Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Về An Phú để đắm mình trong văn hóa Chăm

N.Tâm – H.Diễm - 17:29, 09/05/2022

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch làng Chăm An Giang lần thứ IX, năm 2022 được tổ chức sau tháng lễ Ramadan, với nhiều hoạt động trình diễn văn hóa, văn nghệ, ẩm thực đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của đồng bào Chăm. Sự kiện diễn ra tại huyện đầu nguồn An Phú, không chỉ thu hút đồng bào Chăm tham gia mà còn hấp dẫn bao du khách từ nhiều địa phương trong vùng về đến với vùng đất đầu nguồn sông Hậu này.

Đồng bào Chăm An Giang háo thức tham gia các hoạt động thể thao trong ngày hội
Đồng bào Chăm An Giang háo thức tham gia các hoạt động thể thao trong ngày hội

Những ngày này, khi đến huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), chúng ta sẽ được hòa mình vào không gian đậm đà bản sắc dân tộc Chăm, cùng đồng bào thưởng thức, tham gia các hoạt động trong ngày hội, như thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống, giới thiệu văn hóa ẩm thực, triển lãm ảnh những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc Chăm An Giang.

Ngày hội diễn ra từ ngày 8/5 - 10/5, với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, quần chúng đến từ 8 xóm Chăm trên địa bàn toàn tỉnh An Giang. Ba ngày diễn ra lễ hội còn mang ý nghĩa về tình yêu thương, sự gắn bó, đoàn kết của các xóm Chăm để cùng phát triển.

Đặc biệt, với những hoạt động được tổ chức bài bản, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm nên sự kiện thu hút rất nhiều đoàn khách du lịch từ khắp nơi về với ngày hội. Anh La Thành Nhân đến từ Cần Thơ cho biết: Ban đầu, gia đình anh dự định đến Châu Đốc lễ chùa, nhưng một người bạn cho biết, ở huyện An Phú đang diễn ra Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch làng Chăm nên gia đình quyết định đổi lịch trình. 

"Khi đến đây, chúng tôi rất thích thú khi được hòa mình vào không khí ngày hội, không chỉ được ăn các món ăn truyền thống, mà còn được xem các điệu múa, nghe những lời ca của các chàng trai cô gái Chăm thật sự ấn tượng".

Nhiều món ăn truyền thống của đồng bào Chăm hấp dẫn thực khách
Nhiều món ăn truyền thống của đồng bào Chăm hấp dẫn thực khách

Diễn ra cùng các hoạt động văn nghệ thể thao, phần giới thiệu ẩm thực là hoạt động được nhiều người háo hức chờ đón, với các món ăn truyền thống của đồng bào như: cà ri, gỏi bắp bò, bánh năm pak, bánh ska da,… do chính tay các gia đình người Chăm làm, đặc sắc về hình thức, thơm ngon mới lạ về hương vị.

Ông Hari Gia, xã Khánh Bình chia sẻ: Đây là lần thứ 9, tôi tham gia phần thi nấu ăn, cảm xúc vẫn như lần đầu là háo hức. Tôi rất phấn khởi khi những món ăn truyền thống của đồng bào mình được nhiều thực khách thưởng thức, mua về làm quà. "Tôi thấy hoạt động này rất ý nghĩa, không những đồng bào Chăm chúng tôi có thể quảng bá về bản sắc văn hóa, về ẩm thực đặc sắc của dân tộc, mà qua mỗi dịp như thế này, các gia đình đã kết thêm được bạn bè; tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng vui vẻ, đoàn kết và chia sẻ với nhau hơn”.

Cùng đồng hành với Ngày hội, chị Sity Hara, Phó Ban Từ thiện xã hội, Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, cho biết: Có tham gia mới thấy không khí hân hoan, háo hức tham gia của đồng bào. Như phần thi ẩm thực dù diễn ra lúc 3 giờ chiều, nhưng nhiều đội đã đến từ rất sớm để chuẩn bị nguyên liệu.

"Nhìn những món ăn truyền thống của người Chăm được các đội thi thể hiện, gợi nhớ về hương vị, cội nguồn, bản sắc dân tộc mình, tôi rất xúc động; nhiều đội thi còn đổi mới tạo ra những món ăn rất khác, làm phong phú nền ẩm thực dân tộc. Tôi mong rằng, sắp tới sẽ có thêm nhiều hoạt động như thế này để đồng bào có cơ hội cùng tham gia, và hơn hết là giới thiệu hình ảnh đồng bào Chăm đến du khách gần xa...”, chị Sity Hara chia sẻ.

Chương trình biểu diễn văn nghệ của các nghệ nhân Chăm
Chương trình biểu diễn văn nghệ của các nghệ nhân Chăm

Theo ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm tỉnh An Giang, định kỳ 2 năm tổ chức một lần; là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên chuyên và không chuyên người dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống.

"Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh vùng đất, con người An Giang đến du khách trong và ngoài nước,tạo hiệu ứng mở đường cho du lịch trải nghiệm văn hóa Chăm phát triển", ông Trương Bá Trạng cho biết thêm..

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế

Tu Mơ Rông (Kon Tum): Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế

Tối 25/4, tại Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế dược liệu - Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh Kon Tum và công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn chế biến từ sâm dây.