soọng cô trong tương lai.

Ngược về huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Lục Thái. Ông nguyên là lãnh đạo xã đã nghỉ hưu và đã dành rất nhiều tâm huyết để truyền dạy tiếng Sán Dìu và hát Soọng cô cho thế hệ trẻ. Ngồi dưới bóng cây, ông kể về những cuộc hát Soọng cô cho 2 học viên nhỏ tuổi, là Trương Văn Vũ và Trương Văn Huy. Ông vừa hát, vừa yêu cầu các cháu học theo. Hai bạn nhỏ như thấy được tâm huyết, sự nghiêm túc của ông nên đã cố gắng học.

Ông Hoàng Lục Thái (Tuyên Quang) và hai học viên nhỏ tuổi
Ông Hoàng Lục Thái (Tuyên Quang) và hai học viên nhỏ tuổi

Qua theo dõi cách truyền dạy của ông Thái, tôi cảm nhận được Vũ và Huy đã biết giao tiếp cơ bản tiếng Sán Dìu, do đó hai em học hát tương đối nhanh. Ông Thái hát cả bài, sau đó hát từng câu và yêu cầu học viên hát theo. Sau khi hát xong cả bài, ông đã dịch ra tiếng Việt để học viên có thể nắm được nội dung, từ đó việc học trở nên dễ dàng hơn. Qua khoảng hơn chục lần học đi, học lại, cuối cùng hai học viên nhỏ tuổi đã hát khá thuần thục, hiểu rõ về nội dung bài hát.

Nghệ nhân Hoàng Lục Thái chia sẻ, tôi và rất nhiều người cao niên khác đã được thừa hưởng, được những lớp cha anh trước đó truyền dạy lại tiếng hát Soọng cô. Vì vậy, chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình, khi biết rồi thì tiếp tục phải trao truyền để tiếng hát Soọng cô ngân vang mãi theo thời gian.

Tình yêu  Soọng cô đã lớn dần trong lớp trẻ

Dẫu biết rằng, thời thế đã thay đổi, trong xu thế hội nhập và phát triển, những loại hình âm nhạc mới sôi động dần lấn áp tiếng hát Soọng cô sâu lắng. Nhưng bằng tình yêu và trách nhiệm của mình, những người lớn tuổi đã và đang nỗ lực làm hết những gì còn có thể để cứu tiếng hát Soọng cô. Cũng vì thế, giới trẻ đã “động lòng”, họ bắt đầu ý thức hơn, chủ động hơn trong việc học hát Soọng cô

Những năm qua, thế hệ những người “đã quá ngũ tuần” đã sẵn sàng bỏ thời gian, bỏ tiền bạc để có những buổi say mình với tiếng hát Soọng cô. Rất nhiều những nghệ nhân, những cái tên mà khi nhắc đến cả cộng đồng người Sán Dìu đều tỏ lòng mến phục như các ông: Hoàng Lục Thái, Lục Văn Bảy; bà Đỗ Thị Man (Tuyên Quang)…; ông Lê Đại Năm, Thái Sinh Trần, bà Trần Thị Năm (Vĩnh Phúc); bà Trương Thị Lê (Quảng Ninh); ông Trần Bình Dưỡng (Thái Nguyên); ông Leo Mạnh Hiền (Bắc Giang)…

Nhiều bạn trẻ đã thay đổi nhận thức, tự chủ động học Soọng cô (Ảnh Thái Sinh Trần)
Nhiều bạn trẻ đã thay đổi nhận thức, tự chủ động học Soọng cô (Ảnh Thái Sinh Trần)

Trước niềm say mê và nỗ lực gìn giữ làn điệu này của các thế hệ ông, bà, nhiều bạn trẻ đã thay đổi nhận thức, đã đến lớp học hát Soọng cô. Chị Ôn Thị Thủy (Sơn Dương, Tuyên Quang) bày tỏ, các ông, bà, nghệ nhân là những người luôn trăn trở, suy nghĩ nghiên cứu, tìm tòi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Để gìn giữ, bảo tồn tiếng hát Soọng cô, thì những thế hệ đi sau như tôi có trách nhiệm hết sức lớn lao. Chúng tôi cần phải nhận ra rằng, bản sắc văn hoá Sán Dìu đang ngày dần mai một, và có khả năng sẽ biến mất mãi mãi nếu giới trẻ không vào cuộc.

