Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sự cuốn hút của vùng đất thánh địa

Minh Ngọc – Trọng Khang - 14:25, 10/06/2022

Giữa bạt ngàn núi, bạt ngàn cây rừng, Mỹ Sơn (Quảng Nam) vẫn long lanh như bàn tay búp măng của thiếu nữ Chăm đang thả mình cùng vũ điệu Apsara huyền thoại, hòa trong tiếng kèn đắm đuối của những nghệ nhân hoài tưởng về một vùng thánh địa. Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà Di sản Mỹ Sơn đang mang trong mình vẫn đang chờ đợi con người tiếp tục giải mã.

Chương trình
Chương trình "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại"

Kiến trúc độc đáo

Được khởi công từ thế kỷ IV, Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu của dân tộc Chăm. Ngày 29/4/1979 Bộ Văn hóa-Thông tin đã ra Quyết định số 54VH/QĐ công nhận Mỹ Sơn là Di tích kiến trúc nghệ thuật. 

Mỹ Sơn hôm nay vẫn là một kho tàng với những tuyệt tác kiến trúc, những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, đồng thời chứa đựng những kiến thức về vật liệu, kỹ thuật xây dựng từ nhiều trường phái khoa học trên thế giới, điều này đã mang đến nhiều thích thú cho mọi người khi đến đây khám phá, trải nghiệm.

Mukhalinga rất độc đáo, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.
Mukhalinga rất độc đáo, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.

Kỹ thuật xây dựng tháp của người Chăm cho tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thích hợp về chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và xây dựng. Khu đền tháp Mỹ Sơn gồm một chuỗi những công trình thể hiện đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc Chămpa, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới năm 1999. 

Trong rất nhiều hiện vật tại đây, có tượng Mukhalinga rất độc đáo, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.

Mukhalinga là hiện vật gốc, độc bản duy nhất được phát hiện tính tới nay trên cả nước, còn khá nguyên vẹn. Hiện vật này được đánh giá là một kiệt tác của nền điêu khắc Chămpa, dựa trên phong cách nghệ thuật, cũng như giá trị lịch sử, văn hóa rất đặc biệt; là một trong những Mukhalinga đẹp và độc đáo nhất, không chỉ của Chămpa mà còn của cả khu vực Đông Nam Á thời cổ đại.

Tiềm năng du lịch

Những chạm trổ trên phiến đá kia, những tượng thần nữ, những hoa văn tinh xảo, những hình khắc , những viên gạch không vôi vữa gắn với nhau biết bao thế kỷ còn đang “thi gan cùng tuế nguyệt”… ở trong đó còn biết bao những gửi gắm của người xưa về vũ trụ, về thần linh, về cuộc sống, và là cả một bảo tàng vô giá về bao tuyệt phẩm nghệ thuật bây giờ không còn ai tạo tác được nữa. Với vẻ đẹp hoang sơ kỳ bí và mang đậm dấu ấn tâm linh, Thánh địa Mỹ Sơn là một trong những điểm du lịch độc đáo nhất của tỉnh Quảng Nam, thu hút đông đảo du khách từ trong và ngoài nước ghé thăm mỗi năm.

Các sản phẩm du lịch mới như âm nhạc Chăm sẽ góp phần tích cực để du lịch Mỹ Sơn dần phục hồi và phát triển
Các sản phẩm du lịch mới như âm nhạc Chăm sẽ góp phần tích cực để du lịch Mỹ Sơn dần phục hồi và phát triển

Quãng thời gian trở mình phát triển của các di sản văn hóa tại Quảng Nam, cũng đồng thời chứng kiến sự phục hưng của các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, các loại hình văn hóa phi vật thể đã có chỗ đứng nhất định sau 20 năm Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Đến với Mỹ Sơn, không những được khám phá những ngôi tháp, nghệ thuật, kiến trúc dân tộc Chăm mà du khách còn được khám phá về sự đa dạng hệ sinh thái rừng Mỹ Sơn. Vô số những loài động, thực vật được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ, phong phú. Các loại động vật hoang dã như heo rừng, gà rừng, gà gô, trĩ, mang, khỉ, các loài chim cũng đã quay về cư trú sinh sôi phát triển mạnh.

Được biết, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức, thực hiện, áp dụng nhiều công nghệ số vào việc quảng bá, giới thiệu giá trị Khu di sản thế giới Mỹ Sơn đến với du khách, cộng đồng. Đầu năm 2021, đơn vị đã đưa vào hoạt động trang web 360 để du khách trải nghiệm thực tế ảo như đang tham quan ngoài thực tế. Website được thiết kế với hình ảnh khu di tích dưới góc độ không gian 360, sử dụng hiệu ứng hình ảnh 3D để giới thiệu các công trình kiến trúc, sơ đồ, lối đi, đền tháp… với các góc nhìn khác nhau, làm các công trình đền tháp hiện ra sống động. Hai năm dịch bệnh vừa qua là một bài test cũng là một cơ hội cho những người làm du lịch nơi đây. Thay đổi nhưng không mất gốc, thay đổi để ấn tượng hơn. Mang lại góc nhìn mới hơn đối với những điểm đến cũ. 

Các tiết mục đặc sắc tại chương trình nghệ thuật "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại"
Các tiết mục đặc sắc tại chương trình nghệ thuật "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại"

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Ban Quản lý Mỹ Sơn) cho biết: “Thời gian qua, khi câu chuyện bảo tồn được cân đo đong đếm để hiện trạng đền tháp được giữ lại nguyên bản nhất, thì những dấu ấn phi vật thể của Mỹ Sơn vẫn còn khá nhạt. Với trăn trở ấy, đội ngũ làm văn hóa tại Mỹ Sơn quyết tâm khơi lại những tinh hoa của vùng đất tại đây, bằng nghệ thuật” và "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại" là một chương trình như vaayh, nằm trong chuỗi sự kiện Năm du lịch quốc gia 2022 của Quảng Nam.

"Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” là một chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài trời nhằm tái hiện lại phần nào lịch sử cội nguồn trung tâm tôn giáo quan trọng nhất của dân tộc Chăm tự ngàn xưa. Vượt qua khoảng cách không gian và thời gian để tìm mối giao hòa giữa xưa và nay… Dưới ánh chiều hoàng hôn bên thung lũng, lắng nghe tiếng tượng đá trở mình, ngắm vũ công thiên giới Apsara nhảy múa, sống động trong tiếng trống, điệu kèn những trải nghiệm ấy sẽ là vĩnh cửu tại không gian nghệ thuật Chăm đối với người dân và du khách.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.