Bác sĩ Vi Văn Nồng khám, tư vấn cho người dân đến khám tại Trạm Y tế xãSinh năm 1970 trong một gia đình người Tày đông con tại xã Đồng Văn, bác sĩ Nồng sớm thấu hiểu những khó khăn mà người dân nơi đây phải đối mặt, đặc biệt là trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Chính điều đó đã thôi thúc chàng trai trẻ ngày ấy nung nấu ý chí quyết tâm trở thành bác sĩ để giúp đỡ bà con vùng khó nơi đây.
Nghĩ rồi hành động, chàng trai trẻ đã vượt qua nhiều rào cản để theo đuổi con đường học vấn và hoàn thành chương trình Trung cấp Y tại thành phố Hạ Long, rồi tiếp tục học chuyên tu hệ cử tuyển tại Trường Đại học Y Hải Phòng. Sau khi hoàn thành học tập và đào tạo chuyên môn, bác sĩ Nồng đã quyết định trở về địa phương để làm việc. Với năng lực của bản thân cùng sự tin tưởng của lãnh đạo, đồng nghiệp, năm 2009 bác sĩ Nồng được bổ nhiệm làm Trạm phó Trạm Y tế xã Đồng Văn. Từ tháng 6/2011 đến nay giữ chức vụ Trạm trưởng Trạm Y tế của xã.
Bác sĩ Nồng chia sẻ, trước đây, xã Đồng Văn phải đối mặt với rất khó khăn, đặc biệt là điều kiện địa lý, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, lạc hậu. Không chỉ vậy, rào cản ngôn ngữ giữa cán bộ y tế và bà con người DTTS cũng khiến việc truyền tải kiến thức chăm sóc sức khỏe gặp nhiều trở ngại. Thêm vào đó, địa bàn rộng nhưng nguồn nhân lực y tế lại hạn chế, khiến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân cũng còn hạn chế.
Ngoài tiếng Tày, bác sĩ Nồng còn học tiếng Dao để thuận lợi khi thăm khám, tư vấn sức khỏe cho đồng bàoNhững năm gần đây, dù đường bê tông đã đến tận các thôn bản, nhưng với đặc thù dân cư thưa thớt, hệ thống truyền thanh và sóng điện thoại vẫn chưa đến được một số điểm vùng sâu, vùng xa. Bác sĩ Nồng cùng đồng nghiệp vẫn thường xuyên đến tận nhà người dân tuyên truyền thông tin sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và kế hoạch hóa gia đình.
“Trước đây, người dân còn lạc hậu, ốm đau thường tìm thầy cúng thay vì đến bác sĩ. Chúng tôi vừa tuyên truyền vừa kiên trì vận động. Giờ đây, người dân đã thay đổi, khi đau ốm đều tìm đến trạm xá. Tôi cũng đã tự học tiếng Dao thuận lợi khi khám chữa bệnh cho người dân tộc Dao, ít nhất cũng phải nghe hiểu họ nói gì về triệu chứng của bệnh hay bị đau ở đâu”, bác sĩ Nồng trải lòng.
Với tâm niệm “Sức khỏe của người dân là niềm vui của người thầy thuốc,” bác sĩ Nồng luôn dành thời gian để trực tiếp thăm khám, tư vấn, và giải thích cặn kẽ cho người bệnh. Ông cũng thường xuyên tới tận nhà dân để khám cho những trường hợp nặng không thể di chuyển, đồng thời tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ hơn về cách phòng chống các bệnh không lây nhiễm, bệnh truyền nhiễm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát gần đây như Covid-19; dịch cúm, sốt xuất huyết...
Bà Phùn Tài Múi, người dân trong xã bị huyết áp cao thường xuyên được bác sĩ Nồng thăm khám, phát thuốc cho biết: “Ở xã này ai mà ốm đau, bệnh tật thì người ta thường hay gọi bác sĩ Nồng. Bác sĩ rất nhiệt tình, tốt bụng; có nhiều trường hợp nửa đêm bác sĩ cũng vẫn xuống với người dân ấy chứ”.
Bác sĩ Nồng thường xuyên đến nhà dân để tuyên truyền, thăm khám trực tiếp cho người dânCùng với đó, trên cương vị Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Văn, hằng năm khi được giao chỉ tiêu kế hoạch, bác sĩ Nồng luôn xác định vấn đề ưu tiên, tham mưu với cấp uỷ, chính quyền xã xây dựng kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Sau đó họp Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên hoạt động theo quy chế làm việc. Ban Chỉ đạo cũng thường xuyên họp đánh giá kết quả hoạt động để rút ra bài học kinh nghiệm với mục tiêu quan trọng nhất là cung cấp các dịch vụ y tế tốt nhất cho người dân.
Đánh giá cao về những đóng góp của bác sĩ Vi Văn Nồng đối với địa phương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu - Ngô Thị Bình nhấn mạnh: “Là bác sĩ người Tày được sinh ra và lớn lên ngay tại xã vùng cao Đồng Văn, bác sĩ Nồng hiểu rõ những khó khăn của vùng biên giới nơi đây. Ông không chỉ tận tụy khám chữa bệnh mà còn kiên trì vận động, giúp người dân thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khỏe. Với những cống hiến của mình, bác sĩ Vi Văn Nồng là một biểu tượng của lòng nhân ái trong ngành Y tế huyện Bình Liêu”.