Chị Ôn Thị Thủy (Tuyên Quang) bắt đầu học hát từ những bài đơn giản nhất
Chị Ôn Thị Thủy (Tuyên Quang) bắt đầu học hát từ những bài đơn giản nhất (Ảnh Thái Sinh Trần)

"Để bảo tồn làn điệu Soọng cô của dân tộc, bản thân tôi cũng đã bắt đầu học hát, bắt đầu từ những bài đơn giản nhất như bài: Ru em, ca ngợi Đảng, Bác Hồ… Thời gian tới, tôi sẽ tích cực tham gia giao lưu, học hát thêm nhiều bài hát Soọng cô hơn nữa”, chị Thủy nhấn mạnh. 

Còn đối với em Lưu Thị Thanh Huyền, 16 tuổi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ngay từ nhỏ Huyền đã được bà dạy nói tiếng Sán Dìu, 8 tuổi em được dạy hát Soọng cô. Huyền nói, qua sự nhiệt tình dạy hát của các ông bà, đến nay em đã thuộc rất nhiều bài Soọng cô, cũng nhờ đó mà em thường xuyên được tham gia biểu diễn hát ở địa phương, đi xuống tận Hà Nội giao lưu.

Qua khảo sát, hơn 70 CLB Soọng cô ở hầu hết các tỉnh có người Sán Dìu sinh sống đều có các hội viên nhỏ tuổi. Có những CLB có tới trên 40 hội viên nhỏ tuổi như CLB Soọng cô thôn Trung Mầu, CLB Chợ tình Đạo Trù (Vĩnh Phúc)… Tuy nhiên, lại rất ít đối tượng là thanh niên tham gia sinh hoạt tại các CLB.

Những hội viên nhỏ tuổi này đã được thế hệ các ông, bà dạy nói tiếng mẹ đẻ, dạy hát Soọng cô, bước đầu có thể hát được những bài hát đơn giản. Có những hội viên đã học hát được hơn chục bài, những bài khó nhưng số lượng rất hạn chế.

Một buổi sinh hoạt của CLB Soọng cô Trung Mầu (Trung Mỹ, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)
Một buổi sinh hoạt của CLB Soọng cô Trung Mầu (Trung Mỹ, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)

Từ tình yêu và trách nhiệm, những người lớn tuổi đã truyền cảm hứng, bồi đắp thêm ý thức gìn giữ Soọng cô cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, khi Soọng cô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, lớp trẻ càng thêm tự hào dân tộc, công tác bảo tồn di sản Soọng cô cũng thuận lợi hơn.

Mặc dù hiện nay, nhiều bạn trẻ đã học được nhiều bài hát Soọng cô, nhưng chỉ là những bài đơn giản, không có "cái tinh", cái hay so với các thế hệ trước đó; nhiều bạn trẻ cũng bước đầu tìm hiểu để học hát, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân như: làn điệu Soọng cô rất khó trao truyền, thiếu không gian diễn xướng, giới trẻ không biết nói tiếng mẹ đẻ... dẫn đến việc học Soọng cô khó khăn, nguy cơ mai một là rất rõ ràng.

Tin cùng chuyên mục
Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10 sẽ diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch

Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10 sẽ diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch

Chương trình Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu năm 2024 với chủ đề “Hòa bình - Di nguyện của tổ tiên” sẽ được tổ chức vào lúc 20h (giờ Việt Nam), ngày 18/4 (tức ngày 10/3 âm lịch) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của kiều bào từ gần 50 quốc gia.